Nhìn từ công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật

       1. Ngày 22 tháng 10 năm 2007 tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York (Hoa Kỳ) Chính phủ Việt Nam đã ký “Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền của người khuyết tật”. Công ước đã giành điều 7 nói về trẻ em khuyết tật, trong đó nhấn mạnh ba nội dung: “1) Các quốc gia thành viên sẽ thực hiện tất cả các biện pháp để đảm bảo trẻ em khuyết tật được thụ hưởng đầy đủ tất cả các quyền con người và tự do trên cơ sở bình đẳng với những trẻ em khác; 2) Trong tất cả các hành động có liên quan đến trẻ em khuyết tật, lợi ích của trẻ em được quan tâm trước tiên; 3) … đảm bảo rằng trẻ em khuyết tật có quyền được tự do thể hiện quan điểm của mình đối với tất cả các vấn đề có ảnh hưởng tới các em …” Công ước đã xác lập 21 quyền chính cơ bản của người khuyết tật, trong 21 quyền ấy có 15 quyền liên quan đến trẻ em khuyết tật.

     Ngày 28 tháng 11 năm 2014, Quốc hội khóa XI nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua nghị quyết về việc phê chuẩn “Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền của người khuyết tật” để tổ chức thực hiện ở Việt Nam.

      2. Ngày 17 tháng 6 năm 2010, Quốc hội khóa X nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành “Luật người khuyết tật” Việt Nam. Điều 4 của Luật này đã xác định người khuyết tật có những quyền sau đây: “ … a) tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội; b) Sống độc lập, hòa nhập cộng đồng; c) được miễn hoặc giảm một số đóng góp cho các hoạt động xã hội; d) Được chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, học văn hóa, học nghề, việc làm, trợ giúp pháp lý, tiếp cận công trình công cộng, phương tiện giao thông, công nghệ thông tin, dịch vụ văn hóa thể thao du lịch và dịch vụ khác phù hợp với dạng tật và mức độ khuyết tật; đ) các quyền khác theo qui định của pháp luật ”. Xét trong 5 quyền của người khuyết tật được quy định trong luật này, đối với trẻ em khuyết tật thì quyền được qui định tại điểm (đ) là quan trọng và cấp thiết hơn cả.

    3. Đáng lưu ý nhất: Ngày 05 tháng 4 năm 2016 Quốc hội khóa 13 nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ban hành “Luật trẻ em” Việt Nam. Trong luật này trẻ em khuyết tật được xếp là nhóm thứ 4 trong 14 nhóm trẻ em thuộc diện “trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt” (chứ không xếp một điều riêng như công ước của Liên Hợp Quốc về quyền của người khuyết tật) và tại Điều 35 luật này quy định quyền của trẻ em khuyết tật như sau: “… trẻ em khuyết tật được hưởng đầy đủ các quyền của trẻ em và quyền của người khuyết tật theo qui định của pháp luật, được hỗ trợ chăm sóc, giáo dục đặc biệt để phục hồi chức năng, tự lực và hòa nhập xã hội”.

Vậy quyền của người khuyết đã được trích nêu ở phần trên, còn quyền của trẻ em được “Luật trẻ em” qui định những quyền gì? Ta thấy theo “Luật trẻ em”. Trẻ em Việt Nam được hưởng 24 quyền (được qui định từ điều 12 đến điều 36). Trong 24 quyền ấy, trẻ em khuyết tật được hưởng 20 quyền rất cơ bản đó là: 1) Quyền sống (điều 12); 2) quyền được khai sinh và có quốc tịch (điều 13); 3) Quyền được chăm sóc sức khỏe (điều 14); 4) Quyền được chăm sóc nuôi dưỡng (điều 15); 5) Quyền được giáo dục, học tập và phát triển năng khiếu (điều 16); 6) Quyền được vui chơi, giải trí (điều 17); 7) Quyền bảo vệ tài sản (điều 20); 8) Quyền được sống chung với cha mẹ (điều 22); 9) Quyền được chăm sóc thay thế (điều 24); 10) Quyền được bảo vệ không bị xâm hại tình dục (điều 25); 11) Quyền được bảo vệ để không bị bóc lột sức lao động (điều 26); 12) Quyền được bảo vệ để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc (điều 27); 13) Quyền được bảo vệ để không bị mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt (điều 28); 14) Quyền được bảo vệ khỏi chất ma túy (điều 29); 15) Quyền được bảo vệ trong tố tụng và xử lý vi phạm hành chính (điều 30); 16) Quyền được bảo vệ khi gặp thiên tai, thảm họa, ô nhiễm môi trường, xung đột vũ trang (điều 31); 17) Quyền được đảm bảo an sinh xã hội (điều 32); 18) Quyền được bày tỏ ý kiến và hội họp (điều 34); 19) Quyền bí mật đời sống riêng tư (điều 21); 20) Quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo (điều 19).

      4. Như vậy qua “công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật”, “Luật người khuyết tật”, “Luật trẻ em” của Việt Nam, quyền của trẻ em khuyết tật có thể nói đã được qui định khá đầy đủ, rõ ràng, chi tiết.  Công ước quốc tế cũng như luật của Việt Nam cũng đã xác định một cách rõ ràng trách nhiệm tổ chức thực hiện của các cấp chính quyền nhà nước, trách nhiệm thực hiện của xã hội, cộng đồng.

     Nhưng nhìn chung việc tổ chức thực hiện cũng như thực hiện chưa thực sự nghiêm túc, chưa đến nơi đến chốn, hiệu quả chưa cao. Để khắc phục tồn tại này có lẽ cần đẩy mạnh, tăng cường hơn nữa công tác giáo dục, tuyên truyền pháp luật một cách sâu rộng đến tất cả mọi người dân, kể cả từ những cán bộ lãnh đạo chính quyền các cấp cho đến những người dân thường từ vùng sâu vùng xa đến vùng đô thị, để mọi người hiểu rõ mà tự giác thực thi chức trách, nghĩa vụ của mình, có như thế công ước, luật mới thực sự đi vào cuộc sống.

 

Trần Phượng

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *