ỦY BAN QUỐC GIA VỀ NGƯỜI KHUYẾT TẬT VIỆT NAM: TỔ CHỨC HỘI NGHỊ TỔNG KẾT CÔNG TÁC NĂM 2019

      Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật (NKT) Việt Nam vừa tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và phương hướng nhiệm vụ năm 2020 nhằm đánh giá những kết quả đạt được và những tồn tại, khó khăn, đề ra nhiệm vụ trong thời gian tới.

 

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị

     Tham dự Hội nghị có ông Lê Tấn Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH; ông Nguyễn Văn Hồi, Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội; bà Lesley Miller, Phó trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam, bà Trương Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cùng các đồng chí là Ủy viên Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam, đại diện các bộ, ngành, đoàn thể, các tổ chức hội xã hội của người khuyết tật, các tổ chức quốc tế.

     Phát biểu khai mạc Hội nghị, Ông Nguyễn Văn Hồi, Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội nhấn mạnh sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có NKT. Các thành viên Ủy ban đã chỉ đạo các bộ, ngành chức năng trong phạm vi chức năng nhiệm vụ lồng ghép thực hiện chính sách NKT. Đặc biệt ngày 01/11/2019, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 39-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác NKT. Trong đó nhấn mạnh các nhiệm vụ chính là nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, các cơ quan, tổ chức và nhân dân trong thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về trợ giúp NKT; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong thực hiện chính sách, pháp luật về NKT; phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội và các tổ chức xã hội đối với các tổ chức của NKT… Cùng với đó, các hội, đoàn thể cũng có nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực cho NKT như dạy nghề, tạo việc làm, trợ cấp, tặng quà…

     Bên cạnh đó, công tác trợ giúp NKT còn gặp một số khó khăn về giao thông tiếp cận, các dịch vụ xã hội cơ bản, năng lực đội ngũ cán bộ nhân viên… Trong thời gian tới, các thành viên Ủy ban cần tập trung rà soát, đánh giá các đề án để tham mưu xây dựng trình đề án, chương trình giai đoạn tới; tổ chức quán triệt, tuyên truyền, xây dựng kế hoạch triển khai Chỉ thị của Ban Bí thứ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác NKT nhằm tạo chuyển biến sâu sắc về nhận thức, trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức và các tầng lớp nhân dân về công tác NKT. Tăng cường kiểm tra hoạt động trợ giúp NKT tại một số bộ, ngành, địa phương…

      Báo cáo tại Hội nghị cho biết: Năm 2019, ngân sách Nhà nước đã bố trí cho địa phương 17.517 tỷ đồng để thực hiện Nghị định số 136/2013/NĐ-CP và 131 tỷ đồng thực hiện chính sách hỗ trợ về giáo dục đối với NKT. Đến nay, cả nước có trên 01 triệu NKT nặng và đặc biệt nặng, khoảng 100.000 gia đình, cá nhân nhận chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng và hàng triệu NKT, trẻ em khuyết tật được nuôi dưỡng, chăm sóc trong các cơ sở bảo trợ xã hội. Bên cạnh nguồn lực từ ngân sách nhà nước, các tổ chức của NKT đã tích cực huy động nguồn lực xã hội để cải thiện đời sống và điều kiện sinh hoạt mọi mặt cho NKT.

     Trong chăm sóc y tế, Bộ Y tế đã nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Khám bệnh, chữa bệnh, trong đó quy định về Phục hồi chức năng và Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng; Sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế, trong đó có mục tiêu tăng phạm vi và độ bao phủ chi trả BHYT cho NKT; Phối hợp Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Tổ chức Y tế thế giới và Hội trợ giúp người khuyết tật Việt Nam đánh giá thực trạng hệ thống Phục hồi chức năng Việt Nam nhằm xác định thực trạng và xây dựng quy hoạch phát triển mạng lưới PHCN và chiến lược quốc gia phát triển PHCN giai đoạn 2021-2030. Đến nay, cả nước có 50 tỉnh, thành phố triển khai Chương trình Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng, trong đó có 18 tỉnh triển khai toàn bộ các huyện, các xã. Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ và giám sát các địa phương tăng cường cơ hội tiếp cận giáo dục có chất lượng, bình đẳng và thân thiện đối với NKT, đặc biệt chú trọng công tác huy động trẻ khuyết tật đi học và nâng cao chất lượng giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật.

 

Các đại biểu tham dự Hội nghị

     Nhìn chung, trong năm 2019, các mặt hoạt động của công tác NKT đã được triển khai toàn diện, đồng bộ, chủ động với sự quan tâm và phát huy trách nhiệm của các thành viên Ủy ban, các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức hữu quan. Quá trình triển khai nhiệm vụ luôn bám sát Kế hoạch công tác được Chủ tịch Ủy ban phê duyệt từ đầu năm, lựa chọn trọng tâm, trọng điểm, tăng cường lồng ghép và phát huy vai trò điều phối của Ủy ban trên mọi mặt hoạt động để bảo đảm hiệu quả thực chất. Hoạt động của Ủy ban ngày càng thu hút sự quan tâm, ủng hộ và tham gia tích cực của các bộ, ngành, tổ chức và các đối tác phát triển; quan hệ phối hợp giữa các bộ, ngành thành viên trong việc triển khai các nhiệm vụ được giao có nhiều chuyển biến tích cực. Các rào cản xã hội, giao thông, đi lại, thông tin… từng bước được tháo gỡ, tạo thuận lợi để NKT có điều kiện tiếp cận dễ dàng hơn.

     Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách trợ giúp NKT còn gặp một số khó khăn như: Tiến độ xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật để sửa đổi, bổ sung, khắc phục một số vướng mắc, bất cập còn chậm. Còn một số Bộ, ngành, địa phương thiếu quan tâm, coi công tác NKT là trách nhiệm của riêng ngành Lao động- Thương binh và Xã hội nên chưa xây dựng kế hoạch thực hiện các chính sách hỗ trợ NKT hàng năm và cả giai đoạn, không có giải pháp để tổ chức thực hiện mục tiêu về trợ giúp NKT thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của mình; Một số địa phương chưa thành lập Ban công tác NKT, hoặc đã thành lập nhưng hoạt động mang tính hình thức. Rào cản về tiếp cận giao thông, đi lại vẫn là một trong những vấn đề khó khắc phục nhất, nhất là ở khu vực nông thôn, khó bảo đảm lộ trình bảo đảm tiếp cận giao thông và công trình công cộng theo quy định của Luật NKT. Việc xác nhận và cấp giấy chứng nhận NKT cho NKT nhẹ đạt kết quả thấp. Mức trợ cấp xã hội cho NKT còn thấp. Số lượng NKT được các cơ sở trợ giúp xã hội còn ít. Việc thành lập tổ chức của NKT ở một số địa phương khó khăn, do không có sự tham gia của đại diện tổ chức hội của NKT tại cấp xã, phường nên ảnh hưởng đến hoạt động cấp giấy xác nhận khuyết tật ở cấp xã.

     Tại Hội nghị, đại diện một số bộ, ban, ngành là thành viên của Ủy ban Quốc gia về NKT đã trao đổi thảo luận xung quanh vấn đề liên quan đến NKT như: Mức trợ cấp, việc làm, giao thông tiếp cận, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, độ bao phủ bảo hiểm y tế cho người khuyết tật, kết nối thúc đẩy hoạt động của các bộ, ngành để thực hiện chính sách tốt hơn cho người khuyết tật…

 

Đại diện người khuyết tật chia sẻ những khó khăn trong sinh hoạt, đi lại… tại Hội nghị

PV

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *