CHĂM SÓC SỨC KHỎE VÀ GIÁO DỤC CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT

Năm 2016 các cơ quan của Chính phủ, các bộ ngành, đơn vị chức năng, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức người khuyết tật và các địa phương trên cả nước đã chủ động, tích cực và phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai các hoạt động trợ giúp người khuyết tật và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy thực hiện hóa quyền người khuyết tật và sự hòa nhập xã hội của cộng đồng người khuyết tật Việt Nam.

       Năm 2016 các cơ quan của Chính phủ, các bộ ngành, đơn vị chức năng, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức người khuyết tật và các địa phương trên cả nước đã chủ động, tích cực và phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai các hoạt động trợ giúp người khuyết tật và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy thực hiện hóa quyền người khuyết tật và sự hòa nhập xã hội của cộng đồng người khuyết tật Việt Nam.

BS Nguyễn Bá Duyệt, TTK - PCT Hội CTTETTVN phát biểu tại Hội nghị

        Y tế, chăm sóc sức khỏe

       Năm 2016 cả nước có 896.644 người khuyết tật nặng được cấp thẻ Bảo hiểm y tế theo quy định của Nghị định số 28/2012/NĐ-CP và trên 150.000 người khuyết tật nhẹ thuộc các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ chính sách xã hội được cấp thẻ bảo hiểm y tế hoặc hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe.

        Từ năm 2016, người khuyết tật khi tham gia BHYT được ưu tiên về mức đóng, mức hưởng theo quy định: Người khuyết tật  nặng và đặc biệt nặng, trẻ em khuyết tật dưới 6 tuổi, người khuyết tật nặng thuộc hộ gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số,  sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, tại xã đảo, huyện đảo, thuộc đối tượng ưu đãi xã hội, bảo trợ xã hội hàng tháng được hỗ trợ 100% phí BHYT. Người khuyết tật tham gia BHYT khi khám bệnh, chữa bệnh theo đúng quy định tại Điều 26, 27, 28 của Luật BHYT thì được Quỹ BHYT thanh toán chi phí khám chữa bệnh theo các mức 100%, 95% và 80% tùy theo đối tượng; trường hợp tự khám chữa bệnh không đúng tuyến, phải nằm điều trị nội trú thì được thanh toán mức 40% chi phí điều trị nội trú (tuyến trung ương), 60% (tuyến tỉnh), 70% ( tuyến huyện). Từ 1/1/2016, người tham gia BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế tuyến xã, hoặc phòng khám đa khoa, bệnh viện tuyến huyện được hưởng 100% chi phí điều trị nội trú tại cơ sở y tế tương đương trên cùng địa bàn tỉnh.

        Từ thực tiễn và kết quả thu được trong những năm qua, phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng (PHCNDVCĐ) được ngành y tế xác định là chiến lược để giải quyết vấn đề khuyết tật với chi phí thấp và tăng cơ hội hòa nhập xã hội của người khuyết tật. Đến nay cả nước có 38 Bệnh viện/Trung tâm Điều dưỡng – Phục hồi chức năng trực thuộc tỉnh/thành phố; Có 23 Bệnh viện/Trung tâm Điều dưỡng – Phục hồi chức năng trực thuộc các Bộ, ngành; 100% bệnh viện đa khoa tuyến trung ương, 100% bệnh viện đa khoa tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương có khoa Vật lý trị liệu; Chương trình PHCNDCCĐ đã được triển khai rộng khắp tại 51 tỉnh, thành phố với 337 quận, huyện và 4.604 xã, phường trong cả nước, góp phần làm giảm tỷ lệ khuyết tật, tăng khả năng hòa nhập, tái hòa nhập cộng đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống của người khuyết tật.

         Năm 2016, cùng với các hoạt động hỗ trợ người khuyết tật của Bộ Y tế, các tổ chức xã hội, tổ chức của/vì người khuyết tật và chính quyền các địa phương cũng tích cực triển khai các hoạt động trợ giúp y tế cho người khuyết tật trong cộng đồng. Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam đã hỗ trợ 6.992 người phẫu thuật thay thủy tinh thể, 349 người khuyết tật phẫu thuật chỉnh hình phục hồi chức năng, 184 người phẫu thuật tim, cấp thẻ BHYT cho 10.387 người khuyết tật, khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho 80.000 lượt người khuyết tật và trẻ mồ côi. Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam đã khám sàng lọc và phát thuốc miễn phí 648.741 lượt trẻ; tiếp nhận, nuôi dưỡng và chữa trị cho 1.244 trẻ khuyết tật các dạng tật trí tuệ, tự kỷ, Down, bại não, nhìn, nghe nói…

        Giáo dục cho trẻ em khuyết tật

        Giai đoạn từ 1996 – 2016, với những nỗ lực của ngành giáo dục số trẻ khuyết tật đi học các cấp học đã tăng lên gấp 10 lần, từ khoảng 42 ngàn trẻ được đi học vào năm 1996 đã tăng lên trên 500 ngàn trẻ khuyết tật đi học vào năm 2016. Ở các cấp học cao, tỷ lệ trẻ khuyết tật đi học có xu hướng tăng lên rõ rệt

         Năm 2016, theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngành giáo dục các địa phương đã chủ động, tích cực triển khai công tác giáo dục trẻ khuyết tật. Đội ngũ giáo viên phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật từng bước nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của mình đối với việc giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật; trẻ em khuyết tật được tiếp cận với giáo dục ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng không ngừng được nâng cao. Đến nay Việt Nam đã hình thành hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục ở cấp tỉnh ở trên 20 tỉnh thành phố; đã có 107 cơ sở giáo dục chuyên biệt và 12 trung tâm giáo dục trẻ em khuyết tật và các triển khai giáo dục hòa nhập ở tất cả các cấp học phổ thông trong cả nước. Mạng lưới đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giáo viên cho giáo dục hoà nhập được hình thành và phát triển ở các trường đại học, cao đẳng và viện nghiên cứu. Đội ngũ cán bộ quản lí và giáo viên tham gia giáo dục người khuyết tật ngày càng tăng về số lượng và chất lượng. Từ năm 2002 đến nay, mỗi năm có gần 300 sinh viên đã được đào tạo trình độ đại học, cao đẳng về giáo dục khuyết tật, trên 10 ngàn cán bộ quản lý giáo dục mầm non, phổ thông của các Phòng, Sở GD&ĐT trên cả nước đã được bồi dưỡng nghiệp vụ về giáo dục người khuyết. Tổng kết 20 năm giáo dục trẻ khuyết tật cho thấy giáo dục học sinh khuyết tật ngày càng thực hiện hiệu quả và đạt được những kết quả đáng khích lệ, số trẻ em khuyết tật được đi học năm 2015- 2016 đã tăng gấp 10 lần so với năm học 1995-1996, theo thống kê của Bộ GD-ĐT, hiện nay đã có 171.873 trẻ đi học mẫu giáo, 52.606 học sinh tiểu học, 14.073 học sinh trung học cơ sở, hơn 2.300 học sinh trung học phổ thông là học sinh khuyết tật đã được đến trường và nhiều học sinh khuyết tật tốt nghiệp trung học phổ thông và các trường cao đẳng, đại học đã đóng góp cho gia đình, cộng đồng và xã hội.

       Dạy nghề, việc làm giúp người khuyết tật ổn định cuộc sống

       Dạy nghề cho người khuyết tật được thực hiện trong Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ; hàng năm Đề án đã hỗ trợ dạy nghề cho khoảng 20.000 người khuyết tật. Giai đoạn 2010- 2015 ước tính có khoảng 120.000 người được dạy nghề và hỗ trợ tạo việc làm.

       Hiện tại, ước tính cả nước có 7,2 triệu người khuyết tật, trên 60% trong độ tuổi lao động (15 -60 tuổi); khoảng 30% còn khả năng lao động và 75% người khuyết tật còn khả năng lao động đang tham gia hoạt động kinh tế, trên 70% hoạt động kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp; khoảng 80% hoạt động kinh tế dưới hình thức tự làm hoặc là lao động hộ gia đình, chỉ có khoảng 15% là lao động làm công ăn lương. Ước tính dưới 10% người khuyết tật đã qua đào tạo nghề, như vậy cả nước còn trên 1,2 triệu người khuyết tật trong độ tuổi lao động còn khả năng lao động cần được hỗ trợ dạy nghề.

        Dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật là một trong những nội dung quan trọng trong công tác trợ giúp người khuyết tật ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, là một trong những yếu tố căn bản đảm bảo thực hiện quyền người khuyết tật theo tinh thần Công ước của liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật. Năm 2016, để tiếp tục duy trì và thúc đẩy công tác dạy nghề cho người khuyết tật, ngày 29 tháng 07 năm 2016 Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành Công văn số: 2839/LĐTBXH-BTXH về việc  đào tạo nghề cho người khuyết tật và người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương Quan tâm tổ chức tư vấn học nghề, việc làm cho người khuyết tật và người tâm thần; nghiên cứu xây dựng và nhân rộng mô hình dạy nghề gắn với tạo việc làm cho người khuyết tật và người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí, ưu tiên bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" đã được phân bổ năm 2016 để thực hiện mô hình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người khuyết tật và người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí tại địa phương.

        Trong tổ chức thực hiện dạy nghề cho người khuyết tật năm 2016, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo các địa phương triển khai công tác đào tạo nghề cho người khuyết tật cần tập trung vào rà soát, cập nhật, xác định nhu cầu đào tạo nghề của người khuyết tật; xác định cụ thể các chỉ tiêu, nhiệm vụ hỗ trợ đào tạo nghề cho người khuyết tật hàng năm và 5 năm; xây dựng, phê duyệt mức chi phí đào tạo đối với từng nghề, mức hỗ trợ cụ thể đối với từng đối tượng theo quy định tại Quyết định số 46/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

       Thực hiện chỉ đạo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, các địa phương  đã chủ động, tích cực tổ chức dạy nghề cho người khuyết tật. Nhiều địa phương, ngay từ đầu năm đã lập kế hoạch dạy nghề và giao chỉ tiêu dạy nghề cho các cơ sở dạy nghề. Tại các địa phương, trung tâm dạy nghề của tỉnh đóng vai trò chủ đạo trong công tác dạy nghề cho người khuyết tật. Năm 2016, các trung tâm dạy nghề đã chủ động và sáng tạo, tổ chức dạy những nghề truyền thống, gắn liền với thị trường lao động địa phương, khả năng có việc làm sau học nghề cho người khuyết tật.

        Tham gia dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật có sự tham gia tích cực của các tổ chức xã hội, tổ chức của/vì người khuyết tật. Mỗi năm các tổ chức này đã dạy nghề và hỗ trợ hàng ngàn người khuyết tật có việc làm, thu nhập. Trong năm 2016 Hội người mù Việt Nam đang tiếp tục đẩy mạnh chương trình vay vốn tạo việc làm, với tổng số tiền là 28 tỷ đồng cho hơn 3.000 hộ vay, tạo việc làm cho 4.000 lao động, tổ chức dạy nghề cho 148 người mù;. Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Thanh Hóa với sự tài trợ Tổ chức Terre Des Hommes (Cộng hòa Liên bang Đức) đã phối hợp tổ chức được 8 lớp dạy nghề cho 117 học viên là người khuyết tật với tổng kinh phí hơn 800 triệu đồng. Sau 3 tháng học nghề, người khuyết tật được các cơ sở dạy nghề nhận bố trí việc làm ổn định với thu nhập từ 2 đến 3 triệu đồng/người/tháng. Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam đã mở các lớp dạy nghề học điện tử, điện dân dụng, sửa chữa ti vi, may thêu, hội họa, tin học cho 221 trẻ, trong đó có 25 trẻ khuyết tật thành nghề đã có việc làm. Mức thu nhập bình quân từ 2.000.000đ đến 3.500.000đ người/ tháng.

       Kết quả đánh giá 5 năm thực hiện luật người khuyết tật của Bộ LĐTBXH cho thấy số lượng người khuyết tật được học nghề ngày càng tăng, từ năm 2011 đến nay, bình quân mỗi năm đào tạo nghề được cho khoảng 8 -10 ngàn người khuyết tật, ước tính đến cuối năm 2016 trong cả nước đã có trên 140.000 người khuyết tật được hỗ trợ học nghề và trên 50% người khuyết tật sau khi học nghề đã tìm được việc làm phù hợp và có thu nhập.

        Trong những năm qua, chính sách trợ giúp xã hội ở nước ta đã góp phần quan trọng trong việc ổn định đời sống vật chất và tinh thần của các đối tượng bảo trợ xã hội nói chung và người khuyết tật nói riêng. Kinh phí thực hiện các chính sách trợ giúp xã hội được bố trí trong dự toán chi thường xuyên của các Bộ, ngành và địa phương theo phân cấp của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật. Người khuyết tật nói chung và trẻ em khuyết tật nói riêng đã được bảo trợ xã hội và hỗ trợ cải thiện điều kiện sinh hoạt.

         Đồng hành với các cơ quan chức năng nhà nước thực hiện trợ giúp xã hội, giảm nghèo và thực hiện an sinh xã hội cho người khuyết tật có sự tham gia tích cực và hiệu quả của các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức của/vì người khuyết tật, trong đó phải kể đến vai trò của một số tổ chức như Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam;  Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; Hội người Mù Việt Nam; Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam; Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam… các tổ chức này đã hỗ trợ cho hội viên là người khuyết tật khắc phục khó khăn thông qua các hình thức: hỗ trợ vốn phát triển sản xuất, dạy nghề và tạo việc làm, phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng và dụng cụ trợ giúp.

             Một số kiến nghị

          Bổ sung dạng khuyết tật. Hệ thống pháp luật, chính sách hiện hành của Việt Nam về quyền của người khuyết tật nhìn chung được đánh giá là khá tốt nhưng vẫn cần được hoàn thiện thêm. Để cải thiện hệ thống pháp luật, chính sách về quyền của người khuyết tật trong thời gian tới cần có những hướng dẫn cụ thể, ví dụ như Luật người khuyết tật chưa bao hàm hết các dạng khuyết tật như chứng tự kỷ ở trẻ em. Ở Việt Nam số lượng trẻ em mắc chứng tự kỷ ngày càng tăng. Theo số liệu của Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện nhi trung ương thì năm 2007 số trẻ có hội chứng rối loạn phổ tự kỷ đến khám năm 2007 tăng gấp 50 lần so với năm 2000, xu thế mắc tự kỷ nhanh từ 122% đến 268% trong gia đoạn 2004-2007.

          Theo thống kê của ngành giáo dục Hà Nội, tự kỷ là khuyết tật có tỉ lệ cao nhất ở trường học, trẻ tự kỷ chiếm 30% số trẻ mắc các khuyết tật học đường, nhưng con số đó cũng chưa nói lên hết thực trạng vì còn rất nhiều trẻ tự kỷ không thể đến trường khi đến tuổi đi học. Còn theo số liệu của Bộ LĐ- TB&XH hiện Việt Nam có khoảng 200.000 người có chứng tự kỷ.

          Cấp giấy xác nhận khuyết tậtTiếp tục chỉ đạo, đôn đốc và hướng dẫn các địa phương rà soát và thực hiện xác nhận khuyết tật, cấp giấy chứng nhận khuyết tật đối với các trường người khuyết tật chưa được xác nhận và cấp giấy chứng nhận khuyết tật để đảm bảo thực hiện đầy đủ chính sách, chế độ nhà nước đối với người khuyết tật.Việc giúp trẻ em và người mắc chứng tự kỷ cải thiện cuộc sống là cần thiết và phải tiến hành liên tục, kiên trì. Ngày 2/4 hàng năm được Liên hợp quốc chọn là  “Ngày Thế giới nhận thức chứng tự kỷ ”với mục đích khuyến cáo các quốc gia tăng cường sự quan tâm đến hội chứng này. Ngày 30/8/2013Việt Nam đã thành lập Mạng lưới người tự kỷ-VAN và là thành viên của Mạng lưới tự kỷ ASEAN ( Asean Autim Network-AAN ).

           Để tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương thực hiện xác nhận khuyết tật và cấp giấy chứng nhận khuyết tật, Chính phủ cần chỉ đạo cơ quan chức năng sửa đổi bổ sung Thông tư liên tịch số 37/TTLT-BLĐTBXH-BYT-BTC-BGDĐT ngày 28/12/2012 của liên Bộ LĐ- TB&XH, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ GD-ĐT quy định về việc xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng xác định mức độ khuyết tật thực hiện. Đồng thời, đề nghị  Bộ Y tế đôn đốc, hướng dẫn việc triển khai Thông tư liên tịch số 20/TTLT/BYT-BLĐTBXH ngày 30/6/2016 của Bộ Y tế và Bộ LĐ- TB&XH thay thế Thông tư số 41/2013/TTLT-BYT-BLĐTBXH ngày 18/11/2013 Hướng dẫn khám giám định bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ./.

Nguyễn Đức Hoán

Lượt truy cập: 4280 - Cập nhật lần cuối: 13/04/2017 09:36:16 AM

Tin mới hơn:
Google+