Hội cứu trợ trẻ em tàn tật việt nam: Mái ấm tình thương của trẻ em không may mắn
Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 590/TTG, ngày 2-12-1993 của Thủ tướng Chính phủ; là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; là Hội có tính chất đặc thù theo Quyết định số 68/2010/QĐ-TTg, ngày 01-11-2010 của Thủ tướng Chính phủ.
Hội đã trải qua ba kỳ Đại hội, do Bác sỹ Nguyễn Tài Thu, thày thuốc nhân dân, Anh hùng Lao động làm Chủ tịch. Nhiệm kỳ I (1994-1999), đồng chí Nguyễn Văn Linh, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm Chủ tịch danh dự; Nhiệm kỳ II (2000-2005), Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình làm Chủ tịch danh dự; Nhiệm kỳ III (2005-2010), Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa làm Chủ tịch danh dự. Thực tế đó càng khẳng định sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước ta đối với trẻ em khuyết tật, một đối tượng cần chăm sóc đặc biệt. Mục tiêu cao nhất của Hội là: Bảo vệ, chăm sóc, dạy dỗ trẻ em tàn tật, tạo điều kiện để trẻ em tàn tật có thể tự lao động, góp phần nuôi sống bản thân, giúp ích cho gia đình và xã hội, sống hoà nhập, bình đẳng với cộng đồng. Để đạt được mục tiêu cao cả đó, Hội đã xác định nhiệm vụ cụ thể là: Phải tích cực vận động, tập hợp sự ủng hộ, giúp đỡ, tài trợ của các đơn vị, tổ chức, tập thể, cá nhân, của toàn xã hội để tổ chức các cơ sở nuôi ăn, khám chữa bệnh, chữa tật, phục hồi chức năng, dạy chữ, dạy nghề, tạo việc làm miễn phí cho trẻ em tàn tật. Hội thực hiện phương châm: dựa hẳn vào cộng đồng, vừa giảm bớt khó khăn, chi phí tốn kém cho gia đình các em, vừa tạo sự gắn kết giữa tổ chức Hội với gia đình để chăm sóc các em. Qua 20 năm hoạt động Hội đã nhận được sự quan tâm sâu sắc, tạo điều kiện thuận lợi của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và sự giúp đỡ của các Bộ, ban, ngành, đoàn thể, sự đồng tình ủng hộ của cộng đồng xã hội, của trẻ em tàn tật và gia đình các em, nhất là gia đình các trẻ em tàn tật nghèo, vùng sâu, vùng xa. Với sự phấn đấu không mệt mỏi của toàn thể cán bộ, hội viên, Hội đã đạt được các kết quả rất đáng khích lệ. Gần 20 năm, Hội đã thành lập được 3 Hội địa phương, 26 Trung tâm cứu trợ ở các quận, huyện, 5 nhà cứu trợ trẻ em ở xã, phường, 40 Chi hội trực thuộc Trung ương Hội và 3 công ty thành viên hỗ trợ cho hoạt động của Hội. Hội cũng phát triển được gần 8.000 hội viên chính thức và nhiều hội viên tán trợ làm hội viên danh dự; 16 hội viên là tổ chức thành viên. Gần 20 năm qua, Hội đã nhận được sự giúp đỡ của nhiều tổ chức, cá nhân nước ngoài, điển hình là các tổ chức: Maryknoll (Hoa Kỳ), Donxa (Bỉ), Tổ chức Cứu trợ trẻ em tàn tật Thuỵ Điển, Tổ chức Dragon Blue (Australia), Ủy ban II Hà Lan, Tổ chức Atlantic Philanthropies (Hoa Kỳ), Tổ chức Cứu thế Quân (Hoa Kỳ), Đại sứ quán Đan Mạch, Tổ chức Hand of Hope, Tổ chức Lev Đan Mạch, Câu lạc bộ Phụ nữ Quốc tế, Hội Vitam (Pháp), Đại sứ quán Úc và Hàn Quốc…. Bằng sự giúp đỡ, tài trợ của các tổ chức trong và ngoài nước, các nhà hảo tâm, Hội đã xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất cho các Trung tâm, Nhà Cứu trợ với số tiền 5.037.434.071 VNĐ; xây dựng nhà làm việc cho các Trung tâm, Nhà Cứu trợ với diện tích sử dụng 24.150 m2; trang bị thêm các thiết bị phục hồi chức năng cho các cơ sở gồm 04 máy kích thích thần kinh và cơ, 04 máy siêu âm đa chiều điều trị, 01 máy tập gấp và duỗi tay, 03 máy tập đa năng khoẻ cơ, 03 bộ dây ròng rọc, 01 bộ đèn tử ngoại UAV, 02 máy tập chạy và đi bộ, 02 dụng cụ tập quay tay, khớp vai, 02 dụng cụ tập quay cổ tay, 02 dụng cụ tập chi trên tổng hợp, 02 dụng cụ tập chi dưới tổng hợp, 01 giường xoa bóp chạy điện, 02 đệm xoa bóp, 02 thang leo, 02 băng chuyền, 110 bộ khung tập đi và 05 xe điện với tổng trị giá trên 239.850.000 đồng. Đặc biệt, khi Hội nhận được sự ủng hộ của Cộng đồng người Việt ở Vương quốc Đan Mạch, thông qua Uỷ ban người Việt Nam ở nước ngoài, Trung ương Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam đã dùng toàn bộ số tiền 25.100.000 VNĐ mua trâu và nghé tặng cho 5 gia đình trẻ em khuyết tật nghèo tại tỉnh Yên Bái. Cùng với nguồn tài trợ, Hội đã sử dụng vào việc nuôi ăn cho trẻ được chữa bệnh tật, phục hồi chức năng bằng các phương pháp nội khoa ở Trung tâm cứu trợ châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt, cấp thuốc, vật lý trị liệu…; cấp phát thuốc miễn phí cho 27.025 lượt trẻ khuyết tật với tổng số tiền 1.976.982.000 đồng; chữa bệnh, chữa tật, xoa bóp, bấm huyệt miễn phí cho 3.495 lượt trẻ với tổng số tiền 3.012.454.000 đồng. Hội cũng nuôi trẻ ăn để phẫu thuật, phục hồi chức năng sau phẫu thuật cho 3.502 trẻ, đảm bảo mức ăn 25.000 đồng một ngày với tổng chi phí 1.751.000 đồng. Hội cũng đã đảm nhận nuôi ăn, dạy dỗ, phục hồi chức năng trẻ khuyết tật phải đi lại để khám sàng lọc với các tỉnh miền núi đặc biệt khó khăn như: Điện Biên, Hà Giang, Lai Châu với chi phí 230.615.000 đồng; nuôi ăn, dạy dỗ 3376 trẻ với mức ăn bình quân 15.000đ/ngày với mức chi phí 50.640.000đồng. Bằng sự nỗ lực của các cấp Hội, các tổ chức thành viên, trên 2.300 trẻ tàn tật đã khỏi tật, phục hồi được chức năng cơ thể. Chữa bệnh, dạy chữ, dạy nghề cho trẻ khuyết tật là phương hướng hoạt động của Hội và là mục tiêu phối hợp của các tổ chức thành viên. Vì vậy, 127 lớp dạy chữ, 86 lớp dạy nghề, 12 xưởng sản xuất từ cơ sở đã giúp 618 trẻ học thành nghề, trên 600 trẻ khiếm thị biết hành nghề vi tính là một kết quả rất đáng mừng. Trên cơ sở đáng mừng đó, Hội đã tổ chức 04 lớp tin học đào tạo giáo viên nguồn cho 18 tỉnh, thành phố phía Nam với 30 người tham dự, sau đó họ đã trở thành giáo viên tin học cho Hội Người mù các tỉnh. Vừa quan tâm hỗ trợ vật chất, các cấp Hội cũng rất quan tâm hỗ trợ về mặt tinh thần cho trẻ khuyết tật. 6 Câu lạc bộ nghệ thuật của trẻ khuyết tật đã được tổ chức lớp học âm nhạc, hội hoạ, xiếc, ảo thuật… cho 30 trẻ tàn tật có năng khiếu. Kết quả, các câu lạc bộ đã đào tạo được 9 nhạc công, tham gia các nhóm nhạc thường xuyên biểu diễn tại các tụ điểm văn hoá, phòng trà… tại thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương. 3 trẻ em tàn tật đã trở thành người biểu diễn ảo thuật trong 3 đoàn xiếc lưu động nhỏ, 211 trẻ em tàn tật đã có 517 bức tranh tham gia triển lãm và bán được tranh vơi giá cao. 20 năm là một thời gian không ngắn. Với sự nỗ lực của các cấp Hội và các nhà hảo tâm, Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam đã ghi được dấu ấn đáng mừng trong xã hội, trong lòng trẻ em khuyết tật cả nước và bạn bè quốc tế. |
Phạm Thị Phương Thư |