LỜI TRI ÂN

Hội đã được Nhà nước tặng Huân chương lao động hạng Ba năm 2003, hạng Nhì năm 2010, hạng Nhất năm 2015. Trong quá trình hoạt động, Hội ghi nhớ công ơn Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã là Chủ tịch danh dự Hội khóa I (1994 -1999); Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình - Chủ tịch danh dự Hội khóa II (2000 - 2005). Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa - Chủ tịch danh dự Hội khóa III (2005 - 2010); Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu, Tổng Bí Thư Đỗ Mười đã gửi thư thăm hỏi, động viên cán bộ hội viên của Hội, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã 02 lần trực tiếp nghe lãnh đạo Hội báo cáo và cho ý kiến chỉ đạo Hội hoạt động. Trong ký ức các thế hệ cán bộ hội viên của Hội luôn luôn in đậm sự quan tâm sâu sắc quý giá đó của các vị lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

       Kính thưa quí vị khách quý!

       Kính thưa Quý vị Đại biểu;

      Thưa các Ông, Bà, Cô, Bác và các em yêu quý;

      Thưa toàn thể anh, chị, em cán bộ hội viên Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam.

      Ngày 04 tháng 12 năm 1993 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 590/TTg  cho phép thành lập Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam với chức năng nhiệm vụ: vận động tập hợp sự ủng hộ giúp đỡ, tài trợ của các tổ chức tập thể, cá nhân, của toàn xã hội để tổ chức khám chữa bệnh, chữa tật, hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật trên cả nước, giúp các em có điều kiện thuận lợi sống hòa nhập bình đẳng với cộng đồng.

       Từ đó đến hôm nay chúng ta đã có 03 hội địa phương cấp tỉnh thành, 38 cơ sở trực tiếp tiếp nhận chữa trị, dạy dỗ, phục hồi chức năng cho trên 1 triệu trẻ em khuyết tật trong đó đã có gần 600 ngàn em phục hồi được chức năng sống, gần 5 ngàn em đã có việc làm, có thu nhập từ 2 triệu đến 4 triệu đồng/tháng, có cuộc sống ổn định; có em đã có gia đình riêng, sống hạnh phúc, gần 2 ngàn em đã được chuyển ra học tại các lớp hòa nhập.

       Với những kết quả như trên, Hội đã được Nhà nước tặng Huân chương lao động hạng Ba năm 2003, hạng Nhì năm 2010, hạng Nhất năm 2015. Trong quá trình hoạt động, Hội ghi nhớ công ơn Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã là Chủ tịch danh dự Hội khóa I (1994 -1999); Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình - Chủ tịch danh dự Hội khóa II (2000 - 2005). Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa - Chủ tịch danh dự Hội khóa III (2005 - 2010); Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu, Tổng Bí Thư Đỗ Mười đã gửi thư thăm hỏi, động viên cán bộ hội viên của Hội, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã 02 lần trực tiếp nghe lãnh đạo Hội báo cáo và cho ý kiến chỉ đạo Hội hoạt động. Trong ký ức các thế hệ cán bộ hội viên của Hội luôn luôn in đậm sự quan tâm sâu sắc quý giá đó của các vị lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

        Để có Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam hôm nay chúng ta chân thành biết ơn bà Vero - Monicka và ngài đại sứ Vương quốc Thụy Điển tại Việt Nam đã chuyển giao tài liệu, gợi ý tổ chức Hội cứu trợ trẻ em Việt Nam và đồng hành cùng chúng tôi từ những ngày đầu. Chúng ta lại hồi nhớ tới Ông Nguyễn Văn Linh chuyên viên cao cấp bộ thương mại, nguyên tham tán thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Thủy Điển …. Người đã tiếp nhận tài liệu và sự gợi ý của Đại sứ quán Thụy Điển tại Hà Nội để chuyển hóa thành sự vận động xin thành lập Hội Cứu trợ trẻ em Việt Nam với sự tâm huyết nỗ lực của 4 người nòng cốt - đó là chuyên viên cao cấp Nguyễn Văn Linh - KS Hoàng Thế Thưởng, KS Lưu Quốc Sự, BS Nguyễn Bá Duyệt và sau đó có thêm GSBS Nguyễn Tài Thu khi thành lập ban vận động thành lập Hội. Chúng ta ghi nhận công lao của Ban vận động thành lập Hội đã vượt qua những khó khăn, thiếu thốn cả  không gian và thời gian, cả nhân lực, vật lực và tài lực để  hoàn tất các thủ tục hồ sơ,  để liên hệ xin sự chỉ đạo, hỗ trợ giúp đỡ, để kêu gọi các  nhà hoạt động chính trị - kinh tế xã hội tham gia việc thành lập Hội. Rất tiếc đến hôm nay Bna vận động thành lập Hội cũng chỉ còn lại 2 người trụ vững tham gia công tác Hội, còn những người khác, người thì đã bị một cơn bạo bệnh mang đi, phải chia tay Hội ngay trong nhiệm kỳ đầu, người thì vì lý do cá nhân không thể tiếp tục hoạt động trong hàng ngũ Hội. Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam ghi nhớ tình cảm nồng ấm chân thành của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Khánh đã đặt tên cho Hội là Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam, đã xác định rõ tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ của Hội - nhờ vậy mà nội dung các hoạt động Hội rõ ràng, tập trung và hiệu quả.

        Lịch sử của Hội mãi mãi ghi nhớ tấm lòng nhân ái vì trẻ em tàn tật và ghi nhớ công lao tâm huyết của họa sĩ Vũ An Chương - người đã tham gia xây dựng Hội từ những ngày đầu và đã thiết kế mẫu biểu trưng (Lôgô) của Hội, mà biểu trưng đó vẫn rực rỡ suốt phần tư thế kỉ qua, sáng mãi mai sau. Nhiều ông bà, cô bác, anh chị em đã hăng hái tham gia và vận động bạn bè thân quyến tham gia làm hội viên để thành lập Hội mà tiêu biểu là các vị: Nghệ sĩ nhân dân Chu Thúy Quỳnh, Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Tâm Chính, Nghệ sĩ ưu tú nhạc sĩ Nguyễn Quang Vinh, Nghệ sĩ nhân dân Trung Đức, Kĩ sư Phạm Văn Căn (Tổng Giám đốc liên hiệp xi măng Việt Nam), Đại tá Phan Tử Quang (Giám đốc Công ty du lịch cựu chiến binh Việt Nam), Nhà giáo Trần Thị Minh Phương (Hiệu trưởng Trường dạy trẻ em câm điếc Xã Đàn), Luật gia Lưu Văn Hân (Vụ trưởng Vụ báo chí Bộ văn hóa), Luật sư Hạ Bá Đoàn (Hội luật gia Việt Nam), Luật gia Nguyễn Trần Bạt (Tổng Giám đốc Công ty tư vấn đầu tư quốc tế và chuyển giao công nghệ), bà Nguyễn Trinh Quý (Giám đốc Công ty thương mại dịch vụ Hà Nội), Trung tá kĩ sư Lê Văn Chương (Trường Đại học bách khoa Hà Nội), Họa sĩ Chương Thảo (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội), Kĩ sư Phan Minh (Giám đốc Công ty xây dựng Sông Đà), Bác sĩ Phạm Minh (Giám đốc Trung tâm nghiên cứu trợ giúp người cao tuổi), Tiến sĩ Trần Văn Miều và ông Trương Văn Cư (Cán bộ Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh), PTS Nghiêm Xuân Thành, Bác sĩ Nguyễn Bá Quang, Kĩ sư Nguyễn Quốc Khoa và ông Nguyễn Xuân Liên (Viện Châm cứu trung ương), TS Phạm Văn Lăng (Viện khoa học hình sự Bộ Công An), KS Nguyễn Như Ngọc (Viện năng lượng nguyên tử quốc gia), KS Nguyễn Văn Thạch (Tổng Giám đốc Công ty xuất - nhập khẩu thực phẩm - Bộ lương thực thực phẩm), BS Nguyễn Thanh Thủy (Giảng viên trường Đại học Y Hà Nội), Nhà báo Trần Hải (Sở văn hóa Nam Định), BS Đỗ Thúy Lan (Bệnh viện tâm thần Mai Hương Hà Nội), Nhà giáo Triệu Hải (Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội), ông Vương Tước (Giám đốc Sở Lao động thương binh và xã hội Hà Nội), ông Nguyễn Văn Trạch (Vụ trưởng Vụ lao động tiền lương - Bộ Lao động thương binh và xã hội) và nhiều quí vị khác, đặc biệt là sự tham gia của bà Nguyễn Thị Hằng (Bộ trưởng Bộ Lao động thương binh và xã hội), Giáo sư Nguyễn Thu Nhạn (Giám đốc Viện nhi trung ương), Giáo sư Phạm Xuân Tùy (Thứ trưởng Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp), Giáo sư Hoàng Tụy (Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội), Giáo sư bác sĩ Trịnh Kim Ảnh (Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy thành phố Hồ Chí Minh), ông Thái Phụng Nê (Bí thư tỉnh ủy tỉnh Phú Yên), Linh mục Phan Khắc Từ (Nhà thờ giáo xứ vườn Xoài - thành phố Hồ Chí Minh), Linh mục Nguyễn Văn Yến (Giám mục - Phó toà giám mục Phát Diệm - Ninh Bình), Thượng tọa Thích Viên Thành (Phó ban phật giáo tỉnh Hà Tây - Trụ trì chùa Hương), Hòa thượng Thích Thiện Tâm (Trụ trì chùa Phổ Minh thành phố Hồ Chí Minh), Ông Nguyễn Văn Chí - Giám đốc Sở Lao động thương binh và xã hội sau này là Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh….

        Đây chính là thế hệ hội viên đầu tiên của Hội, cũng là thế hệ nòng cốt vận động phát triển hội viên và xây dựng tổ chức Hội; cũng chính những người này đã là hạt nhân tổ chức hội nghị trù bị đầu xuân năm 1994 quyết định các công việc chuẩn bị và tổ chức Đại hội lần thứ nhất (Đại hội đầu tiên, đại hội ra mắt của Hội), vào ngày 06 - 07 tháng 2 năm 1994 tại nhà hát lớn thành phố Hà Nội thành công vang dội với âm hưởng sâu xa.

       Lịch sử của Hội cũng mãi mãi trân trọng và ghi nhớ những việc làm với tình cảm và đức tin cao cả của đội ngũ hội viên của hội mà một số tấm gương tiêu biểu là hình ảnh cụ Cao Tân Lai, 82 tuổi vẫn ngày ngày chống gậy tới thăm gia đình trẻ em khuyết tật để động viên khuyên nhủ gia đình đưa trẻ đến chữa trị tại cơ sở của Hội, cụ còn trích mỗi tháng 300.000 đồng từ khoản lương hưu ít ỏi của mình để hỗ trợ cho gia đình trẻ, cứ như thế liên tục đến 6 - 7 năm. Cũng vậy, cụ Nguyễn Văn Phúc 79 tuổi đã ủng hộ khoản tiền tuất của con trai (liệt sĩ) cho việc chăm sóc, chữa trị, dạy dỗ trẻ khuyết tật trong trung tâm của Hội, ngoài ra dù tuổi cao mắt đã mờ, tai đã lãng (vì nhớ con thương cháu), cụ vẫn ngày đêm miệt mài sáng tác vẽ các bức tranh thủy mặc bán lấy tiền ủng hộ cho cơ sở của Hội nuôi dưỡng chữa trị cho các trẻ khuyết tật. Cụ Nguyễn Văn Bình đã qua tuổi “thất thập cổ lai hi”, nhiều năm cần mẫn kiên trì đi vận động tài trợ cho các cơ sở của Hội, khi nằm trên giường bệnh vẫn còn điện thoại hướng dẫn nhận nốt khoản tài trợ cụ đã xin mà nhà tài trợ hứa cho. Thầy giáo Lê Xuân Đạo 81 tuổi vẫn say mê hướng dẫn dạy dỗ trẻ khuyết tật, kiên trì ghim từng con chữ vào khối óc các em để gần một trăm em khuyết tật được gửi vào lớp học hòa nhập từ lớp 1 đến lớp 5. Đúng là các cụ đã gom hết tình thương tặng cho người, giúp trẻ tật nguyền thêm nghị lực vượt lên số phận sống yêu đời. Rất tiếc hôm nay các cụ đã không còn để có thể tiếp nhận sự tri ân của chúng ta.

       Cũng rất mừng là, tiếp bước học tập tinh thần các bậc tiền bối, Hội chúng ta có cả một đội ngũ cán bộ hội viên hùng hậu, không ngại gian khổ, không sợ khó khăn phấn đấu không ngừng, giành cho trẻ em khuyết tật tất cả tấm lòng người mẹ hiền sâu nặng bao la, giúp cuộc đời các em hạnh phúc nở hoa, trong ấy có những tấm gương tiêu biểu, Ban Chấp hành Hội sung sướng được tri ân và vinh danh các quí vị ở Hội nghị này.

       1. Trước hết là Cụ Bùi Văn Thành - nhà giáo người hội viên đầu tiên ở vùng trung du Phú Thọ dù tuổi đã cao, hưởng ứng lời kêu gọi của Hội cụ đã vận động tập hợp những nhà từ thiện trong vùng xin thành lập “Nhà cứu trợ trẻ em tàn tật”. Không có nơi làm trụ sở hoạt động của Nhà cứu trợ, cụ đã dùng ngay ngôi nhà của gia đình cụ làm nơi châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt, tập vận động và học tập cho các cháu; thiếu nhân lực, cụ đã vận động con cháu ngày ngày tham gia làm việc, để “Nhà cứu trợ trẻ em tàn tật xã Vĩnh Chân huyện Hạ Hòa tỉnh Phú Thọ” là Nhà cứu trợ đầu tiên ra đời sớm nhất của Hội. Đã có hàng ngàn trẻ em khuyết tật được nhà cứu trợ chữa trị phục hồi chức năng và dạy nghề và trở thành lá cờ đầu của hệ thống Nhà cứu trợ trong toàn Hội; để đến hôm nay cả 3 thế hệ (cha mẹ - con - cháu) trong gia đình cụ đều làm từ thiện. Chính quyền địa phương và Hội đã thống nhất đề nghị cụ viết thành tích để trình Nhà nước tặng Huân chương Lao động cho cụ và ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng Bằng khen cho gia đình cụ, nhưng với đức tính khiêm tốn cụ đã không nhận, cụ chỉ chân thành cảm ơn và nói rằng “gia đình cụ làm từ thiện là vì cái tâm cái đức của mình”.

       2. Ông Trần Hải - là nhà báo, ông đã đứng ra vận động xin thành lập Trung tâm cứu trợ trẻ em tàn tật thành phố Nam Định, 2 năm sau khi Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam ra đời và ông liên tục được cấp trên cùng anh chị em hội viên, cán bộ nhân viên Trung tâm tín nhiệm giao trọng trách làm Giám đốc Trung tâm liên tục hơn 20 năm( từ ngày thành lập tới nay) là Trung tâm ra đời sớm nhất và là lá cờ đầu trong hệ thống các Trung tâm trong toàn Hội; Là một trong số ít Trung tâm của Hội có được cơ sở làm việc khang trang, có đủ tổ chức Đảng, công đoàn, đoàn thanh niên cộng sản - Có đủ các bộ môn y tế (châm cứu, xoa bóp bấm huyệt - thuốc đông - tây y - vật lý trị liệu), bộ môn giáo dục (chuyên dạy dỗ các trẻ em chậm phát triển trí tuệ - nhất là khó khăn về nói), bộ môn hướng nghiệp dạy nghề …) đặc biệt là có phương tiện (bể bơi trong Trung tâm) để thực hiện thủy trị liệu (Trung tâm duy nhất hiện nay của Hội có phương tiện này), hàng vạn trẻ em khuyết tật các dạng đã được chữa trị, PHCN, dạy dỗ tại Trung tâm.

       3. Bà Đỗ Thúy Lan - Là một bác sỹ chuyên khoa II tại Bệnh viện tâm thần Mai Hương (thành phố Hà Nội) đã đứng ra vận động xin thành lập “Trung tâm tư vấn phát hiện sớm, can thiệp sớm trẻ khuyết tật trí tuệ - tự kỷ Sao Mai, 2 năm ngay sau khi Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam ra đời và là Giám đốc Trung tâm từ đó tới nay. Hiện Trung tâm có cơ ngơi khá khang trang tại nội thành Hà Nội, có các tiện nghi tương đối hiện đại cho việc dạy và học; Cũng là một trong số ít các Trung tâm của Hội có tổ chức Đảng, Công đoàn và đoàn thanh niên cộng sản; Là trung tâm đào tạo (có khả năng nghiên cứu, đào tạo) trong các Trung tâm - Nhà Cứu trợ của Hội có cùng chức năng phát hiện sớm, can thiệp sớm trẻ khuyết tật trí tuệ - tự kỷ - Bà là Ủy viên Ban Chấp hành Hội nhiều khóa.

        4. Ông Nguyễn Văn Chí - Phó Chủ tịch Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam - Chủ tịch Hội Cứ trợ trẻ em khuyết tật thành phố Hồ Chí Minh. Khi nhận nhiệm vụ Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật thành phố Hồ Chí Minh còn mang tên phân hội Cứu trợ trẻ em tàn tật thành phố Hồ Chi Minh và các tỉnh phía Nam, tổ chức nhiệm vụ không rõ ràng, địa điểm (trụ sở) làm việc không có, ông đã nhanh chóng củng cố tổ chức, làm lại hồ sơ thủ tục đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố quyết định cho thành lập Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật thành phố Hồ Chí Minh, xin cấp trụ sở làm việc, tổ chức lại văn phòng; Ông đã đưa hoạt động của Hội thành phố Hồ Chí Minh vào nền nếp sâu rộng, đạt hiệu quả cao, hoạt động vượt ngoài phạm vi thành phố mà lan tỏa tới các địa phương trên cả nước (như Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Thái Nguyên, Hải Phòng, Thái Bình, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quãng Ngãi, Vĩnh Long) và đặc biệt còn sang cả một số tỉnh nước bạn Lào, Campuchia. Hội thành phố Hồ Chí Minh đã được nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì và bản thân ông được tặng huân chương Lao động hạng Ba về thành tích cứu trợ trẻ em khuyết tật.

        5. Bà Phùng Tuyết Nhung - Phó Chủ tịch Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam - Là Giám đốc công ty thời trang, bà tham gia Ban chấp hành Trung ương Hội từ khóa II tới nay - là thường trực Ban Thường vụ Trung ương Hội bà đảm nhận phụ trách kinh tế tài chính Trung ương Hội đảm bảo đúng pháp luật, rõ ràng minh bạch, bà còn thường xuyên là nhà tài trợ cho hoạt động của văn phòng Hội, tài trợ kinh phí và cung cấp ô tô cá nhân cho Ban thường vụ Trung ương Hội đi công tác địa phương nhiều năm liên tục, bà cũng tài trợ quà (là tiền, là thực phẩm, lương thực, chăn màn, quần áo) và trực tiếp cùng văn phòng Hội đi địa phương trao tặng cho trẻ em khuyết tật. Bà còn vận động và tổ chức cho con gái định cư ở nước ngoài vận động tài trợ gửi về để bà tổ chức cùng Hội đi trao tặng trẻ em khuyết tật và các gia đình nghèo ở các tỉnh vùng sâu vùng xa nhất là vùng bị thiên tai. Bà Phùng Tuyết Nhung đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

       6. Ông Lưu Văn Hân, là một Luật gia, tham gia Hội ngay từ những ngày đầu, thành viên trong hội nghị trù bị thành lập Hội, đảm nhận nhiệm vụ công tác tuyên truyền của Hội, ông đã đứng ra thành lập tạp chí “Tình thương và cuộc sống” vượt qua mọi thách thức khó khăn từ cơ sở vật chất, trang thiết bị kĩ thuật đến lực lượng chuyên môn, ông đã đoàn kết được anh chị em từ biên tập, trị sự đến kĩ thuật phóng viên, tự chủ, tự hoạch toán kinh phí, đảm bảo là cơ quan ngôn luận, thông tin của Hội hơn hai chục năm qua. Ông đã được thủ tướng chính phủ tặng Bằng khen.

        7. Ông Lê Đức Tố - Tiến sĩ, bác sĩ phẫu thuật chình hình. Ông tham gia Hội ngay từ rất sớm là thành viên trong hội nghị trù bị và liên tục là ủy viên Ban Chấp hành trung ương Hội từ khóa I tới nay (khóa V), đồng thời là Phó chủ tịch Hội Cứu trợ trẻ em khuyết tật thành phố Hồ Chí Minh. Với tình thương và lo lắng trăn trở trước các trẻ khuyết tật vận động, ông đã tới nhiều bệnh viện hỗ trợ công tác phẫu thuật cho trẻ em khuyết tật. Ông đã được giao tổ chức thành công nhiều đoàn phối hợp tiến hành và chính ông đã phẫu thuật chỉnh hình  cho gần hai nghìn trẻ ở các tỉnh: Điện Biên Phủ, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đắc Nông, Vĩnh Long … Ông Lê Đức Tố đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba về thành tích hoạt động Hội.

       8. Ông Đồng Văn An là một chuyên gia công tác tại Viện khoa học giáo dục Việt Nam. Trong quá trình công tác, có nhiều dịp tiếp xúc với trẻ em khuyết tật, động lòng trắc ẩn, ông đã tham gia là hội viên Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam, nhận thấy một cơ hội mở ra nguồn tài trợ để có thể thực hiện tâm nguyện của mình, ông đã vận động bạn bè xin thành lập “Trung tâm II trực tiếp hỗ trợ trẻ em khuyết tật”. Trên cơ sở đó ông đã vận động tổ chức ChildSurgery VietNam (Hà Lan) và ngài Koster Johanness Ka rơ lus Andreas tài trợ kinh phí để thực hiện khám sàng lọc, phát thuốc miễn phí và phẫu thuật chỉnh hình (có sự hợp đồng với sở LĐTB và XH, Sở Y tế) luyện tập PHCN sau mổ cho gần 3000 trẻ khuyết tật của các tỉnh vùng biên giới phía Bắc , (Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Hà Giang và Quảng Ninh) với thời gian kéo dài suốt 5 - 6 năm qua; Ông đã được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chủ tịch UBND 6 tỉnh trên tặng bằng khen. Hiện Trung tâm của ông đã lập kế hoạch phẫu thuật cho TEKT 2 tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh năm 2019 - 2020.

      9. Hòa Thượng Thích Thiện Tâm - Ủy viên ban Thường vụ Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam - phó Chủ tịch Hội Cứu trợ trẻ em khuyết tật thành phố Hồ Chí Minh. Đúng như pháp danh của Hòa Thượng, Hòa thượng đã cùng Hòa thượng Thích Viên Thành, đại diện cho tấm lòng từ bi bác ái của tăng ni phật tử tham gia Hội từ Hội nghị trù bị xuân 1994 và liên tiếp là Ủy viên BCH, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Hội  từ khóa I tới nay (khóa V). Ra Bắc vào Nam, Hòa thượng hoạt động không mệt mỏi, vận động phật tử, nhân dân phát tâm ủng hộ các hoạt động của Hội. Hòa thượng trở thành nhà tài trợ thường xuyên cho Hội - Hòa thượng được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba về thành tích hoạt động Hội.

      10. Ông Nguyễn Bác Dụng là một nhà giáo, ông giành nhiều tâm huyết cho trẻ khuyết tật có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và trẻ em khuyết tật. Ông luôn trăn trở tìm mọi cách hỗ trợ giúp đỡ các em vượt qua số phận, phấn đấu vươn lên trong học tập, trong sinh hoạt hàng ngày. Ngay đầu năm 1994 khi nhận được lời kêu gọi của Ban vận động thành lập Hội, ông là người đầu tiên lặn lội dặm trường từ thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội tới văn phòng Ban vận động (tại Viện châm cứu trung ương) để được tư vấn, được tìm hiểu và ngay lập tức viết đơn tình nguyện tham gia làm hội viên của Hội với bản tâm thư và chương trình hoạt động của mình. Ông đã trợ giúp PHCN cho hàng trăm TEKT trở thành người trưởng thành toàn diện. Ông liên tục là Ủy viên BCH Trung ương Hội từ khóa I tới nay (khóa V). Ông cũng được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba về thành tích nêu trên.

      11. Ông Nguyễn Trung Nghĩa - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam khóa V, Giám đốc Công ty TNHH thương mại và sản xuất Kiên Cường - Hà Nội, Giám đốc Trung tâm chăm sóc sức khỏe dạy nghề nhân đạo cho trẻ em thanh thiếu niên khuyết tật Vĩnh Hà, ra đời từ năm 2005 nhưng Trung tâm triền miên chìm trong khó khăn không phát triển. Khi ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm (năm 2016) ông đã đứng ra tổ chức lại Trung tâm, mạnh dạn đầu tư gần 1 tỷ rưỡi đồng, thực hiện theo mô hình quản lý mới (mô hình doanh nghiệp xã hội vừa sản xuất vừa hoạt động nhân đạo từ thiện) Trung tâm đã được vực dậy và bắt đầu phát triển - Đây là mô hình nghiên cứu thí điểm của Trung ương Hội.

     12. Ngoài những cán bộ hội viên tiêu biểu xuất sắc, BCH Trung ương Hội cũng trang trọng vinh danh ghi nhận công lao của cán 69 cán bộ hội viên tiêu biểu đã được các đơn vị thuộc Hội lựa chọn (mà chút nữa Ban tổ chức sẽ công bố danh sách và mời các anh chị em lên nhận tuyên dương).

     Thưa các anh chị, các em cán bộ hội viên Hội CTTETTVN thân kính mến. Làm nên sự phát triển lớn mạnh và thương hiệu Hội CTTETTVN hôm nay là công lao phấn đấu quên mình, chấp nhận và vượt qua mọi thử thách, khó khăn, hết lòng vì trẻ em khuyết tật. BCH Trung ương Hội ghi nhận, biết ơn và tuyên dương công trạng của các anh chị, các em, bởi tất cả chúng ta đã cùng nhau đi vào lịch sử, mỗi dấu chân một hạt kim cương, 24 năm dòng tắm đất gội xương, lặn lội nổi chìm, dãi dầu mưa nắng, chia sẻ cùng nhau ngọt bùi cay đắng, dành tất cả cho trẻ em khuyết tật tấm lòng người mẹ hiền sâu nặng bao la, để cuộc đời các em hạnh phúc nở hoa, và hôm nay chúng ta cũng nở nụ cười hạnh phúc, rồi ngày mai ta lại sát vai nhau vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tay nắm tay nhau tiếp tục tiến lên. Hội tuyên dương các anh chị các em - Tất cả chúng ta những chiến sĩ không tên.

    Thưa các quí vị! Hội Cứu trợ TETT Việt Nam luôn ghi nhớ và tri ân những nhà tài trợ (tổ chức - cá nhân), đồng hành cùng Hội, hỗ trợ Hội về tài chính về phương diện điều kiện làm việc giúp Hội thực hiện được các chức năng, nhiệm vụ và nguyện ước của mình từ những ngày còn trứng nước cho đến nay đã từng bước trưởng thành.

   Với Trung ương Hội đó là: Tổ chức cứu thế quân - Tổ chức Maryknoll (Hoa Kỳ) Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Ngân hàng Viettin Bank, Quỹ Thiện tâm (Tập đoàn Vingroup), Công ty cổ phần bánh kẹo Hải Hà, Công ty cổ phần Mama sữa non, Công ty sữa Việt Nam, Công ty TNHH TM & SX Kiên Cường, Nhà máy BiBiCa Hà Nội – chi nhánh Công ty cổ phần BiBiCa ….và các nhà tài trợ cá nhân là: Bà Trương Thị Nở (Phó Ban từ thiện xã hội Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam - Phó Chủ tịch Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật thành phố Hồ Chí Minh), Hòa Thượng Thích Thiện Tâm, ông Nguyễn Bác Dụng, ông Nguyễn Trung Nghĩa, bà Phùng Tuyết Nhung (như đã nêu ở phần đầu bản tri ân này), bà Lưu Thị Thanh Sơn (ngõ 165 Thái Hà – Hà Nội), bà Nguyễn Thị Chấn (Số 59 Hàng Bông – Hà Nội), bà Đào Kim Hạnh – giám đốc công ty TNHH sách văn hóa phẩm Quảng Lợi – (Khu công nghiệp Sài Đồng – Long Biên – Hà Nội). bà Lương Thị Điểm (Doanh nhân Vàng Bảo Tín Minh Châu), bà Dương Thị Thanh Vân (Giám đốc Trung tâm Hoa Anh Đào).

    Với Hội thành phố Hà Nội, tiêu biểu là văn phòng dự án tại VN – tổ chức Rồng Xanh (Blue Dragon Children’s Foundation).

    Với Hội thành phố Hồ Chí Minh tiêu biểu là Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) và hiệp hội thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại thành phố Hồ Chí Minh (KOCHAM).

    Với Trung tâm Cứu trợ TETT thành phố Nam Định là tổ chức Viettam (CH Pháp), Công ty Dược phẩm Nam Hà, bà Đào Thị Hương Giang hộ kinh doanh thành phố Nam Định.

    Với Trung tâm Hương Giang (Yên Bái) là sư cô Thích Đàm Hợi (Trưởng ban từ thiện giáo hội phật giáo tỉnh Yên Bái); bà Bùi Thị Sửu (GĐ công ty TNHH Hòa Bình (tổ 69 phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái).

    Với Trung Tâm Hy Vọng là Nhà máy nhiệt điện Phả Lại, công ty cổ phần Lilama 69 -1 Phả Lại, Công ty cổ phần Sông Đà Cao Cường.

    Với Trung tâm II trực tiếp hỗ trợ trẻ tàn tật là tổ chức Child Surgery Viet Nam (CSVN) và Ông Koster Johannes Karolus Andreas.

    Còn nhiều nhà tài trợ khác (kể cả tổ chức, tập thể, cá nhân) mà hệ thống cơ sở Hội của chúng tôi chưa thể nêu lên hết được, vì một lí do làm từ thiện không phải để lấy danh.

    Kính thưa các quí vị nhà tài trợ.

    Chúng tôi vẫn biết các quí vị hằng tâm niệm. Làm từ thiện là để tích đức, tu thân, không kể công, không hàm ơn, không cầu danh lợi – đúng theo lời Phật dạy. Những trẻ em khuyết tật Việt Nam, Hội cứu trợ TETT Việt Nam không thể không bày tỏ lòng tri ân các quí vị. Bởi vì chỉ có sự giúp đỡ hỗ trợ của quí vị, chỉ có sự cộng tác chặt chẽ giữa các quí vị với Hội cứu trợ TETT Việt Nam (Người có của, Kẻ có công) thì cuộc đời của những trẻ em khuyết tật mới được hưởng phúc lành. Chính vì thế Hội cứu trợ TETT Việt Nam kính mong các quí vị rộng lòng tha thứ cho phép chúng tôi trân trọng vinh danh cảm ơn các quí vị đã hết lòng vì trẻ em khuyết tật đồng hành cùng Hội cứu trợ TETT Việt Nam.

   Chân thành xin các quí vị cảm thông và thứ lỗi. Chỉ một điều chắc chắn rằng trong trái tim của hàng triệu TEKTVN và tất cả cán bộ hội viên Hội CTTETTVN luôn ngời sáng tấm lòng, hình ảnh đức độ cao cả của các quí vị. Như cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã nói “Sống ở đời cần có một tấm lòng”, Hội cứu trợ TETT Việt Nam trân trọng tri ân tấm lòng nhân ái cao quí của các quí vị các nhà tài trợ, lúc nào cũng nghĩ đến TEKT; Những ngày lễ, ngày tết, ngày khai trường hay khi bị thiên tai tàn phá, dù ít dù nhiều các vị thường xuyên đều đặn dành tình thương cho TEKT. Hội cứu trợ TETT Việt Nam một lần nữa chân thành biết ơn các nhà tài trợ và mong sự gắn kết giữa chúng ta ngày một vững bền hết lòng vì TEKT Việt Nam.

       Kính thưa quí vị.

      Với thế giới: trẻ em hôm nay thế giới ngày mai

       Với Việt Nam: trẻ em là tương lai, là chủ nhân đất nước.

       Với Hội cứu trợ TETT Việt Nam: Trẻ em khuyết tật được chăm sóc, chữa trị, dạy dỗ Phục hồi chức năng là sức mạnh, là thước đo về sự phát triển của mình. Tất cả các tổ chức, các cơ sở của Hội biểu dương các em đã tương tác, đã hỗ trợ, đã đồng hành, cộng tác để các cán bộ hội viên của Hội thực hành các thao tác chăm sóc, chữa trị, huấn luyện dạy dỗ các em. Nhiều lúc nhìn các em gồng mình chịu đau, nén tiếng rên la, ngăn dòng nước mắt mà chúng tôi quặn lòng thương sót. Nhưng các em đã kiên cường chấp nhận, vượt qua để mang đến kết quả mà mỗi chúng tôi cũng như các em, gia đình các em hằng mong đợi. Nhiều em đã vững niềm tin, vượt lên số phận, tự khẳng định mình.

       Hội cứu trợ TETT Việt Nam biểu dương những hành động dũng cảm đó của các em. Mà tiêu biểu là các em đại diện đã được các cơ sở lựa chọn lên. Chúc các em luôn có sức khỏe, tinh thần tốt, may mắn và thành công.

 

       Kính thưa các vị khách quí, quí vị đại biểu.

      Mặc dù được Đảng, Nhà nước rất quan tâm, ban hành nhiều chủ trương, chính sách chế độ để khắc phục và dự phòng tình trạng khuyết tật cho trẻ em, nhất là hiện có những tiến bộ vượt bậc của khoa học kĩ thuật, những thành công của ngành y tế, chúng ta tin chắc số trẻ em bị khuyết tật trong tỉ lệ dân số của nước ta sẽ ngày một giảm đi. Tuy nhiên thực tế chúng ta đang đối mặt với những thách thức về ô nhiễm môi trường (ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm lương thực, thực phẩm, ô nhiễm hóa chất, ô nhiễm tiếng ồn …) cùng các tai nạn, nhất là tai nạn giao thông đang đe dọa niềm tin đó của chúng ta. Rất có thể tỷ lệ này vẫn không giảm – Nhất là mô hình khuyết tật hiện nay số trẻ khuyết tật trí tuệ, chậm phát triển tinh thần tự kỷ đang có chiều hướng gia tăng.

      Cho nên sự nghiệp cứu trợ trẻ em khuyết tật vẫn rất cần sự quan tâm sâu sắc đẩy đủ hơn nữa của Đảng, Nhà nước, của chính quyền các cấp; rất cần hơn nữa sự đồng lòng chung sức, chung tay của các quý vị để lan tỏa tới toàn xã hội tiếp tục thực hiện chủ trương xã hội hóa của Nhà nước trong sự nghiệp cứu trợ trẻ em khuyết tật Việt Nam. Trên tinh thần đó chúng tôi hy vọng sẽ thường xuyên nhận được sự quan tâm, giúp đỡ, tài trợ, hỗ trợ đồng hành cùng Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam hoạt động hiệu quả hơn, bền vững hơn, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ cuộc sống tốt đẹp cho thế hệ tương lai của dân tộc.

     Xin chân thành kính chúc quí vị khách quí, quí vị đại biểu, các cô bác anh chị em, các cháu yêu quí cùng toàn thể cán bộ hội viên Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam luôn dồi dào sức khỏe, nhiều may mắn, nhiều niềm vui và hạnh phúc, gia đình thịnh vượng an khang.

      Xin trân trọng cảm ơn!

Lượt truy cập: 1700 - Cập nhật lần cuối: 05/03/2024 11:14:55 AM

Tin mới hơn:
Đọc nhiều nhất
Trung tâm Hy Vọng TP Hải Dương tổ chức Tết Thiếu nhi 1.6 cho các cháu khuyết tật Chương trình Kỉ niệm 30 năm thành lập Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam Thắp sáng niềm tin cho em lần thứ 8 năm 2023
Google+