Các mô hình can thiệp sớm cho trẻ có nhu cầu đặc biệt

       Can thiệp sớm (CTS) cho trẻ có vấn đề về phát triển giữ một vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của trẻ và là yếu tố quyết định đến sự thành công của giáo dục hoà nhập. Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng can thiệp sớm mang lại những tác động hiệu quả nhất đối với sự phát triển của trẻ  là giai đoạn từ 0-6 tuổi. Can thiệp sớm có những tác động rõ rệt trên trẻ như: giảm thiểu ảnh hưởng của các loại tật tới sự phát triển, tận dụng tối đa cơ hội giúp trẻ tham gia các hoạt động bình thường từ khi còn nhỏ, ngăn chặn các rủi ro hoặc những bất thường về phát triển của khuyết tật thứ phát; phát huy hiệu quả kinh tế đối với cộng đồng; tiết kiệm chi phí đầu tư cho các dịch vụ giáo dục đặc biệt.

     Công tác can thiệp sớm ở Việt Nam được khởi đầu tương đối sớm từ  những năm 90 với nhóm trẻ khiếm thính. Trên nền tảng sự phát triển của công tác can thiệp sớm này, năm 2001, can thiệp sớm đã được đề cập đến trong “Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2001-2010” với mục tiêu hỗ trợ giáo dục hoà nhập cho trẻ có nhu cầu đặc biệt ở lứa tuổi mầm non, tiểu học và trung học cơ sở.

      Cho đến nay, hoạt động can thiệp sớm cho trẻ có nhu cầu đặc biệt nói chung và những trẻ có bất thường trong phát triển nói riêng đã được triển khai nhân rộng ở nhiều địa phương trong cả nước với nhiều mô hình khác nhau gồm:

         Mô hình can thiệp sớm tại nhà

     Đây là mô hình dịch vụ được cung cấp cho các đối tượng (trẻ, cha mẹ trẻ, người chăm sóc…) tại nhà hoặc tại cộng đồng  (các trung tâm chăm sóc trẻ, các gia đình trong trẻ ban ngày…). Ưu điểm của mô hình này là can thiệp sớm được thực hiện trong môi trường quen thuộc bởi chính cha mẹ- những giáo viên đầu tiên của trẻ. Cha mẹ và người thân của trẻ tham gia vào quá trình can thiệp sớm một cách tự nhiên dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia. Can thiệp sớm theo mô hình này dễ được duy trì đồng thời tiết kiệm được kinh phí, sức lực và giảm thiểu những phiền toái khác cho trẻ và gia đình. Mô hình này rất phù hợp cho những gia đình ở xa trung tâm can thiệp sớm. Tuy nhiên can thiệp sớm tại nhà cũng có một số nhược điểm như: sự thiếu kiên định của phụ huynh trong việc thực hiện kế hoạch CTS, sự thiếu cởi mở và chia sẻ của phụ huynh do mặc cảm  tự đổ lỗi, thiếu niềm tin hay các vấn đề về phong tục, tập quán địa phương. Ở mô hình này, trẻ cũng bị hạn chế trong việc tiếp xúc với các bạn, mất thời gian di chuyển của chuyên gia. Và hiệu quả của CTS sẽ phụ thuộc vào tình trạng kinh tế và trạng thái tinh thần của gia đình.

        Mô hình can thiệp sớm tại trường mầm non hoà nhập

     Ở mô hình này, các dịch vụ can thiệp sớm sẽ được giáo viên và chuyên gia tiến hành ngay tại trường mầm non, nơi trẻ đang tham gia học hoà nhập. Hình thức này tập trung vào hướng dẫn trẻ là chính và trực tiếp. Trẻ có cơ hội được tương tác với các bạn đồng trang lứa trong môi trường hoà nhập. Các giáo  viên và chuyên gia theo dõi trẻ theo chương trình giáo dục cá nhân đã được xây dựng và được điều chỉnh một cách phù hợp. Ưu điểm của mô hình này là mức độ hiệu quả cao tuy nhiên nó đòi hỏi các giáo viên và chuyên gia phải hiểu được tâm lý của trẻ, cùng đánh giá và thực hiện chung kế hoạch CTS. Vì vậy, sẽ mất thời gian, tạo áp lực và vất vả cho cả nhóm, thậm chí có thể nảy sinh những mâu thuẫn trong nhóm.

        Mô hình Can thiệp sớm tại Trung tâm

      Mô hình này hiện đang được áp dụng khá rộng rãi và phổ biến ở các thành phố lớn. Theo mô hình này, dịch vụ được cung cấp cho trẻ, cho cha mẹ hoặc các thành viên khác trong gia đình tại Trung tâm CTS. Hiện có 2 mô hình can thiệp tại Trung tâm là mô hình chuyên biệt và mô hình hỗ trợ hòa nhập. Cha mẹ và trẻ cùng đến các Trung tâm CTS, ở đây họ sẽ nhận được những hướng dẫn và hỗ trợ phù hợp từ phía chuyên gia CTS đối với từng loại tật và mức độ phát triển của trẻ. Thuận lợi của mô hình CTS này là các phương tiện, tài liệu và thiết bị hỗ trợ thường có sẵn tại Trung tâm; đồng thời khi tham gia vào CTS tại trung tâm, các thành viên gia đình trẻ cũng có cơ hội gặp gỡ, chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm về chăm sóc, can thiệp cho trẻ với các cha mẹ khác. Hạn chế của mô hình can thiệp này là những gia đình ở xa sẽ tốn thời gian đi lại và có thể phải mất thêm những khoản chi phí khác như: thuê nhà ở, phương tiện đi lại, ảnh hưởng đến công việc của cha mẹ…

       Sau khi tiếp nhận thông tin đăng ký của gia đình, trung tâm sẽ tổ chức đánh giá phát triển và tư vấn giáo dục. Kết quả đánh giá sẽ là căn cứ để gáo viên can thiệp sớm xây dựng chương trình giáo dục cá nhân (GDCN) cho trẻ. Một chương trình GDCN sẽ kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm và sẽ được triển khai sau khi có sự thống nhất giữa gia đình và trung tâm can thiệp sớm. Chương trình GDCN cũng được gửi về gia đình trẻ và trường mầm non hoà nhập trẻ đang theo học để cùng phối hợp thực hiện. Kết thúc một chương trình GDCN, trẻ sẽ được đánh giá lại. Kết quả đánh giá lại là cơ sở để kiểm chứng quá trình can thiệp cho trẻ, đồng thời định hướng và điều chỉnh nội dung của chương trình GDCN cho lần tiếp theo. Các bước từ tổ chức can thiệp sớm, đánh giá lại và điều chỉnh chương trình GDCN sẽ được lặp lại định kỳ 6 tháng 1 lần.
           
      Trung tâm hiện đang cung cấp dịch vụ CTS theo 2 hình thức, tiết cá nhân và nhóm nhỏ. Tiết cá nhân là hình thức can thiệp 1 cô – 1 trò (one by one) diễn ra trong thời lượng 1 tiếng một ngày. Can thiệp theo nhóm nhỏ cũng với thời lượng trên nhưng với số lượng từ 3- 4 trẻ trong một nhóm can thiệp. Việc can thiệp hướng tới mục đích cung cấp kiến thức, kĩ năng phù hợp với độ tuổi phát triển của trẻ; rèn luyện các nguyên tắc, thói quen tốt trong lớp học mầm non. Trong giờ can thiệp nhóm, trẻ có cơ hội rèn luyện thêm các kĩ năng tương tác với bạn, kĩ năng giao tiếp và sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp…Đây cũng là bước đệm quan trọng giúp trẻ hòa nhập tốt hơn ở trường Mầm non.

100% cha mẹ khi được hỏi về hiệu quả của chương trình can thiệp sớm đều trả lời rằng chương trình mang lại nhiều hiệu quả tích cực đối với trẻ. Trong đó 15.5% cho biết con họ tham gia học hoà nhập mà không cần trợ giúp. 40,5%  trả lời con họ có thể hòa nhập được nếu được hỗ trợ thêm từ trung tâm can thiệp sớm và giáo viên ở trường mầm non. Có 34,4% phụ huynh trả lời trẻ hoà nhập ở mức độ thấp, thậm chí có những trẻ chưa hoà nhập được ngay cả với môi trường gần gũi nhất là gia đình trẻ.

       Điều này hoàn toàn phù hợp với kết quả đánh giá của trẻ. Những trẻ có khả năng tự hòa nhập và hòa nhập được khi có hỗ trợ là những trẻ được chẩn đoán Chậm phát triển ngôn ngữ, trẻ RLTK mức độ nhẹ, trẻ KTTT và một số trẻ có biểu hiện ADHD. Những trẻ ít có khả năng hòa nhập và không thể hòa nhập hầu hết là những trẻ TK mức độ nặng, trẻ RLPT kèm ADHD…
Hầu hết các phụ huynh đều khẳng định rằng chương trình can thiệp sớm tại trung tâm đã mang lại những kết quả đáng kể trong sự phát triển của con em mình. Các phụ huynh đánh giá cao việc trung tâm, giáo viên can thiệp sớm đã tạo ra được mối liên hệ chặt chẽ với gia đình và trường mầm non hoà nhập. Điều này không chỉ góp phần tăng hiệu quả can thiệp sớm cho bản thân trẻ mà còn đem lại sự hỗ trợ về tinh thần rất lớn với các phụ huynh. Đề cập đến những khó khăn khi tham gia can thiệp sớm tại trung tâm thì có đến 70,2% các phụ huynh nêu ra: khoảng cách địa lý, bố chí người đưa đón trẻ đi cham thiệp, thời lượng tham gia can thiệp còn chưa đáp ứng được với nhu cầu… Các phụ huynh đều mong muốn con em mình được tiếp cận với các dịch vụ can thiệp sớm tại trung tâm gần nhà và với thời lượng can thiệp nhiều hơn.

       Hầu hết các giáo viên được hỏi đều nói rằng, sau thời gian tham gia can thiệp sớm, các trẻ đã có nhiều tiến bộ trong quá trình học hoà nhập tại trường mầm non. Tuy nhiên, có một số trẻ vẫn cần có nhiều sự hỗ trợ mới có thể hoà nhập được. Hầu hết các giáo viên đều đưa ra nhận xét rằng các học sinh ở quá xa trung tâm can thiệp sớm thường có hiệu quả không cao so với các trẻ nhà gần trung tâm. Bởi vì việc phải di chuyển qua một quãng đường dài, các trẻ nhỏ thường mệt mỏi và kém hứng thú với việc học tập, vui chơi trong giờ can thiệp. Thêm vào đó, do đi lại xa nên trẻ thường hay phải nghỉ học khi điều kiện thời tiết không thuận lợi. Điều này cũng làm gián đoạn và giảm hiệu quả của quy trình can thiệp sớm. Những trẻ ở tỉnh xa tham gia can thiệp sớm theo kỳ cũng không đạt được kết quả như mong đợi do phải ngừng can thiệp giữa các kỳ.

        Các giáo viên cũng kiến nghị rằng họ cần có thêm sự hỗ trợ của các chuyên gia ý tế trong quá trình can thiệp sớm cho trẻ tại trung tâm, đặc biệt đối với những trường hợp cần có các trị liệu về thuốc.

        Để nâng cao hiệu quả can thiệp sớm ở mô hình trung tâm cần có sự phối hợp của nhiều nhân tố, bao gồm: Trung tâm, giáo viên can thiệp sớm và gia đình cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong quá trình can thiệp cho trẻ, làm rõ vai trò của mỗi bên trong chương trình can thiệp; Giáo viên can thiệp, cha mẹ và giáo viên mầm non cần có những trao đổi định kì tiến trình và hiệu quả và khó khăn của việc can thiệp sớm và tham gia hòa nhập. Từ đó đưa ra những biện pháp hỗ trợ phù hợp.

         Mức độ, thời lượng can thiệp và môi trường học của trẻ  cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của chương trình can thiệp sớm. Trong nghiên cứu cứu cho thấy trẻ can thiệp thời lượng nhiều hơn có chỉ số phát triển tốt hơn, trẻ học mầm non tư thục hòa nhập dễ dàng hơn, trẻ ở ngoại thành có môi trường hòa nhập tốt hơn trẻ ở các quận nội thành.
Để CTS đạt hiệu quả cao nhất cần có sự phối hợp liên ngành giữa y tế- giáo dục- cộng đồng; Các lực lượng tham gia CTS và GDHN cần có đủ kiến thức, kĩ năng tham gia hoạt động đánh giá và thực hiện CTS cho trẻ, có như vậy mới có những nhìn nhận đúng đắn về khả năng của trẻ và lựa chọn môi trường giáo dục phù hợp nhất cho trẻ.

        Các chương trình can thiệp sớm cho trẻ ngoài việc tập trung vào các lĩnh vực phát triển cũng cần chú ý đến các kỹ năng hòa nhập cho trẻ như: hợp tác nhóm, lắng nghe, làm theo hướng dẫn, chia sẻ với người khác, chia sẻ trước nhóm, các kỹ năng tự phục vụ…

        Trẻ nên được tham gia chương trình CTS ngay khi được phát hiện và đoán, sự thích ứng và tiến bộ của trẻ không chỉ phụ thuộc vào độ tuổi can thiệp mà còn phụ thuộc vào dạng tật và mức độ nặng nhẹ của dạng tật đó; Kết quả đánh giá chính xác và tiên lượng khả năng của trẻ để thiết lập một chương trình can thiệp phù hợp cũng là một yếu tố quyết định hiệu quả của chương trình CTS.[

        Chương trình can thiệp sớm nên được duy trì với những trẻ có nhiều khó khăn trong quá trình phát triển ngay cả khi các trẻ đã tham gia vào quá trình hòa nhập. Nếu cần thiết có thể sử dụng hình thức giáo viên đặc biệt đến hỗ trợ trẻ tại các trường mầm non hòa nhập.

        Ngoài những nhân tố được kể trên, việc giáo viên và phụ huynh có niềm tin và sự kỳ vọng đúng mức vào sự phát triển của trẻ khi tham gia can thiệp sớm sẽ góp pần quan trọng vào thành công của chương trình can thiệp sớm và khả năng hoà nhâp của trẻ.

         Thực hiện can thiệp kịp thời và phù hợp giữ một vai trò vô cùng quan trọng giúp trẻ có nhu cầu đặc biệt phát triển được tiềm năng và tham gia hoà nhập ở mức cao nhất. Với đội ngũ chuyên gia và giáo viên được đào tạo, can thiệp sớm tại trung tâm  không chỉ mang lại hiệu quả cao đối với việc phát triển tiềm năng của trẻ mà còn cung cấp cho cha mẹ dịch vụ  hỗ trợ tư vấn kịp thời. Mô hình trung tâm xây dựng được sự kết nối giữa các chuyên gia, giáo viên và cha mẹ tạo nên sự thống nhất trong chương trình can thiệp sớm. Ở đây ngoài việc được tiếp cận với các dịch vụ và phương tiện hỗ trợ dạy học đầy đủ, các cha mẹ còn có cơ hội trao đổi và chia sẻ với nhau những kinh nghiệm giáo dục và chăm sóc trẻ. Tuy nhiên, khi tham gia can thiệp theo mô hình trung tâm, gia đình và trẻ gặp không ít các khó khăn khách quan như: khoảng cách địa lý, chi phí cho việc học tập, bố trí người đưa đón giữa nhà, trung tâm can thiệp sớm và trường mầm non hoà nhập. Mô hình này cần được nhân rộng tại các địa phương để giảm thiểu các khó khăn cho gia đình và giáo viên can thiệp sớm. Để tăng cường hiệu quả của các trung tâm can thiệp sớm nhằm mang lại nhiều hơn cơ hội phát triển đầy đủ cho trẻ em, các trung tâm can thiệp sớm cần có sự kết hợp liên ngành, đặc biệt là có sự tham gia của các chuyên gia y tế. Được tiếp cận với can thiệp sớm với đầy đủ các yếu tố cấu thành là cơ hội hoà nhập tốt nhất đối với trẻ có nhu cầu đặc biệt.

                                                                                                                                                                                 Đào Thị Bích Thuỷ- TT Hoa Anh Đào

Lượt truy cập: 8551 - Cập nhật lần cuối: 08/05/2017 10:04:16 AM

Tin mới hơn:
Google+