TRUNG TÂM SAO MAI: TẬP HUẤN VỀ CHƠI CÓ MỤC TIÊU VÀ TRỊ LIỆU ÂM NHẠC

Nhận thấy lợi ích của việc chơi có mục tiêu và phương pháp trị liệu âm nhạc đối với trẻ chậm phát triển trí tuệ, tự kỷ, Trung tâm Sao Mai đã tổ chức tập huấn cho giáo viên nhằm trang bị kỹ năng cho giáo viên để áp dụng đối với trẻ trong quá trình học tập, vui chơi, trị liệu…

Chuyên gia trị liệu Wonda Orange tập huấn cho giáo viên TT Sao Mai về chơi có mục tiêu

           Nhận thấy lợi ích của việc chơi có mục tiêu và phương pháp trị liệu âm nhạc đối với trẻ chậm phát triển trí tuệ, tự kỷ, Trung tâm Sao Mai đã tổ chức tập huấn cho giáo viên nhằm trang bị kỹ năng cho giáo viên để áp dụng đối với trẻ trong quá trình học tập, vui chơi, trị liệu…

           Trẻ tự kỷ thường gặp khó khăn trong việc chơi, vì trẻ có khiếm khuyết trong giao tiếp, tương tác xã hội và hành vi rập khuôn và thường chóng quên, hay phá phách. Chơi là một phương tiện trung gian nhằm giúp trẻ phát triển kỹ năng nhận thức như giải quyết vấn đề, sắp xếp thứ tự và bắt chước. Chơi cũng hỗ trợ sự phát triển của ngôn ngữ, kỹ năng vận động, tương tác xã hội và hiểu biết.

           Trước đó, Trung tâm cũng đã có các tình nguyện viên là những Chuyên gia “Hoạt động trị liệu” như Bethsmat đến từ vương quốc Anh và Madeline Entwistle đến từ Úc…, Các chuyên gia đã  tập huấn cho giáo viên về hoạt động trị liệu và các trò chơi, để các cô trò có thể kết hợp chơi và học, giúp trẻ có cơ hội khám phá thế giới xung quanh chúng và cải thiện tình trạng thiếu tập trung của trẻ.  

           Từ những thành công của các lần tập huấn trước, cuối tháng 7 vừa qua Trung tâm Sao Mai tiếp tục tổ chức buổi tập huấn của chuyên gia Wanda Orange (người Mỹ, đến từ tổ chức GVI) cho giáo viên Trung tâm về chơi có mục tiêu. Nhằm giúp giáo viên có những kỹ năng để chơi với trẻ một cách có mục tiêu, thông qua những trò chơi mà chuyên gia hướng dẫn, các giáo viên có thể vận dụng với trẻ khuyết tật trí tuệ, tự kỷ ở lớp học, dựa trên những nhu cầu đặc biệt của trẻ khuyết tật trí tuệ, tự kỷ và yêu cầu của trò chơi, mục tiêu của giáo viên.

           Những trò chơi các chuyên gia đưa ra trong buổi tập huấn đều gần gũi, sinh động, dễ tiếp nhận.Như đi xe bus, giao tiếp bằng ngôn ngữ kí hiệu, ảnh kèm kí hiệu, thiết bị điện tử… Trò chơi về những khu vực đặc biệt như cửa hàng tiện dụng; cuộc sống gia đình; phòng giác quan; hoạt động hướng nghiệp; hoạt động với dã ngoại và một số công việc ở nhà hàng, khách sạn… giúp trẻ có các kỹ năng tiếp cận cuộc sống.

               Thông qua hoạt động với trò chơi như đặt câu hỏi, xếp hình, chơi caro, kết nối các chấm và các hoạt động thể chất khác như lắc người, nhảy dây, các trò chơi với bóng…, giúp trẻ rèn luyện các kỹ năng ghi nhớ, vận động…

          Có thể nói, chơi có mục tiêu là giúp trẻ tập trung chú ý, bắt chước, ghi nhớ, rèn luyện não bộ và cơ thể thông qua tương tác với những trẻ khác hoặc với giáo viên.

           Bên cạnh đó thì âm nhạc trị liệu với trẻ tự kỷ cũng rất quan trọng. Trị liệu âm nhạc không công khai là sẽ chữa được bệnh tật hay khiếm khuyết nào. Tuy nhiên, nó có thể cung cấp cho người học nhiều cách hiệu quả hơn để giao tiếp và đối phó với những khó khăn của họ, phục hồi những kỹ năng và duy trì cũng như phát triển những khả năng. Trẻ tự kỷ có nhiều khó khăn trong nhiều lĩnh vực trong đó bao gồm khiếm khuyết mặt ngôn ngữ và khả năng giao tiếp, dung nạp âm thanh và sự tập trung chú ý.

           Nhận thấy tầm quan trọng của việc trị liệu âm nhạc đối với trẻ tự kỷ, vào cuối tháng 7-2016, Trung tâm Sao Mai Trung tâm Sao Mai cũng đã tổ chức buổi tập huấn của chuyên gia Jodi Pafford, người Mỹ (đến từ tổ chức GVI) cho giáo viên Trung tâm về phương pháp trị liệu âm nhạc với chủ đề sử dụng âm nhạc làm sống động quá trình học tập. Mục đích là trang bị cho các giáo viên kỹ năng cần thiết về trị liệu âm nhạc, để giáo viên có thể ứng dụng cho trẻ khuyết tật trí tuệ, tự kỷ ở lớp học khi cần thiết.

            Theo các chuyên gia thì một người không có kiến thức về âm nhạc cũng có thể học trị liệu âm nhạc. Các chuyên gia trị liệu âm nhạc có thể giải quyết  những mục tiêu trùng lặp với các trị liệu khác như Trị liệu ngôn ngữ, vận động, hành vi, thể chất … chỉ trong một buổi học. Trị liệu âm nhạc cần có mặt chuyên gia trị liệu âm nhạc và thực hiện can thiệp bằng cách nào đó mới hiệu quả, còn nghe một bản nhạc nào đó bằng một máy nghe nhạc nhưipod chỉ là giải trí thông thường. Âm nhạc giải trí với âm nhạc trị liệu có sự khác nhau.

          Các chuyên gia cũng chỉ ra các cách kết hợp âm nhạc trong các hoạt động ở lớp học như viết lại lời cho các bài hát quen thuộc với câu ngắn và các từ mới dễ nhớ, lặp lại để tăng cường sự ghi nhớ và hiểu từ; khám phá cảm xúc và ý tưởng; sử dụng nhịp và phách để tăng cường sự vận động, khả năng ghi nhớ; bài hát khởi động cho các hoạt động và lịch trình hàng ngày; bài hát tập thể dục… nghe nhạc tạo ra tâm trạng phấn chấn, vui vẻ cho học sinh.

            Trị liệu âm nhạc là một trong các trị liệu được quan tâm hiện nay. Các cơ sở can thiệp trẻ tự kỷ có quy mô như Trung tâm Sao Mai cũng đã và đang quan tâm, đã có phòng và các dụng cụ phục vụ cho trị liệu âm nhạc như đàn Ocgan, trống, xắc xô..và giáo viên trị liệu âm nhạc, nhưng việc trang bị kỹ năng, kiến thức cho các giáo viên đứng lớp là quan trọng để sử dụng  kết hợp trị liệu âm nhạc, mỹ thuật và phát triển kỹ năng xã hội, khả năng tự lập, phát triển ngôn ngữ và giao tiếp cho trẻ tự kỷ. Sự kết hợp để phát triển toàn diện các kỹ năng cho học sinh tự kỷ nhằm giúp các em sớm ra học hòa nhập là điều Trung tâm Sao mai đã, đang mong muốn và thực hiện.

  Đài Thanh

Giáo viên TT Sao Mai tham gia buổi trị liệu âm nhạc của chuyên gia trị liệu Jodi Pafford.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *