Số trẻ em tử vong do tai nạn thương tích tăng cao

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hằng năm trên thế giới có 875.000 trẻ em bị chết và hàng chục triệu trẻ em bị thương do tai nạn thương tích (TNTT). Với Việt Nam, do những nguyên nhân lịch sử, địa lý, tình trạng TNTT ở trẻ em diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống, sinh hoạt của cá nhân và sự phát triển của cộng đồng.

Số trẻ em tử vong do tai nạn thương tích tăng cao

         Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hằng năm trên thế giới có 875.000 trẻ em bị chết và hàng chục triệu trẻ em bị thương do tai nạn thương tích (TNTT). Với Việt Nam, do những nguyên nhân lịch sử, địa lý, tình trạng TNTT ở trẻ em diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống, sinh hoạt của cá nhân và sự phát triển của cộng đồng.

Đuối nước là nguyên nhân bao trùm

           Tại hội thảo do WHO, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội về phòng chống TNTT, bác sỹ Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đánh giá: "Đuối nước là nguyên nhân bao trùm gây tử vong cho trẻ em từ lứa tuổi sơ sinh cho đến vị thành niên, vượt xa các nguyên nhân tử vong khác.

         Theo thống kê của Bộ Y tế, trung bình mỗi ngày có 30 trẻ em bị chết do TNTT, trong đó hơn 10 em bị chết đuối, từ chết trong nhà tắm, vũng nước, rúc đầu vào chum, vại đến chết ở ao, hồ, sông, biển...".

         Với trường hợp TNTT của cháu Nguyễn Vũ Lân (10 tuổi, trú tại thôn Đại An, xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) lại do nguyên nhân hậu quả của chiến tranh. Trong một lần cùng hai anh trong xóm là Triều và Trường (đều 14 tuổi) lên núi chơi, nhặt được một cục sắt tròn to hơn trái vú sữa. Khi về nhà, Triều và Trường lấy búa ra đập cục sắt, trong lúc cháu Lân đứng xem. Một tiếng nổ lớn vang lên, hai cháu Triều và Trường chết ngay tại chỗ; Lân bị viên bi xuyên gãy xương hàm, xuyên vùng cổ và đứt động mạch chủ đùi bên trái. Các vết thương này của cháu Lân đã làm tốn rất nhiều tiền của, công sức của gia đình.

        Đáng lo ngại hơn, cháu Lân phải đeo ống thở, mất hẳn chức năng giao tiếp do thanh quản bị tổn thương nặng. Từ đó hoàn cảnh gia đình cháu Lân rất khó khăn vì suốt 3 năm trời phải thuốc thang, chạy chữa khắp trong Nam, ngoài Bắc để điều trị các vết thương và phẫu thuật khí quản cho cháu Lân. Được các bác sỹ Viện Tai - Mũi - Họng Trung ương tận tình cứu chữa, hiện tại cháu Lân đã phục hồi được chức năng nói và sinh hoạt bình thường.

         TNTT trong sinh hoạt cũng là một ẩn họa thường xuyên rình rập trẻ em. Buổi trưa 1/3, trong lúc đang nấu cơm, cháu Nguyễn Đức Công (12 tuổi, hiện trú tại xã Thạch Đà, huyện Mê Linh, Hà Nội) đùa nghịch với anh trai. Công bị anh đẩy ngã vào chạn bát đặt trên nền nhà và bị một chiếc đũa nấu có đường kính khoảng 0,8cm, dài 40cm xuyên thẳng qua lỗ tai bên trái vào trong đầu, khiến cháu bị choáng ngất. Gia đình vội gọi xe cấp cứu đưa Công tới Bệnh viện Nhi Trung ương, rồi lại chuyển sang Viện Tai - Mũi - Họng Trung ương trong tình trạng sức khỏe nguy kịch, sốt cao, tràn dịch từ tai.

          Để cứu sống cháu Công, tập thể lãnh đạo, bác sĩ Viện Tai - Mũi - Họng Trung ương đã tích cực tiến hành các biện pháp cấp cứu, điều trị. Sau ca mổ kéo dài hơn 5 giờ, các bác sĩ đã lấy ra một mẩu đũa dài 1 cm găm vào xương, thông thương với màng não qua hệ thống tai trong. Ca mổ thành công trong tiếng thở phào của các bác sỹ và người nhà bệnh nhân... 

Hơn 70% trẻ tử vong do tai nạn thương tích

         Kết quả điều tra cộng đồng cho thấy, TNTT là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em Việt Nam (chiếm khoảng 75%); trong khi đó, tử vong do bệnh truyền nhiễm chỉ chiếm 12%, do bệnh mạn tính chiếm 13%. Do vậy, phòng, tránh TNTT ở trẻ em là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng và được toàn xã hội quan tâm.

          Bác sỹ Nguyễn Trọng An cho rằng, TNTT ở trẻ em có hai loại hình chủ yếu: Thương tích không chủ định, không chủ ý, như hậu quả của TNGT, bị đuối nước, bỏng, ngã; do nghẹn, hóc, ngộ độc, do bom mìn và các vật liệu nổ gây ra... Với hầu hết những TNTT không chủ ý như trên, chúng ta đều có thể phòng, tránh được cho trẻ em. Nhìn chung, thống kê cho thấy, tỉ lệ trẻ nhỏ và thanh thiếu niên bị thương tích và tử vong phần lớn là do TNTT không chủ định (chiếm 90%), trong đó tai nạn giao thông và đuối nước đã chiếm khoảng 50% các ca tử vong. Do vậy, các giải pháp cần loại trừ những điều kiện để xảy ra thực trạng trên.

         Phát triển mô hình hình cộng đồng an toàn là một giải pháp được đánh giá cao nhằm giảm thiểu nguy cơ TNTT ở trẻ em. Sáu tiêu chí cộng đồng an toàn do WHO đưa ra, trong bối cảnh Việt Nam đã được cụ thể hóa thành 5 tiêu chuẩn cơ bản, kèm theo các chỉ dẫn chi tiết để triển khai.

          Các chương trình đã được thực hiện bao gồm: ngôi nhà an toàn, trường học an toàn, nơi làm việc an toàn, ATGT, an toàn cho trẻ em, sơ cấp cứu tại cộng đồng, an toàn du lịch... trong đó trẻ em được đặt là nhóm đối tượng ưu tiên hàng đầu. Những biện pháp cụ thể là: đậy nắp chắc chắn cho miệng giếng nước, tránh xa tầm tay trẻ em các chất độc, tân dược; tránh ngộ độc thực phẩm...

Tuyệt đối không để trẻ em cầm vật nhọn, sắc khi chạy, nô đùa

 

Với lĩnh vực phòng chống TNTT ở trẻ em trong sinh hoạt, TS Quách Thị Cần, Chủ nhiệm Khoa Cấp cứu, Viện Tai - Mũi - Họng Trung ương nhấn mạnh: Tại Viện Tai - Mũi - Họng Trung ương đã ghi nhận nhiều tai nạn đáng tiếc, để lại nhiều di chứng như ngoáy tai bằng que đan len bị đâm vào não… Mọi người cần biết tự bảo vệ mình và con em mình thì sẽ hạn chế, giảm thiểu được TNTT.

 

                                                     Duy Hiển

 

 

 

 

Lượt truy cập: 1562 - Cập nhật lần cuối: 20/05/2014 11:56:47 AM

Tin mới hơn:
Đọc nhiều nhất
Trung tâm Hy Vọng TP Hải Dương tổ chức Tết Thiếu nhi 1.6 cho các cháu khuyết tật Chương trình Kỉ niệm 30 năm thành lập Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam Thắp sáng niềm tin cho em lần thứ 8 năm 2023
Google+