HƯỚNG TỚI KỈ NIỆM 25 NĂM HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI CỨU TRỢ TRẺ EM TÀN TẬT VIỆT NAM

Bài 1: Quá trình vận động thành lập Hội.

25 năm hoạt động nặng tình với trẻ em khuyết tật

      

Hình 1:  Cuốn Radda Barnen

     Vào một ngày đầu tháng 8 năm 1990- kỹ sư Nguyễn Văn Linh (chuyên viên cao cấp của bộ Thương Mại – nguyên Tham tán kinh tế, Đại sứ quán Việt Nam  tại Thụy Điển) đã được bà Vero Monicka, đại điện tổ chức Phi chính phủ đại sứ quán Thụy Điển tại Hà Nội tặng cuốn Điều lệ Hội Cứu trợ trẻ em Thụy Điến (Radda Barnen) với lời khuyên nên tổ chức Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam – và lới hứa: Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam sẽ hỗ trợ. Cầm cuốn Radda Barnen trên tay, KS Nguyễn Văn Linh gặp Kĩ sư Hoàng Thế Thưởng ( kĩ sư làm việc ở Bộ Công Thương – bạn anh Linh), rồi hai anh tới gặp anh Lưu Quốc Sự ( nguyên cán bộ làm việc tại Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, giám đốc công ty Đông Đô, bạn anh Thưởng); ba anh đã thống nhất  nên tới gặp và bàn với anh Nguyễn Bá Duyệt (Chủ tịch công đoàn ngành Y tế Việt Nam – bác sĩ bệnh viên Bạch Mai – bạn anh Thưởng và anh Sự). Trong suy nghĩ chung rằng : Mặc dù Đảng, Nhà nước ta đã nỗ lực, tạo những điều kiện tích cực nhất để bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em, nhưng do hoàn cảnh kinh tế chưa phát triển, nên nhiều trẻ em – nhất là trẻ em khuyết tật, mồ côi, không nơi nương tựa ..... chưa được chăm sóc đầy đủ như mong muốn, cần phải vận động tổ chức phong trào toàn dân thường xuyên tham gia  đóng góp sức người, sức của cùng nhà nước bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em; và cần nên có một tổ chức phi chính phủ vì trẻ em hoạt động trên phạm vi cả nước. Bốn anh em ( nhóm 4 người) đã thống nhất nên thành lập Ban vận động thành lập Hội Cứu trợ trẻ em Việt Nam và giao anh Nguyễn Bá Duyệt lo về công tác tổ chức và soạn thảo các văn bản cần thiết. Trong thời gian này các anh em đã dùng ngoài giờ làm việc ở công sở gặp tham khảo, xin ý kiến một số vị lãnh đạo cấp cao và các Bộ, Ban, Ngành, đoàn thể như cụ Phạm Văn Đồng, bà Nguyễn Thị Định, ông Đàm Quang Trung, Ông Nguyễn Tiến Thu (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam), ông Hà Quang Dự ( Bí thư thứ nhất trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh), bà Trần Thị Thanh Thanh ( Phó chủ nhiệm Ủy ban chăm sóc giáo dục trẻ em) V.v... Đồng thời liện hệ với Tổng cục thống kê, với Bộ y tế.... xin số liệu thống kê về thực trạng đời sống trẻ em Việt Nam để làm dữ liệu xây dựng tờ trình và kế hoạch hành động về sau.

 Hình 2 : Đoàn Hội Cứu trợ trẻ em Thụy Điển đến thăm Ban vận động (do bà Vero Monika dẫn đầu - người mặc áo xanh).

     Sau khi nhận được sự ủng hộ, động viên khích lệ của các quý vị nêu trên và các văn bản thủ tục đã cơ bản hoàn thành (gồm tờ trình gửi chính phủ xin thành lập Hội Cứu trợ trẻ em Việt Nam, về kế hoạch hành động, về dự kiến nhân sự Ban vận động, về tổ chức hội nếu được thành lập, dự thảo điều lệ v..v...) nhóm bốn anh em lại ngồi bàn lựa chọn người đứng đầu ban vận động thành lập Hội, nhiều ông / bà đã được mời song vì lý do công tác không đáp ứng được, anh em đã quyết định vận động và mời giáo sư, bác sĩ Nguyễn Tài Thu – Viện trưởng Viện châm cứu trung ương, Chủ tịch Hội châm cứu Việt Nam; Được giáo sư, bác sĩ Nguyễn Tài Thu nhận lời, ngày 20 tháng 10 năm 1990, ban vận động thành lập Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam chính thức do giáo sư  - bác sĩ Nguyễn Tài Thu làm trưởng ban vận động (gồm 5 thành viên: giáo sư bác sĩ Nguyễn Tài Thu – BS Nguyễn Bá Duyệt, chuyên viên cao cấp Nguyễn Văn Linh, kĩ sư Lưu Quốc Sự,  Kĩ sư Hoàng Thế Thưởng)

Hình 3 : Đại sứ Vương quốc Thụy Điển BORJE LJUNGRENlàm việc với Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam ngày 12/4/1996

      Ban vận động thành lập Hội đã gặp trực tiếp báo cáo với đồng chí Nguyễn Khánh, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là phó Thủ tướng chính phủ), Chủ tịch Ủy ban bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em Việt Nam. Trong không khí ấm áp chân tình, đồng chí Nguyễn Khánh hoan nghênh và đánh giá cao ý tưởng này, và cho ý kiến nên lấy tên hội là “Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam”.

       Từ ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Khánh , ban vận động đã sửa chữa, hoàn chỉnh các văn bản (tờ trình chính phủ, bản giải trình những nội dung cơ bản của tờ trình, dự thảo Điều lệ, dự kiến tổ chức, nhân sự, chương trình hoạt động, v.v...) gửi Ban tổ chức cán bộ chính phủ (nay là Bộ Nội vụ), và gửi trực tiếp đồng chí Phan Ngọc Tường – Bộ trưởng (Trưởng ban tổ chức cán bộ Chính phủ) xin ý kiến hướng dẫn về quy trình thủ tục và đề nghị đồng chí giúp đỡ tạo điều kiện cho Hội sớm ra đời đi vào hoạt động chính thức.

      Ban vận động đã xin ý kiến các tổ chức, cơ quan hữu quan để hoàn chỉnh hồ sơ và soạn thư gửi các tập thể, tổ chức, cá nhân giới thiệu và vận động tham gia Hội; tổ chức tọa đàm về định hướng, phương pháp tổ chức và những công việc của quá trình thành lập Hội, có sự tham gia của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền đại sứ quán Thụy Điển (ngài BORJE LJUNGREN) và bà Monicka (đại diện tổ chức cứu trợ trẻ em Thụy Điển) tại Việt Nam.

     - Tháng 5 năm 1991, Ban vận động trực tiếp mang bộ hồ sơ hoàn chỉnh có cả văn bản bảo trợ của Ủy ban bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em Việt Nam do đồng chí Trần Thị Thanh Thanh (Ủy viên trung ương Đảng – phó chủ nhiệm) ký nộp Ban tổ chức cán bộ chính phủ với mong muốn Hội được ra đời vào dịp tết thiếu nhi (01 tháng 6) năm sau (1992).

    - Làm việc với Viện châm cứu trung ương Việt Nam để liên kết dùng khoa Nhi của Viện làm cơ sở ban đầu (gọi là Trung tâm I) nhằm thực hiện mục tiêu khám chữa bệnh, phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật và đặt trụ sở của Ban vận động tại Viện châm cứu.

    - Làm việc với Hội người mù Việt Nam để liên kết hỗ trợ các hoạt động cứu trợ trẻ em mù và nhiều hoạt động cần thiết khác.

    Ngày 04 tháng 12 năm 1993, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Khánh thay mặt Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 590/TTg cho phép thành lập Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam.

      Ngày 4 tháng 1 năm 1994, Hội nghị trù bị lần thứ nhất (gồm 39 vị tham gia) các hội viên nòng cốt đã nhất trí cử ra Ban Chấp hành lâm thời (gồm 11 người) để điều hành công việc Hội cho đến ngày Đại hội và chuẩn bị tổ chức Đại hội. Ban thường trực gồm: GS, BS Nguyễn Tài Thu: Chủ tịch, BS Nguyễn Bá Duyệt: Tổng Thư ký, Ông Nguyễn Văn Linh: Phó tổng thư ký, Ông Hoàng Thế Thưởng: Chánh văn phòng) văn phòng Hội đặt tại Viện châm cứu Việt Nam.

    Ngày 23 tháng 2 năm 1994 hội nghị trù bị lần 2 đã quyết định ngày tổ chức Đại hội, thành lập Ban tổ chức Đại hội, phân công các tiểu ban, thông qua toàn bộ kế hoạch tiến hành Đại hội. Tại hội nghị này các hội viên, các doanh nghiệp cơ quan đã ủng hộ được 27 triệu đồng để tổ chức Đại hội.

    Ngày 07 tháng 3 năm 1994 Đại hội lần thứ nhất Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam đã được tổ chức trọng thể tại Nhà hát lớn thủ đô Hà Nội. Đại hội đã bầu được Ban chấp hành chính thức đầu tiên của Hội gồm: 46 vị, chức năng nhiệm vụ của Hội được thể hiện tại Điều lệ Hội, đó là: Vận động, tập hợp sự giúp đỡ, ủng hộ, tài trợ của các tổ chức, tập thể, cá nhân giầu lòng nhân ái để tổ chức nuôi dưỡng, chữa bệnh, chữa tật, phục hồi chức năng, dạy chữ, hướng nghiệp dạy nghề cho trẻ em và thanh thiếu niên khuyết tật, tạo điều kiện thuận lợi, giúp các em có thể tự lao động nuôi sống bản thân, giúp ích gia đình, xã hội, sống tự lập và hòa nhập bình đẳng với cộng đồng.

     Ngày 04 tháng 12 năm 1993, đã trở thành ngày lịch sử - ngày thành lập Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam. Ngày đó đến nay đã tròn 25 năm, với 24 năm phấn đấu hoạt động xây dựng và trưởng thành.

                                                                                                                  Nguyễn Bá Duyệt

                                     Phó chủ tịch – Tổng Thư ký Trung ương Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam

Lượt truy cập: 1698 - Cập nhật lần cuối: 05/03/2024 11:15:33 AM

Tin mới hơn:
Đọc nhiều nhất
Trung tâm Hy Vọng TP Hải Dương tổ chức Tết Thiếu nhi 1.6 cho các cháu khuyết tật Chương trình Kỉ niệm 30 năm thành lập Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam Thắp sáng niềm tin cho em lần thứ 8 năm 2023
Google+