CHIA SẺ VỚI NHỮNG KHÓ KHĂN, LAN TỎA, KẾT NỐI YÊU THƯƠNG VỚI NHỮNG ĐỊA CHỈ RẤT CẦN SỰ CHUNG TAY GIÚP ĐỠ
Nằm trong chuỗi các hoạt động trao quà cho trẻ em khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn, có tinh thần vượt khó và thành tích nổi bật trong học tập năm học mới 2024 – 2025, trẻ em đang điều trị bệnh, phục hồi chức năng trong chương trình “Chắp cánh ước mơ cho trẻ em khuyết tật” do Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam tổ chức, sáng ngày 23 tháng 5 năm 2025 tại huyện Điện Biên Đông tỉnh Điện Biên. Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam phối hợp với Hội Bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Điện Biên tổ chức trao 60 suất quà cho 60 trẻ em khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt với số tiền trên 65 triệu đồng.Mỗi suất quà trị giá 1.000.000 đồng tiền mặt và quà gồm bánh kẹo. Số tiền 55 triệu được trích từ nguồn vận động của chương trình “Chắp cánh ước mơ cho trẻ em khuyết tật” năm 2025 của Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam phối hợp với Cổng Thông tin điện tử Nhân đạo Quốc gia (1400); hưởng ứng của tỉnh là 10 suất, 10 cháu số tiền là 10 triệu đồng.
Ông Ngô Sách Thực Chủ tịch Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam cùng Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Chủ tịch Hội bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh trao biển cho đại diện lãnh đạo huyện Điện Biên Đông
Tham dự chương trình có Ông Ngô Sách Thực, Chủ tịch Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam; Ông Nguyễn Tiến Dũng Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Điện Biên Bà Phạm Thị Vịnh Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Điện Biên; Ông Nguyễn Văn Tăng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Điện Biên Đông; đại diện lãnh đạo ban ngành huyện Điện Biên Đông và sự hiện diện có mặt của các em học sinh, các thầy cô giáo, phụ huynh phóng viên báo đài đưa tin.
Ông Ngô Sách Thực Chủ tịch Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam và ông Nguyễn Tiến Dũng Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Điện Biên trao quà cho các em khuyết tật
Hiện nay Điện Biên có 8.743 người khuyết tật, trong đó 5.890 trường hợp nặng và 2.027 đặc biệt nặng; 5.660 trẻ mồ côi; 63.420 trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, chủ yếu là ở các hộ nghèo và gia đình có vấn đề về xã hội. Khảo sát tại 15 trường có trẻ khuyết tật theo học cho thấy có 1.638 học sinh khuyết tật, chủ yếu là con em các hộ nghèo ở các vùng đặc biệt khó khăn. Học sinh khuyết tật học hòa nhập với nhiều dạng tật khác nhau. Một số học sinh mắc nhiều tật (đa tật) và mức độ khuyết tật nặng. Do đó, còn gặp khó khăn trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục phù hợp với từng dạng tật.
Ở các địa phương trong tỉnh hiện nay chưa có nhiều cán bộ, giáo viên, nhân viên đặc thù, được đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về công tác giáo dục hoà nhập; cơ sở vật chất dành riêng cho trẻ khuyết tật, tự kỷ còn thiếu. Ngoài ra, sự thiếu hiểu biết và cách ứng xử kỳ thị của một bộ phận phụ huynh, học sinh cũng tạo áp lực không nhỏ cho bản thân các em học sinh khuyết tật, tự kỷ và các nhà trường. Địa hình núi cao chiếm phần lớn diện tích trong tỉnh nên việc tiếp cận khó khăn người dân chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số khó tiếp cận tới các dịch vụ khám chữa tật.
Ông Ngô Sách Thực Chủ tịch Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam cùng các lãnh đạo huyện, tỉnh Điện Biên trao quà cho trẻ em khuyết tật.
Ông Ngô Sách Thực Chủ tịch Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam chia sẻ với những khó khăn của các gia đình và của huyện, biểu dương nhiều cháu có mặt hôm nay đã thể hiện tinh thần vượt khó, vượt qua chính mình để có những kết quả trong học tập như cháu Lường Thọ Thanh Hường, cháu Tòng Thị Hồng Trang, cháu Quảng Mai Thành Đạt, cháu Lê Đình Phát…. Nhấn mạnh những chính sách an sinh xã hội, bảo trợ xã hội chỉ có thể thực hiện được tốt khi có sự quan tâm của các cấp, các ngành, các tổ chức cá nhân khi có sự chung tay toàn dân sẽ có những thành quả. Các thày, cô giáo, các bậc phụ huynh là điểm tựa để các em vượt khó. Năm nay Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam tổ chức Chương trình “Thắp sáng niềm tin cho em” lần thứ X tại Hà Tĩnh vào ngày 1/6/2025; đã khởi động sớm ngay từ đầu năm nhân dịp 50 năm giải phóng miền Nam. Mục tiêu cao nhất của Hội là mong muốn cùng các cháu hòa nhập cộng đồng. Đồng thời mong muốn các cấp ủy, chính quyền, mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các hội của tỉnh Điện Biên phát huy tinh thần nhân ái, đoàn kết tiếp tục góp Công – Của – Sức lực – Trí tuệ của mình góp phần chăm sóc trẻ em khuyết tật, dành cho trẻ em những điều tốt đẹp.
Bà Phạm Thị Vịnh Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Điện Biên, Ông Nguyễn Văn Tăng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Điện Biên Đông phát biểu đã thông tin sự cố gắng của địa phương, nhưng do địa bàn miền núi, biên giới, tỷ lệ hộ nghèo cao, mong muốn trong thời gian tới được sự quan tâm của Trung ương Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam kết nối các nhà tài trợ trợ giúp đỡ tỉnh Điện Biên dụng cụ hỗ trợ một số dạng tật, tặng quà, học bổng, hỗ trợ phẫu thuật. Mong muốn hỗ trợ kinh phí giúp trẻ khuyết tật được hỗ trợ điều trị tại các cơ sở chuyên khoa. Như em Việt Hoàng ở xã Thanh Luông đang học lớp 6 thì bị liệt tay phải chỉ viết được bằng tay trái, đã bị hỏng một mắt và mắt còn lại có nguy cơ bị hỏng nốt nếu không kêu gọi được nguồn tài trợ để kịp thời chữa trị cho cháu.
Những món quà này nhằm động viên, khuyến khích các em vươn lên trong học tập. Với món quà thiết thực này, các em học sinh sẽ thêm điều kiện để đến trường. Đây cũng là động lực để các em cố gắng vươn lên, học tập tốt, trở thành công dân có ích cho gia đình và xã hội.
Một số hình ảnh tặng quà