Tài liệu tuyên truyền: Chống rác thải nhựa

Các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Y khoa Vienna (Áo) vừa công bố một phát hiện cho thấy, có 9 loại vi hạt nhựa khác nhau được tìm thấy trong mẫu phân của các tình nguyện viên tới từ nhiều nước châu Âu. Điều này cho thấy con người đang nuốt phải các loại vi hạt nhựa cùng với thức ăn mỗi ngày. Phát hiện này làm tăng thêm mối lo về thói quen sử dụng hộp xốp, đồ nhựa dùng 1 lần để đựng thức ăn - tại Hà Nội cũng như cả nước - mà hậu quả dễ thấy là gây hại cho môi trường sống và những hiểm họa với sức khỏe con người.

Bài 1: Hiểm họa từ đồ nhựa đựng thực phẩm 

        Các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Y khoa Vienna (Áo) vừa công bố một phát hiện cho thấy, có 9 loại vi hạt nhựa khác nhau được tìm thấy trong mẫu phân của các tình nguyện viên tới từ nhiều nước châu Âu. Điều này cho thấy con người đang nuốt phải các loại vi hạt nhựa cùng với thức ăn mỗi ngày. Phát hiện này làm tăng thêm mối lo về thói quen sử dụng hộp xốp, đồ nhựa dùng 1 lần để đựng thức ăn - tại Hà Nội cũng như cả nước - mà hậu quả dễ thấy là gây hại cho môi trường sống và những hiểm họa với sức khỏe con người.

        Sinh bệnh vì dùng ống hút, hộp xốp.

        Hiện nay, tại những hàng cà phê, quán cơm bình dân, thức ăn đường phố…, lượng ống hút, thìa nhựa, hộp xốp, túi ni lông được tiêu thụ mỗi ngày là rất lớn. Chủ một cửa hàng trên phố Lò Sũ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, việc sử dụng những vật dụng đựng thực phẩm dùng một lần vừa tiện vừa tiết kiệm bởi không phải thuê nhân công dọn, rửa.

        Như vậy, khi sử dụng vật dụng đựng thực phẩm nói trên, tác hại dễ thấy là gây ảnh hưởng xấu tới môi trường. Về lâu dài, thói quen sử dụng đồ nhựa dùng một lần sẽ gây ra hiểm họa khôn lường đối với sức khỏe con người. Theo quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, những vật dụng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm dùng trong ăn uống nói chung và đồ nhựa dùng một lần nói riêng thuộc diện phải kiểm soát chặt chẽ về an toàn vệ sinh thực phẩm.

       Tuy nhiên, tại Việt Nam, chất lượng mặt hàng này vẫn là điều chưa được quan tâm đúng mức. Mặt hàng đồ nhựa dùng một lần được bày bán tràn lan với giá rất rẻ. Điều đáng nói là trên bao bì sản phẩm không có thông tin về địa chỉ cơ sở sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, hướng dẫn cách sử dụng an toàn…

      PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cảnh báo: Hiện nay, tại một số làng nghề thủ công truyền thống vẫn còn tình trạng sử dụng công nghệ lạc hậu để tinh chế nhựa, sau đó nấu thành hạt nhựa để bán cho người sản xuất. Công nghệ lạc hậu không thể giúp loại bỏ được tạp chất độc hại có trong loại nhựa này và khi sử dụng chúng có thể phát sinh chất độc. Đặc biệt, nếu đựng thực phẩm nóng ở nhiệt độ 90 - 100oC, hàm lượng monostyren (một loại chất độc) trong

nhựa sẽ được giải phóng, ngấm vào thức ăn, gây tổn hại nghiêm trọng cho gan và gây ra nhiều bệnh nguy hiểm cho con người.

      Cũng theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, không nên tái sử dụng hoặc sử dụng hộp xốp, ống hút, cốc, đĩa nhựa để đựng và bảo quản thực phẩm trong thời gian dài bởi khi đó những vật dụng này sẽ bị xước, ngả màu, tạo điều kiện cho vi trùng, vi khuẩn tích tụ và gây bệnh. Đặc biệt, đối với những loại nhựa kém chất lượng, quá trình sử dụng sẽ sản sinh chất BPA - chất độc gây ra một số bệnh như vô sinh, tiểu đường, ung thư… Chính vì vậy, người dân cần phải cảnh giác với những sản phẩm nhựa dùng một lần, sản phẩm không rõ nguồn gốc, giá rẻ...

      Không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.

      PGS.TS Trần Hồng Côn, Khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết túi ni lông, cốc nhựa, hộp xốp, ống hút… sau một khoảng thời gian nhất định sẽ bị phân hủy, chuyển thành những vi hạt nhựa có kích thước siêu nhỏ, ngấm vào nguồn nước hay lơ lửng trong không khí khiến động vật, con người nuốt phải. Thêm vào đó, việc kiểm soát chất lượng nhựa trên thị trường rất khó khăn, sản phẩm dùng đựng đồ ăn uống được làm từ nhựa tái chế rất nguy hiểm; nếu sử dụng những sản phẩm từ nhựa rác thải thì người dùng có nguy cơ bị nhiễm khuẩn rất cao và là một nguyên nhân dẫn đến ung thư.

     Trên thế giới, hiện đã có nhiều quốc gia tẩy chay đồ nhựa dùng một lần cũng như phản đối việc sử dụng tràn lan túi ni lông, điển hình như Pháp, Mỹ, Canada, Đài Loan (Trung Quốc). Trong đó, Pháp là quốc gia đầu tiên thông qua đạo luật cấm tất cả cốc, chén, dao, muỗng, thìa… sử dụng một lần làm bằng nhựa và sẽ có hiệu lực từ năm 2020. Còn tại Đài Loan (Trung Quốc), nhà chức trách quy định những sản phẩm như bát, túi, hộp, cốc… làm bằng nhựa dùng một lần không được phép mua bán, sử dụng tại các siêu thị, cửa hàng ăn uống...

     Ông Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho rằng, vấn đề của Việt Nam là chúng ta cần đề ra giải pháp đúng và triển khai thực hiện quyết liệt, hướng tới mục tiêu giảm thiểu tình trạng lạm dụng túi ni lông, đồ nhựa đựng thực phẩm cũng như loại bỏ hành vi sản xuất bao bì đựng thực phẩm từ loại nhựa kém chất lượng. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền nhằm làm thay đổi nhận thức của mỗi người về việc sử dụng túi ni lông, đồ bao gói thực phẩm dùng một lần được làm bằng nhựa. Các cơ quan chức năng cần có giải pháp khuyến khích người dân, cơ sở sản xuất, dịch vụ sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường, tốt nhất là đề ra những quy định cụ thể về điều này và tiến hành xử phạt thật nặng đối với những ai làm trái quy định./.

Bài 2: Báo động rác thải nhựa: Mỗi người Việt Nam tiêu thụ hơn 41 kg nhựa mỗi năm.

     Giảm thiểu chất thải từ nhựa, nilon đã trở thành yêu cầu cấp bách ngay từ lúc này, trước hết bắt đầu từ việc giảm thiểu tiêu thụ nhựa và nilon khó phân hủy, đặc biệt là các sản phẩm nhựa dùng một lần. Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm do rác thải nhựa ngày càng gia tăng.

      Ước tính, mỗi năm có hơn 1,8 triệu tấn rác thải nhựa được thải ra tại Việt Nam nhưng chỉ 27% trong số đó được tái chế. Việt Nam cũng đang đối mặt với nguy cơ trở thành bãi tập kết rác toàn cầu với lượng rác thải nhựa tăng đến 200% trong năm qua.

      Lượng tiêu thụ nhựa tính trên đầu người ở Việt Nam qua mỗi năm đã tăng mạnh từ 3,8 kg lên mức 41,3 kg/người trong giai đoạn từ 1990 - 2018.

      Việc lạm dụng sử dụng túi ni lông khó phân huỷ và các sản phẩm nhựa, đặc biệt là đồ nhựa dùng một lần đã và đang để lại những hậu quả khôn lường đối với môi trường. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, trung bình để phân huỷ hoàn toàn các chất thải từ nhựa và ni lông phải mất hàng trăm, thậm chí tới hàng nghìn năm. Rác thải nhựa nằm rất nhiều dưới đáy đại dương và sẽ trở thành một phần thức ăn đầu độc các sinh vật biển. Với 13 triệu tấn rác thải thải ra biển mỗi năm. Việt Nam đứng thứ 5 Châu Á và thứ 17 thế giới về ô nhiễm rác thải nhựa đại dương.

      Nhóm nghiên cứu của Bộ Tài nguyên, môi trường cho biết: Việt Nam mặc dù chỉ xếp thứ 15 về dân số, thứ 68 về diện tích nhưng đứng thứ 4 về rác thải nhựa trên toàn thế giới, và dự báo đến năm 2025 Việt Nam vẫn giữ vị trí thứ 4./.

Bài 3: Chung tay chống ô nhiễm rác thải nhựa.

       Báo cáo của Liên hợp quốc cho thấy, mỗi năm trên toàn thế giới sử dụng khoảng 500 tỷ chai nhựa, hơn 500 tỷ túi ni-lông. Lượng rác thải nhựa đủ để phủ kín gấp bốn lần diện tích bề mặt Trái đất, trong đó 13 triệu tấn rác nhựa thải ra đại dương. Việc lạm dụng sử dụng túi ni-lông khó phân hủy, các sản phẩm nhựa, nhất là đồ nhựa dùng một lần đã và đang để lại những hậu quả khôn lường với môi trường.

     Theo một số nghiên cứu, trung bình để phân hủy hoàn toàn các chất thải từ nhựa và ni-lông phải mất hàng trăm năm. Chất thải nhựa ni-lông khi đốt sẽ tạo ra khí thải tồn tại lâu dài trong môi trường, ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe con người; rác thải nhựa nằm rất nhiều dưới đáy đại dương và sẽ trở thành một phần thức ăn đầu độc các sinh vật biển.

     Đáng lo ngại, ô nhiễm nhựa gây thiệt hại to lớn cho môi trường và hệ sinh thái như rác thải nhựa bóp nghẹt dòng chảy của các dòng sông, gây phá hủy, hoặc suy giảm đa dạng sinh học. Nhiều loại sinh vật bị chết do vướng vào lưới đánh cá bị mất, hoặc bị bỏ lại trên các đại dương, cũng như ăn nhầm nhựa do nhầm lẫn với thức ăn. Các hạt vi nhựa có lẫn trong nước biển có khả năng hấp thụ các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy có sẵn trong nước biển và trầm tích biển. Các hạt này theo chuỗi thức ăn sẽ làm tăng nguy cơ dẫn đến nhiều bệnh lý cho các loài sinh vật bậc cao hơn, bao gồm cả con người.

     Cũng như nhiều nước trên thế giới, Việt Nam đang đối mặt với nhiều vấn đề về suy thoái, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, nhất là ô nhiễm rác thải nhựa. Do vậy, hưởng ứng Chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn năm 2019”, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN và MT) chọn chủ đề “Hành động địa phương, tác động toàn cầu” nhằm kêu gọi toàn bộ hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân cùng chung tay chống ô nhiễm rác thải nhựa tại địa phương mình.

      Tại Việt Nam theo số liệu thống kê, trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 2.500 tấn rác thải nhựa. Việt Nam đang đứng thứ 17 trong số 109 quốc gia có mức độ ô nhiễm rác thải nhựa lớn nhất trên thế giới. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có lượng rác thải nhựa ra đại dương nhiều nhất thế giới.

      Thứ trưởng TN và MT Võ Tuấn Nhân cho biết: Bên cạnh việc phải giải quyết những vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu, thì rác thải nhựa, ô nhiễm nhựa đang trở thành một trong những thách thức lớn nhất mà con người phải đối mặt. Vì vậy, Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn (tuần thứ ba tháng 9 hằng năm) năm 2019, được Liên hợp quốc tập trung vào vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa bằng việc khuyến khích tất cả các quốc gia và địa phương cùng nhau hành động chống ô nhiễm rác thải nhựa.

      Hưởng ứng Chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn năm 2019” Việt Nam đã lựa chọn chủ đề là “Hành động địa phương, tác động toàn cầu”, trong đó tập trung chống ô nhiễm rác thải nhựa. Đây là nội dung thiết thực, cấp bách trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới đang nỗ lực để loại bỏ ô nhiễm do rác thải nhựa, đồng thời kêu gọi toàn hệ thống chính trị, các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và đồng bào cả nước cùng chung tay, đồng lòng, quyết tâm hành động và thực hiện mục tiêu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đó là đến năm 2021, các cửa hàng, chợ, siêu thị ở đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần; phấn đấu đến năm 2025, cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần...

      Để thực hiện tốt mục tiêu đã đề ra, hiện thực hóa chủ đề “Hành động địa phương, tác động toàn cầu”, Bộ TN và MT đề nghị các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và cộng đồng cùng chung tay hành động, triển khai thực hiện các hoạt động như: Không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần tại các cơ quan, đơn vị; phát động phong trào thu gom, phân loại các sản phẩm dùng từ nhựa, bao bì, túi ni-lông và vận chuyển đến nơi tái chế, xử lý theo quy định.

       Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tác hại của chất thải nhựa, túi ni-lông đối với kinh tế - xã hội, môi trường và sức khỏe con người; xây dựng các giải pháp hữu hiệu nhằm giảm tiêu thụ, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa đến cộng đồng và người dân. Các doanh nghiệp, siêu thị, chợ, trung tâm thương mại sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường, từng bước giảm đến mức thấp nhất, hạn chế sản phẩm nhựa dùng một lần, khó phân hủy; tổ chức sản xuất các sản phẩm thay thế các sản phẩm nhựa dùng một lần bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường bảo đảm chất lượng, kỹ thuật và quy định của pháp luật...

       Bộ TN và MT cũng kêu gọi mỗi người dân nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia, tổ chức các hoạt động chống rác thải nhựa bằng các sáng kiến và hành động cụ thể, thiết thực. Thay đổi thói quen, nói không với các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi ni-lông thông qua việc mua sắm, trong sinh hoạt, làm việc, lao động thường ngày; sử dụng thay thế bằng các loại sản phẩm thân thiện với môi trường. Tham gia tích cực các hoạt động bảo vệ môi trường tại nơi sinh sống bằng những hành động nhỏ nhất như phân loại, tái chế, tái sử dụng chất thải, sử dụng tiết kiệm nguyên, nhiên liệu; lên án kịp thời những hành vi gây ô nhiễm môi trường, thói quen sử dụng lãng phí tài nguyên, năng lượng…/.

Bài 4: Cấp bách chống rác thải nhựa làm cho thế giới sạch hơn

      Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2019 được phát động và tổ chức trên toàn cầu từ ngày 20 đến ngày 22 tháng 9 và được Liên Hợp quốc lựa chọn chủ đề về ô nhiễm rác thải nhựa. Theo đó, Liên Hợp quốc khuyến khích tất cả các quốc gia và địa phương cùng nhau hành động để chống lại ô nhiễm rác thải nhựa.

      Tại Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) lựa chọn chiến dịch năm 2019 với chủ đề “Hành động địa phương, tác động toàn cầu”, trong đó tập trung chính vào vấn đề giảm thiểu, chống ô nhiễm rác thải nhựa. Đây là nội dung thiết thực, cấp bách trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới đang nỗ lực để loại bỏ ô nhiễm do rác thải nhựa.

     “Bảo vệ môi trường là vấn đề sống còn của nhân loại, là nhiệm vụ của mỗi người. Hãy bắt đầu từ những hoạt động bảo vệ môi trường tại chính nơi sinh sống của chúng ta, sẽ có tác động lan tỏa đến toàn cầu, làm cho thế giới sạch hơn” - đó là thông điệp được Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân gửi đến lễ phát động quốc gia hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2019.

      Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho rằng, ô nhiễm rác thải nhựa là vấn đề có tính liên vùng, xuyên biên giới. Giải quyết vấn đề này cần có sự chung tay của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp và từng người dân Việt Nam trong nỗ lực chung của khu vực và toàn cầu.

      Một trong những hành động cụ thể được Bộ TN&MT phát động là, các cấp, ngành, cơ quan đơn vị, doanh nghiệp và cộng đồng không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng 1 lần tại các cơ quan, đơn vị; phát động phong trào thu gom, phân loại các sản phẩm dùng từ nhựa, bao bì, túi ni lông và vận chuyển đến nơi tái chế, xử lý theo quy định...

     Các cấp, các ngành cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về tác hại của chất thải nhựa, túi nilon đối với kinh tế - xã hội, môi trường và sức khỏe con người; xây dựng các giải pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu tiêu thụ, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa đến cộng đồng và người dân.

     Bộ TN&MT cũng đề nghị các doanh nghiệp, siêu thị, chợ, trung tâm thương mại sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường thay thế các sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Đặc biệt, mỗi người đều có thể tham gia hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn bằng những việc làm thật đơn giản như phân loại, tái chế, tái sử dụng chất thải, sử dụng tiết kiệm nguyên nhiên liệu; cùng tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường xung quanh gia đình, cơ quan, đường phố..; trồng thêm nhiều cây xanh; tuyên truyền, vận động mọi người trong gia đình, cơ quan, cộng đồng cùng có ý thức bảo vệ môi trường, đồng thời lên án những hành vi gây ô nhiễm môi trường, thói quen sử dụng lãng phí tài nguyên, năng lượng...

Khẩu hiệu tuyên truyền:

Chống rác thải nhựa là nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi người.

Chống rác thải nhựa vì cuộc sống hạnh phúc, vì đất nước tươi đẹp./.

Bài 5: Cách nhận biết đặc điểm của bao bì nhựa

       Trong lúc chưa thể giải quyết triệt để hệ lụy từ việc lạm dụng đồ nhựa dùng một lần, người tiêu dùng cần nhận biết về mức độ an toàn của sản phẩm nhựa gia dụng nói chung. 

      Trên sản phẩm nhựa gia dụng như chai nước, đồ đựng thực phẩm thường có mã ký hiệu viết tắt cùng với số từ 1 đến 7. Theo đó, những mã ký hiệu số 2 HDPE (high-density polyethylene, tức polyethylene mật độ cao) và số 5 PP (polypropylene) là an toàn nhất. HDPE là loại nhựa cứng được sử dụng để sản xuất bình sữa, chai đựng dầu ăn, đồ chơi và một số túi nhựa, có thể tái sử dụng.

     Ngoài ra, loại nhựa đánh số 1 có nghĩa là PET (nhựa polyethylene terephthalate), thường dùng đựng đồ uống, nhưng khi tái sử dụng, nếu đựng nước nóng quá 70 độ C thì chai PET bị biến dạng và phát sinh các chất có hại cho sức khỏe. Số 3 là chất PVC, thường có trong áo mưa, vật liệu xây dựng, đồ nhựa, hộp nhựa, chỉ sử dụng được đến độ nóng 81 độ C. Chất này có thể giải phóng rất nhiều khi ở nhiệt độ cao nên hiếm khi được dùng làm bao bì sản phẩm, đồng thời cũng rất khó làm sạch và không thể tái sử dụng. Số 4 là LDPE - polyethylene mật độ thấp, dùng phổ biến để đóng gói mì ăn liền và thực phẩm khô. Sản phẩm chứa chất này nên tránh nhiệt độ cao và không nên làm nóng trong lò vi sóng vì sẽ giải phóng hóa chất. Tương tự, số 6 là chất PS (polystiren), thường xuất hiện ở các hộp mỳ ăn liền, hộp đựng đồ ăn nhanh. Những loại này khi dùng trong lò vi sóng và khi bị nóng sẽ giải phóng các chất hóa học. Số 7 là nhựa PC (hoặc không có ký hiệu), được sử dụng rất phổ biến, nhất là làm chai đựng chất lỏng, cốc dùng một lần. Vật dụng làm từ loại nhựa này không nên dùng đựng nước nóng./.

                  *  * *

Hướng dẫn sử dụng tài liệu:

- Tổ chức đọc tài liệu này trước cán bộ, nhân viên, cha mẹ trẻ khuyết tật.

- Liên hệ thực tế tại địa phương và đơn vị.

- Từ đó xây dựng kế hoạch hoạt động phù hợp; có thời hạn kiểm tra sơ kết tổng kết

- Tổ chức đôn đốc, kiểm tra, theo dõi, đánh giá, biểu dương, khen thưởng.

 

                                             SƯU TẦM, TỔNG HỢP VÀ BIÊN SOẠN

                                                        TS. BS NGUYỄN BÁ DUYỆT

Lượt truy cập: 5496 - Cập nhật lần cuối: 15/11/2019 10:02:59 AM

Đọc nhiều nhất
Trung tâm Hy Vọng TP Hải Dương tổ chức Tết Thiếu nhi 1.6 cho các cháu khuyết tật Chương trình Kỉ niệm 30 năm thành lập Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam Thắp sáng niềm tin cho em lần thứ 8 năm 2023
Google+