Chùa Linh Ứng cứu giúp những mảnh đời bất hạnh

Mái chùa Linh Ứng ngự trên mảnh đất giáp biển thuộc huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Chùa không đồ sộ lắm, chỉ gồm có mấy dãy nhà rộng rãi, luôn sạch sẽ, gọn gàng và được đánh số thứ tự phòng cho dễ gọi, thể hiện sự văn minh, ngăn nắp. Trụ trì chùa là ni sư Thích Đàm Bích, một người lịch thiệp, tư cách, giàu lòng nhân ái, giữ gìn lối sống nơi tu hành “tốt đời, đẹp đạo”.

Đã nhiều năm nay, tăng ni, phật tử nhà chùa không những làm tốt trách nhiệm thành tâm tụng kinh niệm phật mà còn mở rộng vòng tay nhân ái, cứu vớt những mảnh đời khốn khó, cô đơn,  người tàn tật, trẻ côi cút. Nhà chùa đã quan tâm nuôi dưỡng bằng vật chất và chỉ giáo cho hay cách sống làm người, biết vượt lên chính mình, hoà nhập cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống. Những trẻ nhỏ hoạn nạn nhà chùa chăm lo mọi mặt, cho ăn học kết hợp học nghề học nghề, lớn lên tách ra ở riêng tự lập cuộc sống. Lớp người trước ra đi, lớp người tìm đến, lưu lượng người cần nương tựa cửa Phạt chùa Linh ứng thường 20 đến 30 nhân khẩu. Hiện tại có mặt 15 người già cô đơn, sức tàn lực kiệt, nhà chùa cũng chuẩn bị  sẵn sàng lo hậu sự cho họ.

Trẻ em tuổi đang học từ  mẫu giáo trở lên đến trung cấp nghề là 13 cháu. Hằng ngày nhà chùa phải lo toan đảm bảo đủ cho gần 30 suất ăn  ngày ba bữa dù là cơm rau, mắm. Ngoài lo cái ăn, cáI mặc, nhà chùa còn phải chạy vạy các khoản tiền giấy bút học sinh, thuốc thang thông dụng, có ca ốm nặng phảI thuê xe đưa bệnh nhân đến bệnh viên… thôi thì trăm thứ bà dằn, gian truân, vất vả, nhưng lòng lại thấy vui. Trả lời câu hỏi “nguồn kinh phí từ đâu?’ Ni sư Thích Đàm Bích mỉm cười nói: Không có sẵn nguồn kinh phí nào cả, chỉ là “giật gấu vá vai”.

Nhà chùa không có các đại gia taì trợ, không có kinh phí xã hội trợ cấp. Vậy đồng tiền bát gạo ở đây có được là nhờ đông đúc phật tử gần, xa đến lễ chùa dành dụm chút tiền gom góp giúp đỡ. Mặt khác để có tiền làm việc thiện, nhà chùa đã sy nghĩ tính toán, xoay xở đem sức lao động ra làm nhiều việc: liên kết mở xưởng  nước đóng chai với doanh nghiệp (lấy tiền công), trồng rau xanh, cây cảnh, làm hương, nến… (để dùng và bán). Những người khốn khó hiện đang nương náu nhà chùa hết lời cảm tạ nhà chùa và biết ơn công lao chèo chống che chở chúng sinh sư thầy Thích Đàm Bính.

Bà Vũ Thị Hương, bị tật vận động bẩm sinh, cha mẹ mất sớm, nhà nghèo phải đi ở nhờ, nay đây mai đó. Nhà chùa cưu mang cho nơI ăn, chốn ở, còn liên hệ xin cho  chiếc xe lăn đi lại. Bà Trần Thị Dung gần 20 năm nay nương náu nhà chùa. Tuổi cao sức kiệt, bà Dung nêu nguyện vọng được an nghỉ “vĩnh hằng” tại quê cha, đất mẹ, nhưng người thân của bà lặng thinh, rốt cuộc nhà chùa phải đưa tiền họ hàng mới đưa bà về quê lúc cuối đời.

Chị Nguyễn Thị Hóa, ngoài tuổi 40, chồng bị dị tật tâm thần, làm ruộng không đủ ăn, chị để con lớn ở nhà cha con trông nhau rồi dắt con nhỏ tìm đến chùa nhờ vả. Việc của chị hằng ngày là quét dọn, chăm sóc các cháu nhỏ từ ăn uống, giấc ngủ, tắm giặt. Mẹ con chị được ăn no, con được đến trường học, còn chị cũng được chi chút tiền thù lao để đem về lo cho gia đình.

Thiện Khanh

 

Lượt truy cập: 2189 - Cập nhật lần cuối: 22/01/2015 12:02:46 PM

Tin mới hơn:
Đọc nhiều nhất
Trung tâm Hy Vọng TP Hải Dương tổ chức Tết Thiếu nhi 1.6 cho các cháu khuyết tật Chương trình Kỉ niệm 30 năm thành lập Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam Thắp sáng niềm tin cho em lần thứ 8 năm 2023
Google+