Hội CTTETT VN tổ chức hội thảo: Vận động nguồn lực, xây dựng mô hình hỗ trợ trẻ em khuyết tật hòa nhập cộng đồng”.
Ngày 26/11 tại khách sạn Hacinco số 110, Thái Thịnh, Đống Đa, Hà Nội, Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam tổ chức hội thảo về Vận động nguồn lực, xây dựng mô hình hỗ trợ trẻ em khuyết tật hòa nhập cộng đồng”.
Chủ trì Hội thảo : Ông Ngô Sách Thực, Chủ tịch Hội cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam, Đại biểu quốc hội khóa XIV, Ủy viên đoàn Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam. Đến tham dự có các Bà Đỗ Thị Huệ Phó Chủ tịch Hội, Ông Nguyễn Xuân Lãng Trưởng ban Tuyên truyền – Đối ngoại Hội, Ông Trần Doãn Tiến,Tổng biên tập Tạp chí Sức khỏe Trẻ em; Bà Phạm Thị Hương Ngát – Phó ban Tuyên truyền Đối Ngoại Hội bảo trợ Người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam, Ủy viên ban Thường Trực,ban Thường Vụ, cán bộ, nhân viên văn phòng Hội; Giám đốc các Trung tâm, Chủ nhiệm các Nhà Cứu trợ, cán bộ, giáo viên các cơ sở thuộc Hội, phóng viên Tạp chí Sức khỏe và Trẻ em
Ông Ngô Sách Thực, Chủ tịch Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo
Ông Ngô Sách Thực, Chủ tịch Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam cho biết: Trẻ em khuyết tật chịu nhiều thiệt thòi và khó khăn trong học tập và cuộc sống. Thấu hiểu và chia sẻ những khó khăn đó Ban Lãnh đạo Hội, các cấp hội đã không ngừng kết nối, vận động nguồn hỗ trợ để giúp đỡ đến các cháu khuyết tật. Năm 2024 Ban Thường vụ Trung ương Hội đã ban hành Kế hoạch vận động và Kế hoạch tổ chức Chương trình “Thắp sáng niềm tin cho em” lần thứ 9, thực hiện nhiều nội dung đổi mới phương pháp, cách thức tổ chức thực hiện, đã tăng nguồn lực và số lượng trẻ em khuyết tật được cộng đồng xã hội quan tâm hỗ trợ, giúp giảm bớt khó khăn và tăng cơ hội hòa nhập cho hàng trăm ngàn trẻ em khuyết tật. Thời gian qua, các Trung tâm, Nhà Cứu trợ, câu lạc bộ, Tạp chí Sức khỏe trẻ em, các Hội thành viên, cán bộ, hội viên đã hoạt động rất nỗ lực trong vận động nguồn lực xã hội để giúp đỡ được nhiều trẻ em khuyết tật mang lại những điều tốt đẹp nhất cho các cháu. Hội ghi nhận và biểu dương những kết quả đã đạt được của các đơn vị trong thời gian qua. Qua Hội nghị này, Ban Tổ chức truyền đạt, thông tin chuyên đề và tham luận với mong muốn để làm rõ hơn Phương pháp, cách thức thiết thực vận động nguồn lực hỗ trợ trẻ em khuyết tật hòa nhập cộng đồng.
Toàn cảnh Hội thảo tập huấn
Tham dự hội thảo ngày hôm nay có có 100 đại biểu đã về dự. Chủ tịch Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam đã thuyết trình làm rõ bản chất của công tác cứu trợ trẻ em khuyết tật với trách nhiệm của một hội xã hội, từ thiện, trên cơ sở chính sách, pháp luật hiện hành đưa ra các nội dung, hình thức, phương pháp thực hiện nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ, hội viên trong vận động nguồn lực để chăm sóc, giáo dục, phục hồi chức năng, hướng nghiệp, dạy nghề trẻ em khuyết tật.
Ông Ngô Sách Thực, Chủ tịch Hội cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam, Đại biểu quốc hội khóa XIV, Ủy viên đoàn Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam giảng bài trong lớp tập huấn
Ông Ngô Sách Thực, Chủ tịch Hội cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam trình bày chuyên đề: Nâng cao kiến thức kĩ năng cho cán bộ, nhân viên, cộng tác viên trong vận động nguồn lực để chăm sóc, phục hồi chức năng, hướng nghiệp, dạy nghề trẻ em khuyết tật
Các đại biểu đã chia sẻ một số kinh nghiệm và mô hình trợ giúp người khuyết tật
Tại hội thảo tập huấn, các đại biểu đã chia sẻ một số kinh nghiệm và mô hình trợ giúp người khuyết tật hiệu quả như: – Kinh nghiệm trong việc xây dựng Dự án, kết nối nguồn lực với địa chỉ hỗ trợ trẻ em khuyết tật có hoàn cảnh đặc biệt của Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh. Phải xây dựng dự án mới kết nối sự hỗ trợ theo địa chỉ dài hạn, kể cả cứu trợ đột xuất.
– Kinh nghiệm vận động tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ chăm sóc, phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật của Bà Đỗ Thúy Lan- Giám đốc Trung tâm Sao Mai.
– Kinh nghiệm việc tổ chức, kết nối các hoạt động hỗ trợ, chăm sóc bán trú cho trẻ em khuyết tật trí tuệ, tự kỷ của Bà Hà Thị Như Quỳnh – Giám đốc Trung tâm CHIC.
– Tuyên truyền, vận động nguồn lực cho chăm sóc Sức khỏe trẻ em nói chung và trẻ em khuyết tật nói riêng, những vấn đề đặt ra của Ông Trần Doãn Tiến – Tổng biên tập Tạp chí Sức khỏe Trẻ em.
– Kết quả việc phối hợp chặt chẽ giữa Trung tâm – Gia đình – Nhà Trường – Xã hội trong công tác Hỗ trợ chăm sóc giáo dục trẻ khuyết tật Bà Dương Thị Thanh Vân – Giám đốc Trung tâm Hoa Anh Đào.
– Kinh nghiệm vận động nguồn lực hỗ trợ cho hướng nghiệp, dạy nghề trẻ em khuyết tật của Bà Lương Thị Thu Hà – Giám đốc Trung tâm Hương Giang – Yên Bái.
– Kinh nghiệm vận động nguồn lực cho công tác dạy nghề tạo việc làm cho trẻ em khuyết tật của Bà Nguyễn Thị Vân – Chủ tịch Hội đồng Sáng lập Trung tâm Nghị lực Sống.
Thuyết trình của Hội thảo, các bài và ý kiến tham luận đã đưa ra được những đánh giá khách quan, tương đối toàn diện kết quả hoạt động, vị trí, vai trò, đóng góp của Hội cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam trong công tác vận động tài trợ, những việc làm rất cụ thể và đặc thù của Hội vào thực hiện chính sách, pháp luật với trẻ em khuyết tật. Vai trò của các giám đốc, người đứng đầu các Hội, Trung tâm, Nhà cứu về sự trợ giúp tâm huyết, nhiệt tình, có tấm lòng yêu trẻ, có kiến thức và khả năng, điều kiện thể thực hiện công tác trẻ em khuyết tật. Những kết quả thực hiện nhiệm vụ vận động nguồn lực cho trẻ em khuyết tật năm 2024 đến nay có rất nhiều điểm sáng, khẳng định 2 chương trình trọng tâm đề ra đầu năm là rất phù hợp, vận động nguồn lực và phát triển hội viên, xây dựng tổ chức cơ sở hội bổ sung cho nhau, đều nhằm đến 1 đích là mở rộng diện các cháu khuyết tật được chăm sóc, giáo dục, phục hồi chức năng hòa nhập, nhiều cháu có tiến bộ, kết quả học tập, làm ra sản phẩm rõ nét
Ông Ngô Sách Thực, Chủ tịch Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam phát biểu tổng kết bế mạc Hội thảo tập huấn
Đúng như chủ đề Hội thảo đặt ra, các ý kiến, các bài tham luận đã đúc rút được những kinh nghiệm trong tổ chức và vận động nguồn lực để cứu trợ trẻ em tàn tật. Rất cần sự chung tay của toàn xã hội, lan tỏa việc tốt trong cộng đồng, cộng hưởng tình thương yêu và trách nhiệm của gia đình, xã hội và tổ chức, cá nhân sẽ giúp các em có niềm tin vào cuộc sống, xóa bỏ mặc cảm để vươn lên. Các ý kiến đã phân tích nguyên nhân của những hạn chế, bất cập và đưa ra một số kiến nghị trong công tác vận động các nguồn lực tài trợ với cách nhìn khoa học, khách quan đã chỉ rõ nơi nào chủ động, tích cực thực công tác vận động tài trợ về trẻ em khuyết tật. Nhiều tham luận và ý kiến phát biểu cũng đã đề xuất các giải pháp và định hướng nhằm phát huy vai trò của các tổ chức thuộc Hội, phát triển cách thức vận động nguồn lực tài trợ.
Một số hình ảnh của Hội thảo tập huấn: