QUY CHẾ THI ĐUA, KHEN THƯỞNG CỦA HỘI CỨU TRỢ TRẺ EM TÀN TẬT VIỆT NAM

QUY CHẾ THI ĐUA, KHEN THƯỞNG CỦA HỘI CỨU TRỢ TRẺ EM TÀN TẬT VIỆT NAM (Ban hành theo Quyết định số 13/2014 /QĐ – HCTTETTVN – BTV ngày 1 tháng 7 năm 2014 của Ban Thường vụ Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam)

 

CHƯƠNG I

QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1:Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định về nguyên tắc, đối tượng, tổ chức phong trào thi đua, danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng, thủ tục, hồ sơ xét khen thưởng và một số nội dung liên quan đến công tác thi đua khen thưởng của Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam.

Điều 2:Nguyên tắc thi đua, khen thưởng

  1. Nguyên tắc thi đua

-          Tự nguyện, công khai, đảm bảo tinh thần đoàn kết, hợp tác đạt chất lượng, hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

-          Việc xét tặng các danh hiệu thi đua phải căn cứ vào đăng kí thi đua của các tập thể, cá nhân theo mục tiêu, chỉ tiêu và nội dung thi đua. Những tập thể, cá nhân không đăng ký thi đua sẽ không được xem xét, công nhận các danh hiệu thi đua.

  1. Nguyên tắc khen thưởng

-          Bảo đảm chính xác, công khai, dân chủ, công bằng và kịp thời; thống nhất giữa tính chất, hình thức tổ chức các phong trào thi đua và đối tượng khen thưởng; hình thức, mục đích khen thưởng, phù hợp với thành tích đạt được; tập thể, cá nhân được khen thưởng phải thực sự tiêu biểu, xứng đáng là tấm gương cho mọi người noi theo.

-          Không xét khen thưởng đối với những hồ sơ đề nghị khen thưởng không đúng thủ tục, quy trình và thời gian quy định.

Điều 3:Đối tượng thi đua, khen thưởng

  1. Các tập thể, cá nhân thuộc Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam từ Trung ương đến địa phương, cơ sở và khu dân cư.
  2. Các tập thể, cá nhân khác có thành tích xuất sắc trong thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao, trong các phong trào thi đua, các cuộc vận động do Hội chủ trì phát động, trong thực hiện các phong trào thi đua và các cuộc vận động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, góp phần xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân tộc

 

 

CHƯƠNG II

TỔ CHỨC PHONG TRÀO  THI ĐUA,

CÁC HÌNH THỨC KHEN THƯỞNG

 

Điều 4:Tổ chức phong trào thi đua

  1. Căn cứ sự chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hướng dẫn của các Bộ, ngành, Nghị quyết đại hội và các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam để Ban Thường vụ Trung ương Hội tổ chức phát động Thi đua trong toàn Hội
  2. Căn cứ nội dung phong trào Thi đua do Trung ương Hội phát động các Hội thành viên, các đơn vị cơ sở của Hội (Các Trung tâm, Nhà Cứu trợ, các Tổ chức thành viên khác) tổ chức phát động Thi đua trong đơn vị của mình. Phong trào thi đua phải có chương trình, kế hoạch, xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu, phạm vi và đối tượng thi đua cụ thể của địa phương, đơn vị.
  3. Tổ chức phong trào thi đua phải đảm bảo thiết thực, hiệu quả, không phô trương hình thức; có đăng ký giao ước thi đua giữa các tập thể, cá nhân; thực hiện kiểm tra, sơ kết, tổng kết phong trào; thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng các điển hình tiên tiến.

Điều 5:Nội dung chính các phong trào thi đua của Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam

  1. Chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, Điều lệ và các quy chế, Quy định của Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam.
  2. Rèn luyện nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, hội viên.
  3. Xây dựng khối đoàn kết thống nhất, xây dựng đơn vị phát triển ngày càng vững mạnh
  4. Hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.
  5. Tham gia tích cực các phong trào, các cuộc vận động do Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam phát động.

Điều 6:Tổ chức sơ kết, tổng kết Thi đua:

  1. Tất cả các phong trào Thi đua đã phát động đều phải được đăng ký sơ kết sau 6 tháng hoặc 1 năm thực hiện, đánh giá, rút ra những điểm mạnh, yếu, những bài học kinh nghiệm nhằm đẩy mạnh phong trào đạt kết quả tốt hơn.
  2. Kết thúc mỗi phong trào thi đua, phải tổ chức tổng kết, đánh giá kết qủa, nhận xét, bình bầu, xét khen thưởng những tập thể, cá nhân đạt thành tích  xuất sắc, tuyên dương các điển hình tiên tiến của đơn vị.
  3. Việc sơ kết, tổng kết được thực hiện công khai, tiến hành từ cá nhân đến bộ phận, đơn vị sau đến Trung ương Hội.

Điều 7: Các hình thức khen thưởng

 Tùy theo kết quả đạt được, các phong trào thi đua của Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam có các hình thức khen thưởng sau đây:

1, Giấy khen của các đơn vị cơ sở

2, Bằng khen của Ban Chấp hành Trung ương Hội,

3, Kỷ niệm chương “ Vì trẻ em khuyết tật”

4, Với những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc hoặc đặc biệt xuất sắc được Hội xét đề nghị tặng Bằng khen của các Bộ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ hoặc đề nghị Nhà nước tặng thưởng Huân chương các loại.

1

Bằng khen của Hội cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam:

Tiêu chuẩn tặng Bằng khen:

+ Đối với tập thể:

  • · Chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các quy định của cơ quan chuyên môn, cấp uỷ, cấp trên và các quy định của cơ quan, đơn vị; thực hiện tốt chủ trương tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng và các tệ nạn xã hội.
  • · Là tập thể xuất sắc tiêu biểu 03 năm liền, các tổ chức Đảng, đoàn thể (nếu có) liên tục đạt danh hiệu vững mạnh hoặc tiên tiến; có thành tích xuất sắc trong công tác.
  • · Nội bộ đoàn kết, có nề nếp làm việc tốt, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua của Hội và của địa phương.

+ Đối với cá nhân:

  • · Có phẩm chất đạo đức tốt, đoàn kết, gương mẫu chấp hành chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của Hội, của đơn vị.
  • · Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tích cực tham gia công tác Đảng, đoàn thể, Đoàn kết nội bộ. Được đơn vị, cơ sở khen thưởng 3 năm liên tục

+ Đơn vị tài trợ: Cá nhân và tập thể có công lao giúp đỡ, ủng hộ xứng đáng về tài chính hoặc vật chất cho công cuộc Cứu trợ trẻ em khuyết tật và sự nghiệp phát triển Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam, có mức tài trợ trị giá 50 triệu VNĐ trở lên

2

Kỷ niệm chương “Vì trẻ em khuyết tật”

Tiêu chuẩn xét tặng kỷ niệm chương:

-          Đối với tập thể: Tặng Kỷ niệm chương cho tổ chức Hội (Hội thành viên, Trung tâm, Nhà Cứu trợ, các đơn vị thành viên) có thành tích xuất sắc đã hai lần trở lên được nhận Bằng khen của Trung ương Hội.

-          Đối với cá nhân:

+ Với những người là cán bộ, hội viên của Hội đạt một trong các tiêu chuẩn sau đây:

  • · Có thời gian hoạt động Hội liên tục từ 15 năm trở lên.
  • · Chủ tịch, Phó Chủ tịch T.Ư Hội, Chủ tịch danh dự Hội, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội địa phương qua trên 01 nhiệm kỳ.
  • · Là ủy viên BCH, Ban Kiểm traT.Ư Hội, các trưởng ban 02 khóa liên tục
  • · Là Giám đốc, Phó Giám đốc các Trung tâm Cứu trợ trẻ em tàn tật, Chủ nhiệm các Nhà Cứu trợ trẻ em tàn tật 10 năm liên tục.
  • · Tổng biên tập, Phó Tổng biên tập Tạp chí 10 năm liên tục.
  • · Là Hội viên trên 75 tuổi, tích cực hoạt động Hội trên 5 năm.

+ Với những người không là hội viên của Hội, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngòai đạt một trong các tiêu chuẩn sau:

  • · Các vị Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, Ngành, đoàn thể ở T.Ư, các vị lãnh đạo Đảng, chính quyền  đoàn thể ở địa phương đã quan tâm chỉ đạo, động viên giúp đỡ Hội.
  • · Là nhà tài trợ thường xuyên của Hội, đạt mức tài trợ hàng năm từ 20 triệu trở lên liên tục 5 - 7 năm
  • · Là nhà tài trợ một lần đạt mức 300 triệu đồng trở lên.
  • · Trực tiếp tham gia các hoạt động Cứu trợ trẻ em tàn tật hoặc vận động tài trợ cho các đơn vị cơ sở của Hội liên tục từ 7 năm trở lên đạt hiệu quả cao (mức tài trợ trên 20 triệu đồng / năm).
  • · Có thành tích xuất sắc trong hoạt động Vì sự nghiệp Cứu trợ trẻ em khuyết tật và sự phát triển Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam (trong các lĩnh vực : Truyền thông, quảng bá, xây dựng tổ chức, định hướng hoạt động, vận động tài trợ, xây dựng mối quan hệ hợp tác, giúp đỡ về tài chính, ủng hộ về cơ sở vật chất….)

CHƯƠNG III

THỦ TỤC, HỒ SƠ XÉT KHEN THƯỞNG VÀ

THẨM QUYỀN QUYẾT ĐỊNH, TRAO TẶNG

 

Điều 8:Thủ tục xét khen thưởng:

  1. Thành lập các Hội đồng xét khen thưởng:

-        Ở Trung ương Hội là Thường trực Trung ương Hội

-        Ở các Hội thành viên là Ban Thường vụ, Ban chấp hành Hội thành viên

-        Ở các đơn vị cơ sở là Ban Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn, Bí thư Đoàn Thanh niên. Nếu không có Công đoàn và Đoàn Thanh niên thì thay bằng trưởng các bộ phận công tác.

  1. Thủ tục xét khen thưởng:

-          Hội đồng Thi đua - Khen thưởng  căn cứ vào các tiêu chuẩn cụ thể đã được quy định cho từng danh hiệu, từng hình thức khen thưởng để tiến hành bình xét công khai, dân chủ và báo cáo kết quả bằng biên bản hội nghị hội đồng ….với Ban Giám đốc, Ban Thường vụ xem xét, quyết định khen thưởng hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng.

-          Hồ sơ đề nghị cấp trên khen thưởng gửi về bộ phận chuyên môn làm công tác thi đua khen thưởng để tổng hợp, thẩm định và trình cấp có thẩm quyền quyết định.

 Điều 9:  Hồ sơ đề nghị khen thưởng

  1. Hồ sơ gồm có:

- Tờ trình của đơn vị chịu trách nhiệm xét.

- Biên bản họp Hội đồng Thi đua – Khen thưởng của đơn vị trình.

- Báo cáo thành tích có xác nhận của Lãnh đạo cấp trực tiếp quản lý.

2. Đối với trường hợp tập thể, cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc hoặc có thành tích đột xuất thì

bộ phận chuyên môn làm công tác thi đua khen thưởng có trách nhiệm, hoàn chỉnh hồ sơ, trình cấp

có thẩm quyền khen thưởng kịp thời; tuỳ theo thành tích đạt được để quyết định khen thưởng ở cấp

mình hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng ngay sau khi tập thể, cá nhân lập được thành tích xuất sắc,

đột xuất.

Điều 10:Thẩm quỳên quyết định và trao tặng

  1. Các danh hiệu thi đua, các hình thức khen thưởng của đơn vị:  

-          Đối với Hội Thành viên : Do Ban Thường vụ Hội quyết định trao tặng theo đề nghị của Hội đồng Thi đua Khen thưởng cùng cấp.

-          Đối với các Trung tâm, Nhà Cứu trợ, các đơn vị thành viên : do Giám đốc, Chủ nhiệm đơn vị quyết định trao tặng theo đề nghị của Hội đồng Thi đua – Khen thưởng cùng cấp.

-          Đối với Trung ương Hội: Căn cứ hồ sơ đề nghị của các Hội thành viên đơn vị trực thuộc Hội, Hội đồng Thi đua Trung ương Hội họp, xét, trình Ban Thường vụ xem xét, quyết định trao tặng.

  1. Lãnh đạo đơn vị tổ chức khen thưởng trang trọng để động viên và đẩy mạnh phong trào
  2. Bộ phận làm công tác thi đua khen thưởng có trách nhiệm lưu trữ hồ sơ, vào sổ khen thưởng và gửi quyết định, hiện vật khen thưởng về các đơn vị, cá nhân được khen thưởng. Đối với những đề nghị cấp trên khen thưởng, thì hoàn chỉnh hồ sơ (theo khoản 1 điều này) gửi về cấp đề nghị khen thưởng.

 

CHƯƠNG IV

QUỸ KHEN THƯỞNG VÀ MỨC THƯỞNG

 

Điều 11:Quỹ Thi đua, Khen thưởng

  1. Quỹ Thi đua, Khen thưởng của các đơn vị được hình thành, quản lý, sử dụng và quyết toán theo đúng quy định tại thông tư số 71/2011/TT/BTC ngày 24/5/2011 của Bộ Tài Chính hướng dẫn việc trích lập, quản lý, sử dụng Quỹ khen thưởng theo Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15/04/2010 của Chính phủ.
    1. Đơn vị nào ra quyết định khen thưởng thì đơn vị đó chịu trách nhiệm chi tiền thưởng từ quỹ Khen thưởng của đơn vị do tập thể, cán bộ nhân viên đóng góp hoặc được trích 5% tổng tiền quỹ của

đơn vị.

  1. Là Hội từ thiện, không được cấp kinh phí từ ngân sách nhà nước, nên việc thưởng tiền kèm theo bằng khen, kỉ niệm chương phụ thuộc vào khả năng tài chính của từng đơn vị.

 

CHƯƠNG V

KIỂM TRA, XỬ LÝ VI PHẠM VÀ ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

 

Điều 12: Kiểm tra công tác thi đua, khen thưởng

Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các đơn vị có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật Thi đua, Khen thưởng và các điều khoản của Quy chế này; kịp thời phản ánh, đề xuất các giải pháp để thực hiện các quy định về Thi đua, Khen thưởng.

 

Điều 13: Xử lý vi phạm

  1. Tập thể, cá nhân thiếu trung thực trong việc kê khai thành tích để được khen thưởng thì bị huỷ bỏ Quyết định khen thưởng và bị thu hồi hiện vật và tiền thưởng đã nhận; tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật về thi đua khen thưởng.
  2. Cá nhân xác nhận sai sự thật hoặc làm giả hồ sơ, giấy tờ cho người khác để đề nghị khen thưởng; người lợi dụng chức vụ, quyền hạn quyết định khen thưởng trái pháp luật hoặc trái với Quy chế này thì tùy tính chất vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật và Điều lệ Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam.

Điều 14: Điều khoản thi hành

  1. Quy chế này bao gồm 5 chương, 14 điều và có hiệu lực kể từ ngày ký.
  2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, yêu cầu các đơn vị phản ánh về Thường trực Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam để tổng hợp trình Ban Thường vụ Trung ương Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam xem xét bổ sung, sửa đổi cho phù hợp.

 

 

Nơi nhận:

- Các Hội thành viên;

- Các Trung tâm;

- Các Nhà Cứu trợ;

- Các đơn vị thành viên

- Lưu VT, TĐKT.

TM BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG HỘI

PHÓ CHỦ TỊCH KIÊM TỔNG THƯ KÝ

 

 

(Đã ký)

 

 

 

      Nguyễn Bá Duyệt

 

 

 Nguồn tin : Văn phòng Hội

Lượt truy cập: 1774 - Cập nhật lần cuối: 18/04/2019 09:01:20 AM

Đọc nhiều nhất
Trung tâm Hy Vọng TP Hải Dương tổ chức Tết Thiếu nhi 1.6 cho các cháu khuyết tật Chương trình Kỉ niệm 30 năm thành lập Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam Thắp sáng niềm tin cho em lần thứ 8 năm 2023
Google+