Bà Lê Thị Thu Hiền Giám đốc Trung tâm trợ giúp xã hội trẻ khuyết tật An Khánh (Phú Thọ)

Sinh ra và lớn lên tại một vùng quê nghèo thuần nông nghiệp, khi học xong lớp 12, tôi thấy ở nơi mình sinh sống có một vài em bé đã đến tuổi học mẫu giáo hoặc tiểu học, nhưng thay vì đến trường thì các em lại thu mình chơi ở nhà, không biết giao tiếp và nói chuyện với người thân. Thậm chí, có em vì không có ai trông nom mà bỏ nhà đi lang thang, không ý thức được sự nguy hiểm xung quanh mình. Khi ấy, tôi đã tìm hiểu xem vì sao các em lại có những hành vi như vậy. Khi biết được rằng, đó là biểu hiện của hội chứng tự kỷ, rối loạn tâm thần, chậm phát triển trí tuệ… Địa phương tôi sinh sống lúc đó không có trường lớp dạy cho những trẻ em này, ngay cả người thân của các em còn không biết các em bị bệnh gì, hàng xóm và bạn bè cùng trang lứa các em thì có thái độ kì thị, xa lánh và không muốn tiếp xúc với các em.

Trăn trở về hoàn cảnh đó, ngay sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông, tôi đã quyết định thi vào chuyên ngành Giáo dục Đặc biệt, trường Cao đẳng Sư phạm Trung Ương. Nhiều người đã nói với tôi rằng quyết định của tôi là sai lầm bởi khi đó ngành giáo dục đặc biệt vẫn còn lạ lẫm, thậm chí bác ruột tôi còn nói rằng: “Cháu học cái ngành ấy thì biết dạy ai và dạy cái gì? Bác không thấy có trường nào dạy những trẻ như thế”. Tuy nhiên, tôi vẫn kiên định với quyết định của mình. Càng học tập, tìm hiểu và nghiên cứu tôi càng nhận ra rằng giáo dục đặc biệt là một lĩnh vực mới mẻ mang đầy tính nhân văn. Chúng tôi được đào tạo để tiếp xúc, tìm hiểu và can thiệp cho những trẻ có nhu cầu đặc biệt như: Trẻ mắc hội chứng tự kỷ, khuyết tật trí tuệ, trẻ khiếm thính, khiếm thị, khuyết tật vận động… Từ đó mà tôi đã biết được rằng những em bé này rất cần được yêu thương, quan tâm, thấu hiểu và hơn hết cần có môi trường chăm sóc, giáo dục đặc biệt, phù hợp với khả năng, nhu cầu của từng em. Điều quan trọng nhất, những người như chúng tôi sẽ giúp cho xã hội có cái nhìn đúng đắn hơn về trẻ đặc biệt, đón nhận và giúp đỡ các em giống như mọi trẻ em bình thường khác.

Tốt nghiệp hệ Cao đẳng, chúng tôi là những sinh viên đầu tiên được liên thông chuyên ngành Giáo dục Đặc biệt, trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Sau năm năm trên giảng đường, tôi đã nỗ lực trau dồi kiến thức, tích lũy kinh nghiệm, cầm tấm bằng Tốt nghiệp loại Giỏi trên tay tôi thực sự tin rằng con đường mình lựa chọn là đúng, và tự tin nhận những học trò đặc biệt đầu tiên của mình. 

 

Tôi quyết định ở lại Hà Nội làm việc với nhiều ước mơ, hoài bão về công việc và cuộc sống. Ngay từ những ngày đầu tiên đi dạy, trực tiếp chăm sóc và dạy dỗ các em tôi mới thực sự cảm nhận rõ những khó khăn trong cuộc sống hàng ngày của các em và gia đình. Có những học trò đã để lại trong lòng tôi những ấn tượng sâu sắc mà không bao giờ tôi có thể quên được. Mặc dù gặp rất nhiều trở ngại trong giao tiếp và nhận thức nhưng các em đã cố gắng tập luyện cùng cô giáo để học những kỹ năng hòa nhập với bạn bè. Có những em từ chỗ đập phá đồ đạc, tự đánh mình, đánh người khác, không thể tự ý thức hành vi nay đã học lên cấp 2 với thành tích học tập loại khá giỏi. Nhìn thấy sự tiến bộ của các em, tôi càng thêm hạnh phúc và say mê công việc hơn nữa. 

Cho đến năm 2010, ở Phú Thọ còn chưa có bất kỳ một trường lớp nào dạy trẻ đặc biệt, vì thế những gia đình có con mắc chứng Tự kỷ hàng ngày phải rất vất vả vượt quãng đường hàng chục cây số đưa các em từ Phú Thọ về Hà Nội học. Chứng kiến quá trình tôi can thiệp và chăm sóc các em, những phụ huynh này đã thuyết phục tôi trở về quê hương, vừa để giúp các em không phải đi lại vất vả, vừa là cơ hội để những trẻ khuyết tật khác ở Phú Thọ được chăm sóc giáo dục đặc biệt. Chính vì vậy, tôi đã gác lại mọi dự định của mình ở Hà Nội để trở về quê hương, nhận dạy cho những trẻ khuyết tật. Lúc đầu chỉ có một giáo viên là tôi với bốn học sinh mắc hội chứng Tự kỷ và khuyết tật trí tuệ. Chỉ sau vài tháng hoạt động với quy mô nhóm nhỏ, dần dần có nhiều phụ huynh biết đến và tìm đến đăng ký cho con em mình theo học. Đến đầu năm 2012, cơ sở do tôi thành lập đã tiếp nhận hơn 20 cháu mắc các dạng tật như: Tự kỷ, khuyết tật trí tuệ, khiếm thính, khuyết tật ngôn ngữ, Down, tăng động giảm chú ý (ADHD)…Mọi cố gắng nỗ lực để có một trung tâm cho trẻ khuyết tật học đã được đền đáp, năm 2017 trung tâm đã nhận được quyết định thành lập Trung Tâm Trợ Giúp Xã Hội Trẻ Khuyết Tật An Khánh của Hội Cứu Trợ Trẻ Em Tàn Tật Việt Nam. Ban đầu, cơ sở của chúng tôi còn thiếu rất nhiều cơ sở vật chất, đồ dùng trang thiết bị sinh hoạt và học tập cho trẻ... Nhưng với tinh thần tất cả vì các trẻ thơ, và nhất là các em nhỏ không may mắn có những hoàn cảnh đặt biệt, các phụ huynh và giáo viên Trung tâm luôn tâm huyết và không biết mệt mỏi trong quá trình xây dựng Trung tâm từ cơ sở vật chất, nhân lực…

 

Sau sáu năm hoạt động, Trung tâm An Khánh đã giúp được hơn 50 học sinh khuyết tật hòa nhập được với cộng đồng và theo học tại các trường bình thường. Đây là cơ hội cho các học sinh, giáo viên như chúng tôi thêm quyết tâm và gắn bó với nghề hơn nữa – Nghề giáo dục đặc biệt đầy nhọc nhằn khó khăn, vất vả. Hàng năm, các cháu tại trung tâm nhận được sự quan tâm thăm hỏi tặng quà của Hội chữ thập đỏ, Quỹ bảo trợ trẻ em, các cá nhân nhà tài trợ trao tặng các cháu các đồ dùng đồ chơi can thiệp dạy học, gạo sữa ăn hàng ngày; các cháu khiếm thính nhưng gia đình hoàn cảnh khó khăn, bản thân tôi đã đi liên hệ các nhà tài trợ trao tặng những chiếc máy trợ thính giúp các em được nghe âm thanh của cuộc sống. Đặc biệt, Trung tâm còn mời các chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước về khám, đánh giá, tư vấn miễn phí cho trẻ và chia sẻ cách nuôi dạy trẻ khuyết tật cho cha mẹ trẻ khuyết tật, để họ có kiến thức và hiểu biết đồng hành trong hành trình nuôi con vô vàn gian nan của họ.

Hiện nay, Trung tâm đang nhận chăm sóc và giáo dục cho hơn 30 trẻ khuyết tật. Mỗi em một hoàn cảnh nhưng các em đều rất đáng thương, các em gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Có em mắc chứng Tự kỷ nhưng bố mẹ đều là người bị tâm thần, không còn khả năng ý thức và lao động; có những gia đình có 2 con đều bị Tự kỷ, khuyết tật trí tuệ hoặc 2 con đều bị khiếm thính… Trung tâm An Khánh đang nhận nuôi dạy miễn phí học phí và tiền ăn cho các cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như: trẻ mồ côi, gia đình hộ nghèo hoặc cận nghèo, gia đình có 2 con theo học …

Đội ngũ giáo viên vủa Trung tâm hiện nay với 12 giáo viên các chuyên ngành: giáo dục đặc biệt, mầm non, tâm lý, công tác xã hội, giáo dục tiểu học… Các giáo viên đều năng động, nhiệt tình, yêu nghề và yêu trẻ.

Trung tâm An Khánh nói chung và cá nhân tôi là 1 giáo viên Giáo dục Đặc biệt đón nhận được khá nhiều sự quan tâm, chia sẻ của các đợn vị báo chí, truyền hình tỉnh Phú Thọ, báo Phú Thọ… đến đưa tin bài về Trung tâm và công việc chăm sóc dạy dỗ cho trẻ Khuyết tật.

Sau 7 năm hình thành và duy trì, Trung tâm An Khánh đã trải qua vô vàn khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua như: phải chuyển địa điểm đến 4 lần vì không thuê được địa điểm lâu dài, cơ sở vật chất thiếu thốn như thiếu đồ chơi, đồ dạy học chuyên biệt phù hợp với trẻ chậm phát triển. Hiện nay khó khăn nhất của trung tâm là trung tâm đang nuôi dạy miễn phí không thu phí cho 9 trẻ em khuyết tật có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như trẻ mồ côi, bố mẹ đều là người tâm thần, gia đình hộ nghèo và cận nghèo, gia đình có hai con đều bị khuyết tật… và hiện nay không có nguồn để nuôi dạy các em như gạo ăn hàng ngày, tiền học phí hàng tháng của 9 em đó (2 triệu/em). Để nuôi dạy miễn phí các em đó thì các cô phải bớt một phần lương thưởng và chế độ của giáo viên mới đủ kinh phí duy trì trung tâm.

Bản thân tôi, mặc dù làm công tác quản lý tôi vẫn thường xuyên trực tiếp giảng dạy những tiết học, đặc biệt là những trường hợp khó cần sự nghiên cứu, tìm tòi cách tiếp cận phù hợp với những Rối loạn phát triển trong cơ thể các em. Chuyện bị học sinh cắn, đánh, ném đồ vật, phá phách, chạy nhảy… xảy ra hết sức bình thường với một cô giáo dạy trẻ Đặc biệt. Có những lúc mệt mỏi và chán nản, nhưng khi nhìn những ánh mắt ngây thơ, non nớt tôi lại càng thấy mình cần cố gắng nỗ lực hơn nữa, không chỉ là cô giáo mà còn là người mẹ, người bạn của các con. 

Đối với tôi, mục tiêu lớn nhất của cuộc đời mình là xây dựng Trung tâm An Khánh trở thành “Ngôi nhà hạnh phúc” cho những “Thiên thần đặc biệt” của chúng tôi. Bởi các em xứng đáng được sống một cuộc sống hạnh phúc, vui vẻ, an nhiên như chính tâm hồn các em, bởi sự kỳ thị, xa lánh của xã hội không làm các em tiến bộ hơn, các em hòa nhập được với cộng đồng bằng tình yêu thương, lòng nhân hậu và đức tính kiên trì của những người chăm sóc các em. 

Thay cho lời kết, tôi cũng như cha mẹ các em hơn ai hết mong rằng xã hội hãy đừng xa lánh kì thị trẻ khuyết tật, mong rằng tất cả mọi người hãy mở rộng tấm lòng, bao dung và có cái nhìn thiện cảm cho những khó khăn, sai sót và vụng về của các em.

Nguồn : Văn phòng Hội

 

 

Lượt truy cập: 157 - Cập nhật lần cuối: 09/01/2024 10:30:49 AM

Đọc nhiều nhất
Trung tâm Hy Vọng TP Hải Dương tổ chức Tết Thiếu nhi 1.6 cho các cháu khuyết tật Chương trình Kỉ niệm 30 năm thành lập Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam Thắp sáng niềm tin cho em lần thứ 8 năm 2023
Google+