Những phụ nữ hết lòng vì công tác cứu trợ trẻ khuyết tật

1. BS Đỗ Thúy Lan, GĐ Trung tâm tư vấn, chăm sóc, phát hiện sớm và can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ Sao Mai (Trung tâm Sao Mai) phường Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội.

1. BS Đỗ Thúy Lan, GĐ Trung tâm tư vấn, chăm sóc, phát hiện sớm và can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ Sao Mai (Trung tâm Sao Mai) phường Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội.

        Bà được nhiều người biết đến là là một bác sĩ tận tâm, một lãnh đạo nhanh nhạy với thời cuộc và có một tấm lòng cao cả đối với  trẻ em thiểu năng trí tuệ. Năm nay tuổi ngoài lục tuần nhưng bà vẫn rất nhanh nhẹn, năng động và trẻ hơn so với tuổi. Bà có một gia đình hạnh phúc, đủ đầy, con cái phương trưởng nhưng bà không ngồi để hưởng lạc, an dưỡng tuổi già mà hàng ngày vẫn miệt mài với công tác cứu trợ, từ thiện ở Trung tâm Sao Mai. Bà không chỉ làm quản lý, điều hành hoạt động của Trung tâm mà còn tận tụy khám, tư vấn cho trẻ khuyết tật, tìm kiếm nguồn tài trợ, tình nguyện viện, chuyên gia hỗ trợ về chuyên môn cho giáo viên Trung tâm.

        Bà đến với công tác từ thiện, nhân đạo bởi bà nghĩ rằng trời cho mình được hạnh phúc, đủ đầy thì mình không được hưởng hết mà cũng phải cống hiến, phải hi sinh một cách ý nghĩa thì mới bền vững.

           Suốt những năm tháng còn làm lãnh đạo Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương, bà đã luôn trăn trở với những hoàn cảnh, những câu hỏi về phương pháp chữa bệnh đối với trẻ thiểu năng trí tuệ mà bà được biết khi đi thực tế ở nhiều địa phương. Đến năm 1992, khi được cử sang Hà Lan học thì những trăn trở ấy của bà đã được giải đáp. Bà hiểu rằng, phương pháp chữa tốt nhất cho các cháu là dùng can thiệp giáo dục kết hợp với thuốc chứ không phải đơn thuần chỉ dùng đơn thuốc đặc trị. Tình thương con trẻ cộng với vốn kiến thức, chuyên môn vững vàng nên khi về nước, bà đã bắt tay ngay vào thí điểm phương pháp can thiệp giáo dục đối với lớp học 15 trẻ đầu tiên do chính bà thành lập. Sau hai năm, với sự quan tâm, giúp đỡ từ chuyên gia Hà Lan, phương pháp can thiệp giáo dục với trẻ khuyết tật đã đạt được những kết quả khả quan. Để đáp ứng nhu cầu đi học của trẻ khuyết tật trí tuệ ngày càng nhiều, bà Lan đã xin mở Trung tâm Tư vấn phát hiện sớm và chăm sóc trẻ khuyết tật Sao Mai vào năm 1995.

        Gần 20 năm đồng hành cùng trẻ khuyết tật trí tuệ với vai trò là cô giáo, bác sĩ chuyên khoa và là người bà của các cháu, bà Đỗ Thúy Lan đã cảm nhận được rất nhiều cung bậc cảm xúc. Niềm vui lớn nhất của bà là hàng ngày đến Trung tâm được các cháu tíu tít gọi tên “bà”, được nhìn thấy các cháu tật bệnh ngày một cải thiện hơn, biết nhận biết cuộc sống, biết gọi tên người thân…, được giúp cho những gia đình có con tự kỷ có được niềm vui, nghị lực, niềm tin đồng hành cùng con.

 

        Từ ngày thành lập đến nay, Trung tâm Sao Mai đã cứu giúp cho hàng trăm cháu khuyết tậ trí tuệ, tự kỷ trên cả nước cải thiện tình trạng tật bệnh, đặc biệt có rất nhiều cháu đã khỏi bệnh đi học hòa nhập, học nghề, sống tự lập. Trung tâm Sao Mai có một “thương hiệu” như ngày hôm nay là nhờ công sức rất lớn của BS Đỗ Thúy Lan. Bằng kinh nghiệm quản lý nhà nước và khả năng ngoại ngữ, chuyên môn của một người lãnh đạo lâu năm, bà đã đưa Trung tâm vượt qua nhiều khó khăn, thử thách. Bà trực tiếp đi kêu gọi tài trợ, hỗ trợ, giúp đỡ từ các tổ chức xã hội, các cơ quan trong và ngoài nước dành cho Trung tâm, rồi tuyển dụng, đào tạo đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn, năng nổ, nhiệt huyết với nghề. Trung tâm Sao Mai đang ngày càng phát triển, bề thế được cộng đồng xã hội trong và ngoài nước biết đến là một mô hình kiểu mẫu trong việc nuôi dạy, chăm sóc và chữa trị cho trẻ khuyết tật trí tuệ.

           

2. Bà Lê Thị Minh Hiền, GĐ Trung tâm chăm sóc sức khỏe, dạy nghề và tổ chức sản xuất cho Thanh thiếu niên khuyết tật Vì Ngày Mai (TT Vì Ngày Mai), số 96, tổ 19b, xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm (Hà Nội).

 

        Bà sinh ra vốn lành lặn, khỏe mạnh, từng theo học Đại học Ngoại thương Hà Nội. Không may, một tai nạn ập xuống khiến bà mất 81% sức khỏe, một chân bị hỏng hoàn toàn, việc di chuyển phải dựa vào cây nạng và chiếc xe ba bánh dành cho người khuyết tật. Tiếp đó, số phận như trêu ngươi bà khi thần chết đã đưa người chồng của bà đi sớm để lại cho bà một nách hai con nhỏ đang tuổi ăn tuổi học. Khó khăn đủ bề khiến cuộc sống của mẹ con bà lúc bấy giờ rất cơ cực, nhưng bằng nghị lực mãnh liệt, bà đã gượng dậy để sống và làm việc lo miếng cơm, manh áo cho các con bằng bạn bằng bè. Bà đã làm đủ các nghề như thêu, may, nấu phở, nấu cháo, bán nước,… để có tiền nuôi con ăn học. Ban ngày đi bán hàng ở vỉa hè, đêm về bà nhận các mặt hàng thủ công ở các cơ sở về làm. Sau một thời gian mày mò, bươn chải, bà có thể tự làm ra nhiều sản phẩm như tranh thêu, lọ hoa, giỏ hoa giấy, nơ, cài… Dần dà, bà nhờ các em nhỏ quanh khu phố cùng làm hàng gia công, rồi nhiều gia đình có con cháu bị khuyết tật cũng đưa đến nhờ bà dạy nghề. Từ đó, bà Hiền có ý tưởng thành lập một trung tâm dạy nghề dành cho thanh, thiếu niên khuyết tật để có thể lo cho bản thân, gia đình và giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ, góp phần giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Tuy bị khuyết tật vận động, đi lại khó khăn nhưng bà vẫn hăng say làm việc như một người bình thường khiến nhiều người phải nể phục. Là Giám đốc Trung tâm bà không chỉ ngồi một chỗ chỉ đạo mà bà còn chống nạng đi đến tận nơi các em học viên học việc, sản xuất để chỉ bảo tỉ mỉ từng công đoạn, cầm tay chỉ việc cho từng em, bà còn đi đây đi đó để ngoại giao, kêu gọi tài trợ, tìm đầu ra cho sản phẩm của các em làm ra…

          Đến đầu năm 2009, Trung tâm Vì Ngày Mai chính thức được thành lập, được công nhận tư cách pháp nhân thuộc Hội cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam. Lúc này, Trung tâm thuê được cơ sở rộng rãi hơn, có xưởng sản xuất, nơi ăn ở cho các em nên Trung tâm tiếp nhận ngày một đông học viên đến xin học nghề. Hiện Trung tâm có hơn 100 học viên đang theo học và tổ chức sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, may mặc, thêu  tranh, đan, sản xuất túi vải thân thiện với môi trường… Trung tâm còn tổ chức dạy văn hóa giúp các em có thể đọc thông, viết thạo, biết tính toán; dạy kỹ năng giao tiếp và chăm sóc sức khỏe bản thân; dạy ký hiệu ngôn ngữ của người khiếm thính, khiếm ngôn…Kinh phí hoạt động chủ yếu dựa vào sự giúp đỡ của các cá nhân, tổ chức có lòng hảo tâm và các sản phẩm hàng hóa của Trung tâm bán ra thị trường.

         12 năm qua, Trung tâm Vì Ngày Mai đã đào tạo nghề cho khoảng 800 người khuyết tật trẻ tuổi đến từ các tỉnh, thành phố trong cả nước. Nhiều em từ Trung tâm ra đi nay đã rất thành đạt, họ mở cơ sở, xưởng sản xuất riêng để tự chủ cuộc sống và giúp đỡ nhiều người cùng cảnh ngộ khác. Với nhiều người khuyết tật, Trung tâm “Vì ngày mai” thực sự là mái ấm đầy tình yêu thương, là nơi các em tìm thấy niềm vui, niềm hạnh phúc và tiếp thêm động lực vượt qua số phận.

         Bây giờ, tuổi bà đã cao, sức khỏe yếu, nhiều người khuyên bà nên nghỉ ngơi dưỡng già, vui cùng con cháu. Nhưng bà vẫn bận bịu với công việc ở Trung tâm. Bởi theo bà, các em khuyết tật đều có số phận đáng thương và bà luôn coi họ như là con cháu của mình. Vì vậy, còn gắng sức được ngày nào, bà vẫn làm việc, hết. Niềm vui lớn nhất của bà là hàng ngày đến Trung tâm làm việc, được các học viên gọi là “mẹ Hiền”, chứng kiến cuộc sống của các em ngày được được đổi thay từ chính nghị lực và khả năng lao động của các em.

3. Bà Vũ Thị Minh Hương, GĐTrung tâm Phúc Tuệ (trực thuộc Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Hà Nội) do bà Hương làm giám đốc nhiều năm nay được cộng đồng xã hội rất quan tâm, đặc biệt là cha mẹ trẻ khuyết tật trên địa bàn Hà Nội và một số địa phương lân cận. Vì đây là một địa chỉ phục hồi sức khỏe tâm thần, hướng nghiệp dạy nghề cho trẻ khuyết tật trí tuệ rất đáng tin cậy.

Với kinh nghiệm 30 năm giảng dạy tại các trường cấp ba của TP Hà Nội và trên chục năm công tác tại Sở giáo dục đào tạo TP Hà nội với vai trò chuyên viên giáo dục tâm lý nghiên cứu về y tế và tâm lý trẻ, khi nghỉ hưu bà Hương đã giành tất cả sức lực của mình cho các hoạt động xã hội như tham gia các chuyên đề, dự án của nước ngoài về giáo dục trẻ em, giáo dục giới tính, gia đình; bà còn tham gia và đảm nhận chức vụ Chủ tịch hội cha mẹ học sinh Thành phố trong thời gian dài.

Sự tâm huyết và tình yêu thương dành cho trẻ em khuyết tật trí tuệ nên năm 2001 bà quyết tâm thành lập Trung tâm chăm sóc, giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề cho trẻ khuyết tật trí tuệ Phúc Tuệ (Trung tâm Phúc tuệ). Con cái bà đều đã trưởng thành, có điều kiện nên bà không phải vướng bận con cháu, vì vậy về hưu bà muốn dành quảng thời gian quý báu còn lại của mình để làm việc thiện, cứu đỗi những mảnh đời khiếm khuyết với mong ước là trồng quả phúc cho con cháu mai sau…

Trung tâm Phúc Tuệ hiện có 2 cơ sở: 66 Phó Đức Chính, Ba Đình và số 3 Thạch Cầu, Long Biên, Hà Nội. Hiện Trung tâm đang nuôi dạy trên 80 em độ tuổi từ 2,3 tuổi – 18,19 tuổi mắc 1 số bệnh thiểu năng trí tuệ, tự kỷ… chia thành 5 lớp và 14 nhóm để thuận tiện trong việc quản lý, chăm sóc và giáo dục cho trẻ khuyết tật. Đặc biệt, với nhóm trẻ lớn Trung tâm tổ chức dạy nghề, và tổ chức sản xuất để có thể tự lập, hòa nhập cuộc sống.

 14 năm qua, làm lãnh đạo Trung tâm Phúc Tuệ, bà đã phải chạy đôn chạy đáo để duy trì và phát triển Trung tâm. Tuy Trung tâm phải trải qua nhiều khó khăn, thiếu thốn cơ sở vật chất nhưng với sự hy sinh, tâm huyết với trẻ khuyết tật nên tất cả lãnh đạo, cán bộ, giáo viên Trung tâm đều cố gắng khắc phục, tận dụng mọi sự ủng hộ, tài trợ của cộng đồng xã hội để nuôi dạy, chữa bệnh, chữa tật cho các cháu ngày một tốt hơn, hiệu quả hơn, được đông đảo phụ huynh có con em khuyết tật tin tưởng gửi gắm con em mình vào học.

Năm nay, bà Hương đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng trông bà còn rất khỏe mạnh, nhanh nhẹn và minh mẫn. Đều đặn hàng ngày bà vẫn đi xe máy đến Trung tâm để quán xuyến công việc rồi chạy đôn chạy đáo đi tuyền truyền, vận động, kêu gọi tài trợ, hỗ trợ về vật chất, tinh thần cho các cháu. Bà luôn đáu đáu một điều rằng làm sao tìm được một người kế cận có tâm, có lực để chèo lái Trung tâm khi bà không còn đủ sức để cáng đáng. Bà cũng mong muốn phát triển Trung tâm ngày một lớn hơn, có đầy đủ cơ sở vật chất và trang thiết bị cần thiết phục vụ cho việc dạy và học, chữa trị tật bệnh, phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật, giúp cho việc chữa trị tật bệnh cho trẻ đạt hiệu quả hơn, có cơ hội hòa nhập cộng đồng. Nhưng hiện nay, tuổi cao, sức yếu nên bà “lực bất tòng tâm”, mong rằng các tổ chức, đơn vị, cá nhân hảo tâm trong và ngoài nước hãy quan tâm và đồng hành cùng trẻ khuyết tật của Trung tâm trong thời gian tới.

  4. Bà Đỗ Thúy Nga, Giám đốc Trung tâm Hy vọng. Trước đây là Bác sĩ khoa nhi, là một người quản lý giáo dục- đào tạo của Phòng Giáo dục Quận Ba Đình nên bà Nga thường có dịp đi thăm, kiểm tra các lớp giáo dục tiểu học, các nhà trẻ trên địa bàn quận và bà rất đau lòng khi phát hiện trong lớp có một số em được xếp ngồi ở cuối lớp “không bình thường”, các em học không tiếp thu được gì và cô cũng không quản lý được trò. Những khuôn mặt ngây ngô, ngồi nhầm lớp ấy cứ ám ảnh bà trong suốt thời gian bà còn công tác. Vì tình yêu thương, trăn trở đối với trẻ khuyết tật nên năm 1998 về hưu, bà đứng ra thành một nhóm tình thương, gom những đứa trẻ khuyết tật trí tuệ ngồi nhầm lớp ấy lại để chăm sóc. Nghĩa cử nhân văn của bà sau đó được một số tổ chức từ thiện nhân đạo của Mỹ biết đến đã đến thăm và giúp đỡ nhóm. Sau đó, nhóm tình thương của bà liên kết với cơ sở 2 của Trung tâm Sao Mai để hoạt động. Năm 2002, bà thành lập Trung tâm Hy Vọng, lấy nhà riêng của mình để làm trụ sở nuôi dạy, chăm sóc các cháu. Để Trung tâm có kinh phí hoạt động và mua sắm trang thiết bị, bà đã vận động gia đình, bạn bè giúp đỡ về vật chất lẫn tinh thần, kêu gọi sự ủng hộ, giúp đỡ của các tổ chức xã hội trên địa bàn và các tổ chức, cá nhân từ thiện trong và ngoài nước. Bà Nga đã dành tất cả sự tâm huyết, trí tuệ và sức lực cho Trung tâm, thậm chí mang của nhà đi làm từ thiện, với hy vọng mang ánh sáng và niềm tin đến với các em khuyết tật trí tuệ- những đứa trẻ thiệt thòi, đáng thương.

Những ngày đầu, từ một nhóm trẻ tình thương, chỉ từ 5 – 7 trẻ khuyết tật độ tuổi từ 3 – 7 tuổi cư trú trên địa bàn quận Ba Đình (Hà Nội), thì nay số trẻ ở Trung tâm lên đến 70 cháu thuộc 21 tỉnh, thành phố trong cả nước, có giai đoạn số trẻ chưa kịp ra hòa nhập đã có trẻ xếp hàng trong danh sách chờ từ 15 – 20 cháu. Mỗi trẻ ở Trung tâm đều có sổ theo dõi sức khỏe, mọi diễn biến về sức khỏe của trẻ đều được giáo viên, các bác sỹ theo dõi, xử lý kịp thời và hàng năm đều được khám sức khỏe định kỳ 3 lần. Việc rèn kỹ năng sống cho trẻ là nội dung được lồng ghép trong mọi hoạt động của Trung tâm, với phương châm “kiên trì, thấu hiểu, chia sẻ” nên hầu hết trẻ tật ở đây đều dần tiến bộ, chuyển biến đã mang lại niềm vui, hạnh phúc cho trẻ và gia đình…

          Còn rất nhiều tấm lòng nhân ái là lãnh đạo, hội viên của Hội cứu trợ TETT VN và ở các Hội địa phương đang thầm lặng hy sinh để cứu giúp những mảnh đời bất hạnh mà chúng tôi chưa thể kể hết. Mong rằng, những tấm lòng nhân ái như vậy ngày càng được nhân rộng hơn trong cộng đồng xã hội để những mảnh đời khuyết tật bớt đi những thiệt thòi, bất hạnh.                                  

                                                                                                                            Thanh Nguyễn

 

 

 

                                

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *