Lễ Kỉ niệm 15 năm thành lập Trung tâm hỗ trợ trẻ khuyết tật trí tuệ hòa nhập Hy Vọng, Hải Dương
Sau các hoạt động chuẩn bị Kỉ niệm 15 năm thành lập Trung tâm hỗ trợ trẻ khuyết tật trí tuệ hòa nhập Hy Vọng, Hải Dương (viết tắt là Trung tâm Hy Vọng), sáng ngày 26/10, tại số 265, Thành Phao II, phường Phả Lại, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Trung tâm Hy Vọng tổ chức lễ kỉ niệm 15 năm thành lập Trung tâm Hy Vọng.
Quang cảnh
Đại biểu tham dự
Đến tham dự buổi lễ có đoàn Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam: Ông Ngô Sách Thực, Chủ tịch Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam là Trưởng đoàn; Bà Mai Thị Hạnh, Chánh văn phòng; Bà Trần Thị Phượng, cán bộ văn phòng; cùng Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Tổng biên tập Tạp chí Sức khỏe trẻ em và phóng viên đến dự và đưa tin.
Ngoài ra có sự tham dự của: Thầy Thích Thanh Hiền, Trưởng Ban trị sự Hội Phật giáo tỉnh Hải Dương, Trụ trì Chùa Sùng Nghiêm, phường Phả Lại, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương; Ông Phạm Thành Quang, Giám đốc Quỹ hỗ trợ nhân đạo Sen Hồng; Bà Đỗ Thúy Lan, Giám đốc Trung tâm Sao Mai, TP Hà Nội; Ông Nguyễn Huy Quảng, Giám đốc Trung tâm CTTETT Thuận Thành (Bắc Ninh), Ông Nguyễn Ngọc Duy, Giám đốc Trung tâm dạy nghề nhân đạo và tạo việc làm cho trẻ em tàn tật Việt Nam (Hà Nội); Bà Nguyễn Thị Hương, Giám đốc Trung tâm CTTETT TP Thanh Hóa; Đại diện chính quyền địa phương: phường Phả Lại, phường Văn An, phường Cổ Thành, xã Hưng Đạo, xã Lê Lợi, xã Nhân Huệ (thuộc tỉnh Hải Dương) và đông đảo các cán bộ, giảng viên, giáo viên, sinh viên, học sinh đang công tác và học tập tại các Trường Đại học sư phạm Hà Nội; Trường Đại học Sao Đỏ – Đại học Y Hải Dương; Đại diện các Công ty, doanh nghiệp, nhà tài trợ trên địa bàn tỉnh Hải Dương,………….
Ông Ngô Sách Thực, Chủ tịch Hội tặng hoa chúc mừng Lễ kỷ niệm 15 năm thành lập Trung tâm Hy Vọng
Bà Vũ Thị Hiền, Giám đốc Trung tâm Hy Vọng phát biểu khai mạc chương trình
Phát biểu khai mạc buổi lễ, Bà Vũ Thị Hiền (cô Hiền), Giám đốc Trung tâm Hy Vọng chia sẻ “Khi đã chọn công việc chăm sóc trẻ em khuyết tật (TEKT) là xác định chấp nhận vất vả, đòi hỏi phải có sự kiên trì để vượt qua, để gắn bó với sự đơn điệu, để quẩn quanh trong một không gian nhỏ hẹp cùng những đứa trẻ ngờ nghệch, bệnh tật. Và, chỉ có tình thương, lòng nhân ái, bao dung mới đủ sức giữ họ ở lại với nghề”
Khác với nhiều bạn bè, khi tốt nghiệp ra trường họ thường chọn những nơi có điều kiện làm việc tốt, có thu nhập cao, tại các thành phố để “neo đậu”, còn cô giáo Hiền lại trở về quê hương, gắn bó với TEKT, để khiến cho bữa ăn của cô cũng không được vẹn toàn, ngủ thì không trọn giấc. Phải chăng, ở cô có một tình yêu bao la dành cho TEKT, cô đồng cảm, cô thấu hiểu chúng, chính vì thế cô đã không “bỏ cuộc” mà cùng đồng nghiệp “chèo lái” đưa con thuyền Hy Vọng cặp bến bờ vinh quang. Là Giám đốc Trung tâm, là nhà quản lý, cô luôn tâm niệm: công tác tại đơn vị mang tính đặc thù, trước hết trình độ chuyên môn phải vững vàng, cô đã đặt ra mục tiêu rõ ràng cho bản thân, đó là không ngừng nỗ lực, khắc phục mọi khó khăn, sắp xếp công việc một cách khoa học để theo học và hoàn thành cho được chương trình giáo dục đặc biệt tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Được chăm sóc nuôi dưỡng toàn diện tại Trung tâm, nhiều TEKT từng bước lớn khôn, trưởng thành. Tình yêu thương, sự quan tâm từ những “người mẹ thứ hai”, từ các cơ quan chức năng và cộng đồng trở thành điểm tựa, niềm tin cho ước mơ của những đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt bay xa. Thiết nghĩ TEKT là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong xã hội. Dù được nuôi dưỡng, chăm sóc tại các Trung tâm, cơ sở bảo trợ xã hội, mái ấm… Vẫn cần lắm những tấm lòng vàng kết nối hỗ trợ để những phận đời kém may mắn thấy được tình yêu thương luôn hiện hữu và họ không bao giờ bị xã hội lẵng quên. Đó là lời tâm huyết, là sự mong mỏi của cô giáo Hiền – Giám đốc Trung Tâm Hy Vọng (Hải Dương) nhắn gửi chúng ta.
Tuy nhiên, để quyết tâm thực hiện cho được ước mơ đưa Trung tâm đi vào hoạt động, đón TEKT về chăm sóc, dạy dỗ, cô giáo Hiền – Giám đốc Trung tâm đã phát huy sự năng động, vận dụng hiệu quả kiến thức sư phạm được đào tạo bài bản, cùng sự đam mê nghề giáo, hết lòng yêu thương con trẻ, cô đã cùng cộng sự chia sẻ khó khăn, không sợ thiếu thốn, không quản ngày đêm, bằng những việc làm thiết thực: Cô đã hỗ trợ kinh phí xăng xe để giáo viên đến tận nhà đưa, đón các cháu đi học; nhiều gia đình nghèo không có tiền cho con theo học, cô vẫn vui vẻ tiếp nhận các cháu, miễn toàn bộ học phí cho nhiều cháu có hoàn cảnh đặc biệt… Nhiều lúc cũng “bế tắc” lắm, không biết xoay đâu ra tiền trả lương giáo viên, trả tiền thuê nhà, thế là lại phải kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ ít gạo, ít mì tôm, nước mắm… để nuôi các cháu… Cứ vậy, lấy “ngắn nuôi dài”, bế tắc dần cũng qua, Trung tâm Hy Vọng đi vào hoạt động ổn định đến nay cũng đã 15 năm, đang không ngừng phát triển bền vững và từng bước trưởng thành. Nếu như ngày đầu thành lập, đến với Trung tâm chỉ là 5 đứa trẻ tật nguyền, phụ huynh chưa tin tưởng, và còn suy nghĩ lệch lạc, họ cho rằng TEKT là những đứa trẻ bỏ đi, không cần phải học. Vậy mà đến với Trung tâm các cháu được học kỹ năng sống, được quan tâm chăm sóc, chỉ bảo tận tình, để rồi tật nguyền cũng dần được cải thiện ngày một khả quan hơn, các cháu đã nhận thức được hành động của mình (biết đi vệ sinh đúng chỗ, không hủy hại bản thân, không la hét… ). Qua đây đã giúp cho phụ huynh thấy được tấm lòng của các cô giáo dành cho học trò, thấy được sự tiến bộ rõ rệt từ con họ, cứ vậy niềm tin của phụ huynh dành cho Trung tâm ngày một nhân lên, thương hiệu của Trung tâm Hy Vọng ngày càng khẳng đinh, lan tỏa. Để giờ đây TEKT tìm đến với Trung tâm ngày một đông (70 cháu) đang học tập nuôi dưỡng tại Trung tâm. Chưa hết, trong 15 năm hoạt động của Trung tâm, sau khi học tập ở Trung tâm, đã có trên 1000 cháu đạt yêu cầu được về hòa nhập cộng đồng.
Ông Ngô Sách Thực, Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam – Chủ tịch Hội xúc động phát biểu tại chương trình
Đến tham dự lễ kỉ niệm, Ông Ngô Sách Thực, Chủ tịch Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam tặng hoa chúc mừng và cho biết “Hôm nay, rất vui được nói lời chào mừng quý vị đại biểu, khách mời cùng tập thể cán bộ, giáo viên Trung tâm Hy Vọng đang tham dự Kỉ niệm 15 năm ghi dấu Trung tâm Hy Vọng. Tôi thật sự xúc động được chúc mừng sự kiện này và đánh giá cao sự cố gắng của Giám đốc Trung tâm Hy Vọng cùng toàn thể cán bộ công nhân viên trong 15 năm qua đã có những thành quả góp phần chăm sóc cho trẻ em khuyết tật trên địa bàn như: Ban đầu vận động thành lập Trung tâm Hy Vọng rất khó khăn, chỉ có 5 cháu khuyết tật đến với Trung tâm, thì đến nay, sau 15 năm đã có trên 1000 trẻ khuyết tật – trên địa bàn tỉnh Hải Dương và các địa phương lân cận… đã ra học hoà nhập tại các Trường tiểu học, THCS. Tổ chức được các lớp dạy nghề cho các cháu. Các sản phẩm đính đá li ti ghép thành những bức tranh về quê hương, phong cảnh quê hương, đất nước … gần gũi với con người Việt Nam những sản phẩm nhận được phản hồi tích cực từ cộng đồng, cụ thể như: trong lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam (năm 2023), những bức tranh của các cháu khuyết tật được trưng bày và các nhà tài trợ, đại biểu đã đặt hàng ủng hộ tại lễ kỷ niệm của Trung ương Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam, Ông Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chụp ảnh lưu niệm cùng các cháu khuyết tật của Trung tâm Hy Vọng và ủng hộ nhiệt tình các sản phẩm tranh đính đá của các cháu thuộc Trung tâm Hy Vọng…..
Ông Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ông Ngô Sách Thực, Chủ tịch Hội CTTETT Việt Nam cùng cháu khuyết tật của Trung tâm Hy Vọng
Với những thành tích đạt được trong 15 năm xây dựng và phát triển của Trung tâm Hy Vọng. Trung ương Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam tặng Bằng khen và 6 chữ vàng “chuyên nghiệp – sáng tạo – phát triển” cho Trung tâm Hy Vọng, Hải Dương.
Ông Ngô Sách Thực, Chủ tịch Hội tặng 6 chữ vàng “Chuyên nghiệp – Sáng tạo – Phát triển” tại chương trình
Ông Ngô Sách Thực, Chủ tịch Hội trao tặng Bằng khen cho cán bộ, hội viên xuất sắc của Trung tâm Hy Vọng
Ông Ngô Sách Thực, Chủ tịch Hội tặng 5 triệu đồng tiền mặt và quà cho Trung tâm Hy Vọng
Ông Ngô Sách Thực, Chủ tịch Hội cùng Bà Mai Thị Hạnh, Chánh văn phòng Hội tặng quà cho các trẻ khuyết tật Trung tâm Hy Vọng
Lan tỏa yêu thương
Cùng với sự cố gắng đó, Tập thể Trung tâm đã được nhận Bằng khen của Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam; Bằng khen của Quỹ hỗ trợ nhân đạo Sen Hồng Việt Nam và nhiều giấy khen, bằng khen khác của các tổ chức xã hội, cơ quan chính trị đoàn thể khác.
Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Trung ương Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam Quyết định bổ nhiệm lại Bà Vũ Thị Hiền, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ trẻ khuyết tật trí tuệ hòa nhập Hy Vọng, Hải Dương nhiệm kỳ 2024 – 2029.
Ông Ngô Sách Thực, Chủ tịch Hội trao quyết định bổ nhiệm lại cho Bà Vũ Thị Hiền, Giám đốc Trung tâm Hy Vọng.
Nhân dịp này, Bà Vũ Thị Hiền, Giám đốc Trung tâm Hy Vọng đã gửi lời cảm ơn sâu sắc Ban Chấp hành Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam đã trao tặng 6 chữ vàng “Chuyên nghiệp – sáng tạo – phát triển” và khen thưởng cho 6 cán bộ, hội viên đã có thành tích xuất sắc trong xây dựng và phát triển Trung tâm hỗ trợ trẻ khuyết tật trí tuệ hòa nhập Hy Vọng, Hải Dương. Mỗi cán bộ, hội viên được nhận bằng khen kèm thưởng là 200.000đ/người. Tổng: 1.200.000đ. Cùng với đó, Trung ương Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam trao tặng Tập thể Trung tâm 5 triệu đồng tiền mặt và 30 suất quà, mỗi suất trị giá trên 100.000 đ/trẻ. Nhằm tạo điều kiện học tập, hỗ trợ các trẻ em khuyết tật thuộc Trung tâm Hy Vọng vượt qua khó khăn.
Một số hình ảnh tại chương trình: