Nơi ấy có "người mẹ" hết lòng vì trẻ em khuyết tật

Khi đã chọn công việc chăm sóc trẻ em khuyết tật (TEKT) là xác định chấp nhận vất vả, đòi hỏi phải có sự kiên trì để vượt qua, để gắn bó với sự đơn điệu, để quẩn quanh trong một không gian nhỏ hẹp cùng những đứa trẻ ngờ nghệch, bệnh tật. Và, chỉ có tình thương, lòng nhân ái, bao dung mới đủ sức giữ họ ở lại với nghề. Lời tâm sự của cá nhân tiêu biểu : Cô Vũ Thị Phương Hiền - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ trẻ khuyết tật trí tuệ hòa nhập Hy Vọng (tỉnh Hải Dương)

 

 

            Chặng đường chuân chuyên - Nhưng cơ duyên còn đó 

           Tốt nghiệp ngành giáo dục mầm non trường Cao đẳng Sư phạm cô giáo Hiền được phân công về dạy học tại Bắc Giang, công tác ở đây được 10 năm, không ngừng phấn đấu, cô luôn giữ vị trí tiên phong trong “TOP” giáo viên xuất sắc của trường. Nhưng, “số phận” đưa đẩy khiến cô mắc bệnh, sức khỏe suy kiệt không thể đảm trách được công việc, cô đành xin nghỉ dạy, điều này cũng đồng nghĩa với ước mơ đứng trên bục giảng của cô đành gác lại, cô trở về quê ngoại (Chí Linh, Hải Dương), cuộc sống và chữa trị bệnh lúc này đều nhờ cậy vào gia đình. Có được sự hỗ trợ đắc lực từ gia đình, cô như được tiếp thêm nghị lực, tự tin hơn trong cuộc sống, sức khỏe ngày một ổn định, từng bước hồi phục. Nhưng để quay lại với nghề giáo thì chưa thể, vì con còn nhỏ, khó khăn tiếp tục bủa vây, cô quyết định tìm hướng đi mới - đến với nghề may, phát huy tính cần cù, chịu khó học hỏi, nhanh chóng ra nghề, trở về quê mở tiệm may nhỏ. Đồ cô may rất đẹp, khách ưng ý, họ mách nhau tìm đến  ngày một đông, thậm chí có rất nhiều học viên đến xin cô truyền nghề, đều được cô chỉ bảo tận tình, nhiều em học xong trở thành thợ giỏi, mở được tiệm may riêng, có thu nhập ổn định… Nghề may đã bước đầu mang lại thành công, niềm vui nhân lên, thì nghề giáo trong cô như dần mờ xa, tưởng như cơ duyên đã hết. Nhưng cuộc đời ai học được chữ “ngờ”, để cô giáo H lại bước sang “trang mới”. Khi người bạn cô có con bị khuyết tật, từ Hải Phòng tìm đến nhờ cô giúp đỡ, mời cô về dạy cho lớp học tình thương của chị, lớp học mở ra với mong muốn “để con chị có thêm bạn mới”. Điều này khiến cô giáo H “lấn cấn” lắm, bởi tiệm may, con nhỏ còn đó, ai gánh vác…, Song với sự đam mê yêu nghề, mến trẻ, đặc biệt tình thương yêu của cô dành cho TEKT là không thể “đong đếm”. Cô gật đầu đồng ý, với điều kiện chỉ giúp một tháng để bạn tìm được giáo viên thì mình về, vậy là cơ duyên đưa cô giáo Hiền trở lại với nghề giáo từ đó, nhưng lần này học sinh của cô lại là những đứa trẻ đặc biệt - TEKT.

 

 

 

          Lựa chọn và an nhiên gắn bó

        Tới Hải phòng, đến với lớp học đặc biệt này, cô giáo Hiền tận mắt thấy được những cảnh đời bất hạnh. Học sinh của cô giờ đây mỗi trẻ mỗi tật, đứa thì không đi được, đứa thì la hét, cười, nói chạy, nhảy vô thức, tư duy, nhận thức mất kiểm soát nên thường có những hành động khiến người đời “dở khóc, dở cười”. Còn với cô giáo Hiền lúc này lại mang tâm trạng xúc động, giằng xé giữa chán nản, âu lo đan xen với nỗi sợ hãi, cứ một, hai bỏ cuộc quay về… Rồi cả bao câu hỏi cứ “nhảy múa” trong đầu: Mình về thì bạn vất vả quá; Những đứa trẻ kém may mắn này chúng đang rất cần mình; Những ánh mắt ngây thơ, hồn nhiên nhìn cô giáo như muốn níu kéo… Tất cả, đã khiến cô phải lựa chọn để đưa ra được quyết định đúng đắn nhất. Và tình thương yêu trẻ, niềm đam mê nghề đã “chiến thắng”, thôi thúc cô ở lại gắn bó với công việc mà “chông gai” đang đợi chờ phía trước.

         Trở thành “Người mẹ thứ hai”, hàng ngày trải qua bao công việc thầm lặng, Hàng ngày cô phải đóng nhiều “vai diễn” -  làm thầy, rồi làm cả Ô sin, bảo mẫu, cô giáo H đã từng bước làm quen, làm thân với các em khuyết tật, cô đã chăm sóc, dạy dỗ chúng bằng  trách nhiệm của người thầy, bằng tình thương yêu của người mẹ, dần dà cô đã chiếm trọn tình yêu của con trẻ và niềm tin của phụ huynh. Cứ vậy, có sự góp sức của cô, hoạt động của Trung tâm từng bước đi vào ổn định, TEKT đến với Trung tâm ngày một đông, giáo viên, nhân viên của Trung tâm cũng đã đáp ứng đủ nhu cầu dạy và học. Có thể nói, vạn sự khởi đầu nan, để có được thành công bước đầu như vậy là đáng trân trọng. “Mừng đấy nhưng cũng khiến tôi trăn trở mỗi khi nghĩ về TEKT ở quê nhà không có nơi chăm sóc, dạy dỗ… sao mà chạnh lòng”, cô giáo H bộc bạch. Thế là, sau ba năm gắn bó với nơi này, cô quyết định trở về quê thành lập Trung tâm nuôi dạy và chăm sóc TEKT mang tên “Trung Tâm Hy Vọng” - trực thuộc Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam, tại số 262 Đường Lê Thánh Tông, phường Phả Lại, thành phố Chí Linh, Hải Dương. Trung tâm có chức năng tư vấn phát hiện sớm, can thiệp và chăm sóc TEKT, khuyết tật trí tuệ, tự kỷ, Down

       Buổi đầu đi vào hoạt động với vô vàn khó khăn: Trung tâm không có bất cứ nguồn kinh phí nào, nhà đi thuê, luôn phải di chuyển vì giá thuê nhà tăng bất cứ lúc nào; Chí Linh thuộc địa bàn miền núi, người dân chủ yếu làm nông nghiệp, kinh tế khó khăn, nhiều gia đình không đủ điều kiện cho con đi học; học sinh không ổn định, kéo theo việc dạy và học cũng thất thường, nhiều em không có tiền đóng học; thu nhập giáo viên không có; máy móc, trang thiết bị chuyên dùng dành cho từng đối tượng tật chưa đáp ứng yêu cầu thực tế; sách vở, đồ dùng học tập thiếu, bàn ghế sơ sài; TEKT ở đây, sau khi hoàn thành chương trình tiểu học muốn học tiếp THCS và THPT lại gặp khó về thủ tục giấy tờ; giáo viên chuyên ngành giáo dục đặc biệt còn thiếu, công việc nặng nhọc mà chuyên môn thì hạn chế, cũng khiến nhiều giáo viên nản lòng chưa yên tâm công tác…tất cả đã trở thành rào cản lớn, làm ảnh hưởng tới chất lượng dạy và học.

        Tuy nhiên, để quyết tâm thực hiện cho được ước mơ đưa Trung tâm đi vào hoạt động, đón TEKT về chăm sóc, dạy dỗ, cô giáo Hiền- Giám đốc Trung tâm đã phát huy sự năng động, vận dụng hiệu quả kiến thức sư phạm được đào tạo bài bản, cùng sự đam mê nghề giáo, hết lòng yêu thương con trẻ, cô  đã cùng cộng sự chia sẻ khó khăn, không sợ thiếu thốn, không quản ngày đêm, bằng những việc làm thiết thực: Cô đã hỗ trợ kinh phí xăng xe để giáo viên đến tận nhà đưa, đón các cháu đi học; nhiều gia đình nghèo không có tiền cho con theo học, cô vẫn vui vẻ tiếp nhận các cháu, miễn toàn bộ học phí cho nhiều cháu có hoàn cảnh đặc biệt… Nhiều lúc cũng “bế tắc” lắm, không biết xoay đâu ra tiền trả lương giáo viên, trả tiền thuê nhà, thế là lại phải kêu gọi  các nhà hảo tâm ủng hộ ít gạo, ít mì tôm, nước mắm… để nuôi các cháu… Cứ vậy, lấy “ngắn nuôi dài”, bế tắc dần cũng qua, Trung tâm Hy Vọng đi vào hoạt động ổn định đến nay cũng đã 15 năm, đang không ngừng phát triển bền vững  và  từng bước trưởng thành. Nếu như ngày đầu thành lập, đến với Trung tâm chỉ là 5 đứa trẻ tật nguyền, phụ huynh chưa tin tưởng, và còn suy nghĩ lệch lạc, họ cho rằng TEKT là những đứa trẻ bỏ đi, không cần phải học. Vậy mà đến với Trung tâm các cháu được học kỹ năng sống, được quan tâm chăm sóc, chỉ bảo tận tình, để rồi tật nguyền cũng dần được cải thiện ngày một khả quan hơn, các cháu đã nhận thức được hành động của mình (biết đi vệ sinh đúng chỗ, không hủy hại bản thân, không la hét… ). Qua đây đã giúp cho phụ huynh thấy được tấm lòng của các cô giáo dành cho học trò, thấy được sự tiến bộ rõ rệt từ con họ, cứ vậy niềm tin của phụ huynh dành cho Trung tâm ngày một nhân lên, thương hiệu của Trung tâm Hy Vọng ngày càng khẳng đinh, lan tỏa. Để giờ đây TEKT tìm đến với Trung tâm ngày một đông (70 cháu). Chưa hết, sau khi học tập ở Trung tâm, hàng năm thường có nhiều cháu đạt yêu cầu được về hòa nhập cộng đồng.

         Khác với nhiều bạn bè, khi tốt nghiệp ra trường họ thường chọn những nơi có điều kiện làm việc tốt, có thu nhập cao, tại các thành phố để “neo đậu”, còn cô giáo H lại trở về quê hương, gắn bó với TEKT, để khiến cho bữa ăn của cô cũng không được vẹn toàn, ngủ thì không trọn giấc. Phải chăng, ở cô có một tình yêu bao la dành cho TEKT, cô đồng cảm, cô thấu hiểu chúng, chính vì thế cô đã không “bỏ cuộc” mà cùng đồng nghiệp “chèo lái” đưa con thuyền Hy Vọng  cặp bến bờ vinh quang. Là Giám đốc Trung tâm, là nhà quản lý, cô luôn tâm niệm: công tác tại đơn vị mang tính đặc thù, trước hết trình độ chuyên môn phải vững vàng, cô đã đặt ra mục tiêu rõ ràng cho bản thân, đó là không ngừng nỗ lực, khắc phục mọi khó khăn, sắp xếp công việc một cách khoa học để theo học và hoàn thành cho được chương trình giáo dục đặc biệt tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội. 

 

         Được chăm sóc nuôi dưỡng toàn diện tại Trung tâm, nhiều TEKT từng bước lớn khôn, trưởng thành. Tình yêu thương, sự quan tâm từ  những “người mẹ thứ hai”, từ các cơ quan chức năng và cộng đồng trở thành điểm tựa, niềm tin cho ước mơ của những đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt bay xa. Thiết nghĩ TEKT là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong xã hội. Dù được nuôi dưỡng, chăm sóc tại các Trung tâm, cơ sở bảo trợ xã hội, mái ấm… Vẫn cần lắm những tấm lòng vàng kết nối hỗ trợ để những phận đời kém may mắn thấy được tình yêu thương luôn hiện hữu và họ không bao giờ bị xã hội lẵng quên. Đó là lời tâm huyết, là sự mong mỏi của cô giáo Phương Hiền - Giám đốc Trung Tâm Hy Vọng (Hải Dương) nhắn gửi chúng ta.  

 Nguồn: Cô Phương Hiền - Giám đốc Trung tâm Hy Vọng  ( Hải Dương)

 

Lượt truy cập: 252 - Cập nhật lần cuối: 09/01/2024 10:57:06 AM

Đọc nhiều nhất
Trung tâm Hy Vọng TP Hải Dương tổ chức Tết Thiếu nhi 1.6 cho các cháu khuyết tật Chương trình Kỉ niệm 30 năm thành lập Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam Thắp sáng niềm tin cho em lần thứ 8 năm 2023
Google+