Tấm lòng của cô giáo Hòa với học sinh

       Cô giáo Trương Thị Hòa (sinh năm 1982), đã có hơn 10 làm giáo viên ở Trung tâm Sao Mai (TTSM) để chăm sóc, nuôi dạy và can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ. Chừng ấy năm cô đã trải qua rất nhiều vất vả nhưng cô vẫn rất yêu nghề, tận tụy với từng học sinh. Niềm vui và cũng là niềm động viên lớn lao đối với cô đó là nhìn thấy học trò của mình có thay đổi tiến bộ hơn mỗi ngày, dù chỉ là hành vi nhỏ nhất. Sự quan tâm, tạo điều kiện phát triển kỹ năng chuyên môn cho giáo viên, và các chế độ đại ngộ khác của TTSM cũng đã tiếp thêm động lực để cô hăng say làm việc và gắn bó với TT, với học sinh.

       Hiện cô Hòa phụ trách ở lớp Chim Non. Đây là lớp học sinh nhỏ tuổi nhất trung tâm, thường xuyên tiếp nhận học sinh mới nên việc chăm sóc, dạy dỗ các con vất vả hơn so với các lớp khác.  Trẻ ở Lớp Chim Non tuổi rất nhỏ, từ 2 – 3 tuổi. Hầu hết trẻ chưa biết nói, giao tiếp khó khăn, đói không biết đòi ăn, vệ sinh cá nhân đều không biết bảo, giáo viên gọi cũng không tương tác...Vì vậy, đòi hỏi cô phải luôn nhanh tay, nhanh mắt để quan sát, trợ giúp các em.

     Lớp của cô thường có 10 - 12 trẻ, do 2 cô giáo phụ trách chính và có thêm 2-3 cô giáo hỗ trợ, lớp cũng thường xuyên được các anh chị thực tập sinh, tình nguyện viện trợ giúp nên các cô bớt phần vất vả.

         Cô Hòa cho biết: “Thời gian đầu đến lớp trẻ lạ lẫm với môi trường mới, mọi thứ cũng đều chưa biết gì, cô phải làm giúp. Sau đó, cô dạy trẻ từng bước nhỏ để trẻ hình thành thói quen và dễ nhớ, dần dần trẻ có thể tự lập. Chẳng hạn như việc giúp trẻ đi vệ sinh, những lần đầu cô giúp tụt quần cho trẻ, sau đó cô và trẻ cùng tụt quần, dần dần trẻ quen thì cô bảo trẻ tự tụt quần khi đi vệ sinh. Hay việc ăn uống, có trẻ đến lớp không chịu ăn uống gì nhưng cô kiên trì, mỗi bữa ăn cô chia thành nhiều bữa nhỏ, cho trẻ nếm từng ít một các món ăn dần dần trẻ quen mùi vị và ăn được. Cô vẫn cần mẫn hàng ngày, trẻ nào khóc thì bế ẵm dỗ dành, trẻ nào bị tăng động chạy nhảy thì cô lẽo đẽo chạy theo sau, nhẹ nhàng tìm cách xoa dịu trẻ, đến giờ ăn giờ ngủ thì cô bón cơm, dỗ dành trẻ ngủ... Tuy công việc bận rộn nhưng cô lúc nào cũng vẫn vui vẻ, nhẹ nhàng với trẻ.

        Bằng tình thương và kỹ năng nghề nghiệp của mình, cô Hòa đã giúp cho nhiều trẻ tiến bộ, đi vào nề nếp sinh hoạt, học tập chỉ sau một thời gian vài ba tuần, với trẻ nặng thì thời gian lâu hơn khoảng từ 2- 3 tháng. Sau khi trẻ đã có những kỹ năng nền tảng ở giai đoạn đầu (theo đánh giá của phòng khám), trẻ sẽ được chuyển sang các lớp khác để can thiệp phù hợp với mức độ và tình trạng của trẻ. Có được một giáo viên thương yêu, hết lòng với trẻ như cô Hòa thì phụ huynh cảm thấy rất yên tâm khi gửi gắm con vào TTSM.

          Là mẹ của 2 con nên cô rất thấu hiểu và cảm thông những vất vả, khó khăn và cả nỗi niềm của những người mẹ không may mắn khi có con thiệt thòi hơn các bạn cùng trang lứa. Vì vậy, cô muốn bù đắp phần nào những thiệt thòi cho các học trò của mình, cảm thông, chia sẻ những vất vả với gia đình của trẻ. Mỗi khi lớp tiếp nhận thêm một học sinh mới là chị luôn đau đáu, trăn trở, làm hết mọi khả năng có thể để giúp cháu chóng làm quen với môi trường mới và có nhiều tiến bộ.

         Cô Hòa tâm sự: “các em học sinh tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ phải chịu nhiều thiệt thòi nên mình rất thương các em, muốn làm hết khả năng của mình, dành cho các em tình thương, sự chăm sóc tận tụy để mong các em có những tiến bộ, giúp các em có thể tự lập, hòa nhập với cộng đồng để sau này các em có một tương lai tươi sáng hơn, gia đình các em bớt phần vất vả...”.

         Cô Hòa được đánh giá là một giáo viên có năng lực, chuyên môn. Cô từng tốt nghiệp đại học sư phạm mẫu giáo Trung ương. Cô còn thường xuyên được TTSM, chuyên gia đào tạo nâng cao chuyên môn và các phương pháp, kỹ năng về giáo dục đặc biệt. Không chỉ là một giáo viên giàu kinh nghiệm, làm việc có trách nhiệm mà cô còn rất tốt tính, sống chan hòa với đồng nghiệp, hết lòng thương yêu học sinh. Tấm gương của cô giáo Hòa đã tiếp thêm động lực cho các thực tập sinh, học viên đang theo nghề tại TTSM.

             Bạn Nguyễn Thị Quỳnh Oanh, học viên của TTSM, đến từ một cơ sở chuyên biệt của TP Lào Cai cho biết: “Em mới vào TTSM học thêm phương pháp can thiệp ngôn ngữ cho trẻ tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ. Ngoài các tiết học chính, em thực tập và hỗ trợ giáo viên ở lớp Chim Non và một số lớp khác. Được làm việc cùng với cô Hòa, chứng kiến những việc cô làm cho các con, em thấy rất cảm phục. Lúc nào cô Hòa cũng luôn chân luôn tay để lo cho các con trong lớp. Mỗi ngày, ngoài 4 tiết dạy ở lớp, cô còn chăm sóc, cho trẻ ăn uống, rửa ráy, vệ sinh cho trẻ, lau dọn ...  Cô giáo Hòa còn rất tốt tính yêu trẻ như con mình, nhiệt tình với công việc và sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng với học viên. Những chia sẻ, động viên của Cô Hòa đã tiếp thêm nghị lực cho em vượt qua trở ngại ban đầu, thấy yêu nghề, yêu trẻ hơn.”

                                                                             P.V

 

 

Lượt truy cập: 1535 - Cập nhật lần cuối: 13/04/2017 14:48:07 PM

Tin mới hơn:
Đọc nhiều nhất
Trung tâm Hy Vọng TP Hải Dương tổ chức Tết Thiếu nhi 1.6 cho các cháu khuyết tật Chương trình Kỉ niệm 30 năm thành lập Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam Thắp sáng niềm tin cho em lần thứ 8 năm 2023
Google+