Những nỗi đau da cam

Theo dòng ký ức của cựu chiến binh Lê Thường, 68 tuổi, ông ngoại của em Lê Văn Thông, học sinh lớp 3, trường Tiểu học cơ sở Diễn Hải (Diễn Châu, Nghệ An), năm 1969, tạm biệt người vợ mới cưới là Lê Thị Liệu (sinh năm 1948), ông xung phong đi bộ đội và được biên chế vào Đại đội 4, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 3, Sư đoàn 271, chiến đấu ở các vùng trọng điểm của Khu 4 rồi sang tận Cánh đồng Chum của nước bạn Lào. Vợ ông ở nhà cũng tích cực làm nghĩa vụ kháng chiến và lo việc gia đình để ông yên tâm làm nhiệm vụ ngoài mặt trận.

Thời gian này, ông bị nhiễm chất độc da cam đi-ô-xin do đế quốc Mỹ rải xuống các cánh rừng, nguồn nước mà không hay. Năm 1971, thấy sức khỏe ông giảm sút, tổ chức đã bố trí ông về địa phương. Không thể tiếp tục chiến đấu, ông nhiệt tình tham gia công tác xã hội.

            Trong khoảng 10 năm liền được bà con giáo dân ở địa phương tín nhiệm bầu làm Trưởng ban hành giáo của Giáo xứ Vạn Phần (Giáo họ Phúc Thịnh), ông thực sự là cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền địa phương với giáo hội và bà con giáo dân, là hạt nhân của khối đoàn kết lương-giáo trên địa bàn.

            Cũng từ đây, 7 người con ông bà lần lượt ra đời. Chứng kiến người con trai đầu là Lê Thanh Thể (sinh năm 1971) chào đời khôi ngô, bụ bẫm, họ hàng ai cũng mừng vui. Bất hạnh thực sự ập đến với đôi vợ chồng giáo dân nghèo này khi cô con gái thứ hai là Lê Thị Hiền (sinh năm 1973) khi lớn lên mắt kém, chân tay teo tóp, đi đứng khập khiễng, thiểu năng trí tuệ. Mấy cô con gái tiếp đó cũng vậy.

            Bà Liệu thở dài thườn thượt, lấy vạt áo lau nước mắt, chỉ vào hai cô gái tóc rối bù, chân tay lỏng khỏng như da bọc xương đang “âu yếm” con chó nằm cạnh chân, miệng méo xệch. Thấy khách đến, hai em cứ ngửa cổ lên trời cười vu vơ, nước dãi chảy đầy nền nhà. “Cũng như cô chị, Lê Thị Lành (sinh năm 1975) và Lê Thị Quế (sinh năm 1979) khi sinh ra đã bị tật nguyền, mù bẩm sinh nuôi mãi vẫn không lớn và không nói được, suốt ngày chỉ ú ớ. Chừng ấy tuổi mà chúng nó như con nít, không tự vệ sinh được, ăn uống cũng phải có mẹ xới cơm và dằm xương cá cho mới không bị hóc” – Bà Liệu nói.

            “Thế những người con khác thì sao?”. Nghe tôi hỏi, bà Liệu dõi đôi mắt hằn sâu vết chân chim nhìn ra mảnh vườn nhỏ trước nhà thiếu người chăm bón, đượm buồn: “Những tưởng đứa thứ tư là Lê Thị Nhung (sinh năm 1977) thân thể lành lặn, mặt mày sáng sủa, lớn lên sẽ hỗ trợ bố mẹ cáng đáng việc nhà, nhưng từ lâu nó mắc chứng đau đầu triền miên và gần đây bị thêm bệnh sỏi thận nữa. Cũng tội nghiệp nó, lấy chồng cùng xóm sinh được 3 đứa con thì đứa con trai đầu học đến lớp 9 phải bỏ giữa chừng vì nhận thức kém, không theo kịp bạn bè; con thứ hai năm nay 16 tuổi cũng cao ráo, xinh gái như mẹ nhưng bị thiểu năng trí tuệ nên học đến lớp 8 thì bỏ; còn thằng út sinh năm 2005, học hành cũng không ra sao. Riêng cô thứ sáu là Lê Thị Nhất (sinh năm 1982) và cậu Lê Văn Nhân (sinh năm 1984) thì ông trời còn thương, cho chúng nó lành lặn và may mắn hơn 3 cô chị, song cuộc sống hiện tại của gia đình chúng nó cũng khó khăn, vất vả lắm”.

            Không mắc bệnh như mấy người con, nhưng ông Thường từ khi Bệnh viện tỉnh Nghệ An trả về (tháng 8-2013) do tiểu đường giai đoạn cuối, sức khỏe ngày càng giảm sút. Có lần ông phải thở ôxy, nằm mê man liệt giường, tưởng không qua khỏi. Nhà chuẩn bị hậu sự và mời cha xứ xuống rửa tội trước lúc qua đời, nhưng sau đó tỉnh lại. Song từ đó trở đi, ông nhiều lúc cũng không tự chủ vệ sinh được. Một mình bà Liệu vừa lo ăn cho cả nhà, vừa chăm sóc chồng con mà hết ngày.

            Bất hạnh vẫn chưa buông tha gia đình bà. Năm 2005, chị Hiền trong một lần lân la ngoài đường đã bị kẻ xấu trong xóm dụ dỗ hãm hiếp, phải đến khi cái bụng ngày càng to ra (mà Hiền không ý thức được mình mang thai), gia đình mới biết chuyện. Sinh cháu bé, chị Hiền không có khả năng nuôi con, bà Liệu lại phải nuôi cháu.

            “Ngày trước còn sức còn ra biển mò con ngao, con hến cải thiện và làm 4 sào ruộng; giờ già yếu rồi, không ra biển được nữa, chỉ cố làm 2 sào ruộng nhưng nào có đủ ăn. Mấy đứa nhìn ngơ ngơ, nhỏ cọt vậy, chứ ăn thì rất khỏe. Nguồn lao động chính không có, nếu không nhờ khoản trợ cấp 4 nạn nhân chất độc da cam khoảng 5 triệu đồng/tháng của Nhà nước thì quả thực nhà tui không biết nhìn vào đâu để lo thuốc men cho ông nó và cái ăn, cái mặc cho 3 đứa con tật nguyền cùng 1 đứa cháu. Những đứa ra ở riêng, cuộc sống cũng còn nhiều khó khăn, nên vợ chồng tui không dám trông mong chúng nó đỡ đần bố mẹ” – Bà Liệu thổ lộ đầy lo âu, khắc khoải về cuộc sống hiện tại của 6 miệng ăn trong căn nhà cũ kĩ, tường bong tróc, nham nhở vết cào cấu của mấy người con mỗi khi lên cơn. 

            “Hiện, tui tuy già nhưng vẫn còn có thể chăm sóc gia đình. Tui chỉ áy náy một điều là, mai này tui yếu đi, ông nó qua đời, sẽ mất phần trợ cấp chính nuôi sống gia đình, thì ai sẽ lo cho mấy đứa kia đây?”, bà Liệu rầu rĩ nói thêm.

            Nhưng điều ông bà lo lắng nhất hiện nay là những giấy tờ chứng nhận nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam của ông Thường và 3 người con đã bị thất lạc, mà theo bà Liệu thì “Nghe đâu tới đây, cơ quan chức năng sẽ xác minh, thống kê lại những trường hợp hưởng trợ cấp nạn nhân chất độc da cam. Nếu không có giấy tờ chứng minh, họ sẽ chuyển sang diện trợ cấp tuổi già đối với ông Thường và diện tàn tật đối với con Hiền, con Lành, con Quế. Lúc đó chỉ còn được hưởng mức trợ cấp 180.000 đồng/người/tháng, vậy không biết nhà này sống sao đây? Vợ chồng tui tuổi đã cao rồi cũng chết, chỉ tội mấy đứa con tật nguyền, không có khả năng lao động và đứa cháu ngoài giá thú còn nhỏ dại quá…”.

            Tạm biệt những phận đời bất hạnh ra về, bên tai chúng tôi vẫn văng vẳng tiếng cười ngặt nghẽo vô hồn, những tiếng ú ớ rên la khó nhọc thoát ra từ những vòm miệng méo xệch, vẫn ám ảnh tâm trí tôi. Phía trước những phận đời bất hạnh kia đã, đang và còn cần lắm những tấm lòng nhân ái…

Cảm thông sâu sắc với gia cảnh của em Lê Văn Thông, từ năm 2014, Chi đoàn Đồn BP Diễn Thành, BĐBP Nghệ An đã nhận đỡ đầu em, giúp em tiếp tục ước mơ đến trường. Các tổ chức, cá nhân hảo tâm có nhu cầu hỗ trợ những phận đời bất hạnh trên đây xin gửi về địa chỉ: Ông Lê Thường, xóm 8, xã Diễn Hải, huyện Diễn Châu, Nghệ An; hoặc điện thoại: 0948587096 (chồng chị Nhung – con gái thứ 4 của ông Thường).

 

Bùi Hồng Mạnh

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *