Happy House: Ngôi nhà Hạnh phúc cho trẻ tự kỷ.

Tự kỷ tuy chưa có thuốc chữa, nhưng nếu có phương pháp dạy, trẻ vẫn có thể hòa nhập cộng đồng và có cuộc sống như người bình thường.

Trẻ tự kỷ cần can thiệp sớm

Mỗi giờ sinh hoạt ngoài trời dành cho trẻ bị hội chứng tự kỷ ( Ảnh: Tô Đức)

        Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Y tế, hiện nay ở nước ta số lượng trẻ được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ đang tăng mạnh từng năm với số lượng khoảng 20.000 trẻ. Trẻ tự kỷ thường có những biểu hiện chậm trễ trong ngôn ngữ nói so với bạn cùng tuổi hoặc nói những từ ngữ không có nghĩa. Trẻ tự kỷ hạn chế giao tiếp bằng mắt, chậm nhận thức, có những hành vi rập khuôn, định hình không giống như những đứa trẻ khác.

       Cho đến nay, các nhà chuyên môn trên thế giới vẫn chưa tìm được nguyên nhân xác thực vì sao một đứa bé sinh ra hoàn toàn bình thường, tay chân lành lặn lại mắc hội chứng tự kỷ. Với một trẻ tự kỷ, sinh hoạt quy định hằng ngày có thể không được thực hiện. Đời sống của cha mẹ và của những trẻ khác trong gia đình do đó trở nên căng thẳng và đầy lo âu.

       Theo Bác sĩ Phạm Ngọc Thanh, Cố vấn Tâm lý - Khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM, tự kỷ là hội chứng khá phổ biến ở trẻ em. Mặc dù vậy, việc chẩn đoán và điều trị hội chứng này còn chưa phổ cập.

        Các nghiên cứu đã chứng minh việc can thiệp giáo dục sớm dẫn đến những kết quả tốt cho trẻ và gia đình. Can thiệp sớm có thể bao gồm việc dạy trẻ nhận biết những gì đang xảy ra trong môi trường xung quanh, biết chú ý, biết bắt chước hành vi, dần dần cải thiện những kỹ năng giao tiếp của trẻ. Tuỳ theo nhu cầu của trẻ, sự can thiệp sớm có thể bao gồm trị liệu ngôn ngữ, vật lý và hướng nghiệp.

          Happy House - ngôi trường cho trẻ tự kỷ

        Ở Hà Nội, mô hình can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ đang được áp dụng tại trường Giáo dục Hoà Nhập Happy House, trực thuộc Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam. Happy House là trường giáo dục hoà nhập do phụ huynh thành lập, không mang tính thương mại. Bên cạnh can thiệp sớm, Happy House áp dụng mô hình cho lứa tuổi tiền tiểu học (5-6 tuổi) và tiểu học (6-10 tuổi).

Đội ngũ giáo viên, học sinh và phụ huynh tại Happy House trong một sự kiện tập thể (Ảnh: Tô Đức)

       Chị Cao Thu Hằng, đồng sáng lập Happy House, là người có con mắc hội chứng tự kỷ. Khi phát hiện điều này, chị Hằng chấp nhận nghỉ việc kinh doanh để dành toàn bộ thời gian chăm sóc con. Chị thành lập Happy House cùng những phụ huynh có chung hoàn cảnh, với mong muốn dành tất cả những điều tốt đẹp nhất cho trẻ em không may mắn mắc hội chứng tự kỷ.

        Bên cạnh các phương pháp áp dụng cho trẻ 1-10 tuổi, Happy House cũng dành sự quan tâm đặc biệt tới việc “huấn luyện” cho các bậc phụ huynh. Trên thực tế, cuộc chiến với hội chứng tự kỷ gian nan, đòi hỏi tinh thần và ý chí thép từ những phụ huynh có con tự kỷ.

         Bản thân đội ngũ giáo viên tại Happy House cũng có những người là phụ huynh nhiều năm kinh nghiệm được chuyên gia đào tạo. “Trước khi muốn chữa cho con, phải chữa cho cha mẹ. Cha mẹ phải chấp nhận sự thật một cách thoải mái, dù chắc chắn sẽ có khó khăn, mới mong con phát triển tốt”, một phụ huynh tại Happy House chia sẻ.

        Happy House áp dụng ABA-VB, mô hình đã được khoa học kiểm nghiệm là có tác dụng trong việc giảm thiểu những vấn đề hành vi ở học sinh tự kỷ. Để có thể tối ưu mô hình này, trường nhận được nhiều hỗ trợ từ các chuyên gia nước ngoài cũng như các giáo viên giáo dục đặc biệt có trình độ.

        “Ý thức được mỗi trẻ tự kỷ sẽ có những khó khăn khác nhau, chúng tôi thiết kế các chương trình riêng biệt cho từng nhóm để phù hợp với lứa tuổi và sự phát triển của từng cháu”, chị Hằng cho biết. Học sinh tại Happy House có những bé vẫn đi học tiểu học bình thường và tới Trung tâm ngoài giờ lên lớp. Theo chị Hằng, việc hoà nhập với các trẻ khác sẽ giúp ích nhiều cho việc phát triển của các bé tự kỷ.

       Con cái được khỏe mạnh, thông minh là điều bậc cha mẹ nào cũng mong muốn. Vì vậy, khi thấy con mình có biểu hiện mắc bệnh tự kỷ hay các chứng chậm phát triển, điều mà cha mẹ cần làm là bắt đầu điều trị ngay lập tức. Nếu trẻ mắc chứng tự kỷ, phụ huynh không nên giấu giếm, xấu hổ, buông xuôi, mà hãy đối mặt. “Trẻ mắc chứng tự kỷ càng được chữa trị sớm bao nhiêu thì cơ hội điều trị thành công càng lớn. Hãy can thiệp sớm, song hành và cùng con chiến thắng tự kỷ”, anh Nam, một phụ huynh tại Happy House chia sẻ.

        Trường GDHN Happy House được thành lập vào tháng 10 năm 2014. Trực thuộc Hội cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam. Trường nằm trong khuôn viên rộng rãi, vị trí thuận lợi, gần các trường mầm non, tiểu học, công viên và các khu vui chơi với diện tích trường hơn 150m2 ở số 18 ngõ 47 Nguyên Hồng, Đống Đa, Hà Nội.

         Happy House là trường giáo giục hòa nhập do phụ huynh thành lập, không mang tính thương mại. Chính vì thế trường rất chú trọng vào chất lượng giáo dục, chế độ chăm sóc và các chương trình phát triển thể chất phù hợp với từng trẻ.

 

Lượt truy cập: 2652 - Cập nhật lần cuối: 23/05/2017 08:56:02 AM

Tin mới hơn:
Đọc nhiều nhất
Trung tâm Hy Vọng TP Hải Dương tổ chức Tết Thiếu nhi 1.6 cho các cháu khuyết tật Chương trình Kỉ niệm 30 năm thành lập Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam Thắp sáng niềm tin cho em lần thứ 8 năm 2023
Google+