Trung tâm CTTETT thành phố Nam Định: Củng cố tổ chức, đổi mới hoạt động
Trong tình hình ngày càng gặp nhiều khó khăn về tài chính, mặc dù tập thể cán bộ, nhân viên của Trung tâm rất cố gắng nhưng bị động về kinh phí hoạt động do nguồn tài trợ giảm sút, vì các doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh nên hoạt động của Trung tâm bị hạn chế cả về số lượng, chất lượng cứu trợ trẻ khuyết tật.
Lãnh đạo Trung tâm đã kiểm điểm đánh giá tình hình thực tế về hoạt động của Trung tâm trong thời gian qua và tổ chức tham quan tìm hiểu hoạt động của các Trung tâm thuộc Hội CTTETTVN: “Vì Ngày Mai”, “Sao Mai” để tìm cách tháo gỡ khó khăn, nâng khả năng và chất lượng khám chữa bênh, chữa tật, phục hồi chức năng và dạy kỹ thuật sống, dạy chữ, dạy nghề nhầm tạo điều kiện cho trẻ khuyết tật sống hòa nhập cộng đồng. Từ đó, lãnh đạo Trung tâm cùng với Chi ủy, Công đoàn, Thanh niên thống nhất, xin ý kiến chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và Trung ương Hội về đổi mới tổ chức và hoạt động của Trung tâm theo hướng ứng dụng cơ chế hoạt động của doanh nghiệp xã hội.
Tập thể lãnh đạo, cán bộ, nhân viên của Trung tâm thông nhất chủ trương đổi mới hoạt động theo hướng tạo nguồn thu từ dịch vụ chữa bệnh, phục hồi chức năng, dạy chữ, dạy nghề, dạy kỹ năng sống dạy ca múa nhạc để bảo đảm hoạt động ổn định và tạo khả năng tài chính trợ giúp việc chữa bệnh tật cho trẻ khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn là con em gia đình nghèo, gia đình chính sách.
Tất nhiên, muốn phát triển dịch vụ để tạo nguồn thu thì phải tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật như thiết bị, dụng cụ chữa bệnh, phục hồi chức năng, dụng cụ dạy học, dạy nghề và phải đào tạo bồi dưỡng, bổ sung thầy giáo, bác sỹ, y sỹ, lương y, điều dưỡng viên có trình độ chuyên môn cao, có tâm tình nguyện góp sức cứu trợ trẻ em khuyết tật. Bác sỹ Nguyễn Bá Duyệt, Phó Chủ tịch thường trực, Tổng Thư ký Trung ương Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam cùng bà Phùng Tuyết Nhung, Phó Chủ tịch và ông Đào Vũ Thiết, Phó Tổng thư ký đã làm việc với lãnh đạo Trung tâm và củng cố tổ chức, đổi mới hoạt động thăm các phòng lớp của Trung tâm đã được nâng cấp bước đầu; thăm các cháu khuyết tật đang được điều trị tại Trug tâm và trao đổi với người thân của các cháu về đổi mới hoạt động của Trung tâm trong thời gian gần đây.
Lãnh đạo Trung tâm báo cáo tình hình hoạt động và đề án đổi mới cơ chế tổ chức và hoạt động theo hướng doanh nghiệp xã hội. Ông Trần Hải, Giám đốc Trung tâm cho biết: Hiện Trung tâm có 16 cán bộ, bác sỹ, y sỹ, lương y, điều dưỡng viên được phân công làm việc ở 5 bộ phận. Bộ phận Y tế: Nâng cao chất lượng điều trị, phối hợp đồng bộ các kỹ năng, sử dụng các phương tiện, dụng cụ sẵn có để tạo nguồn thu. Phấn đấu ổn định nguồn thu bảo đảm đủ chi phí hoạt động. Giảm, hoặc miễn thu đối với các trường hợp bệnh nhi gia đình quá khó khăn về đời sống (có xác nhận của chính quyền địa phương). Khám chữa bệnh theo yêu cầu để tạo nguồn thu thích hợp với tỷ lệ tăng dịch vụ của ngành y tế trong tỉnh. Phân công cán bộ, nhân viên phù hợp kỹ năng , đảm bảo giỏi một việc, biết nhiều việc và cộng đồng trách nhiệm chặt chẽ, chỉ đạo thống nhất. Mở rộng các phương pháp khám chữa bệnh để chữa trị tốt và nhanh chóng hơn trước.
– Bộ phận giáo dục, dạy nghề: Sắp xếp lại độ tuổi, trình độ học sinh học đồng đều, có hiệu quả.Bố trí lại học sinh theo dạng tật bệnh để dạy theo kỹ năng, cải tiến nội dung phương pháp giảng dạy. Thu học phí theo cơ chế mới, đảm bảo nguồn thu nhập cho giáo viên theo mặt bằng của ngành trong thành phố.
– Nhóm chăm sóc, dạy dỗ trẻ tự kỷ, thiểu năng trí tuệ, tâm thần: Mỗi giáo viên chăm sóc, dạy kỹ năng, dạy học theo lứa tuổi cho từ 3-4 học sinh. Phân chia góc học tập của từng nhóm Tự kỷ, thiểu năng trí tuệ, tâm thần để dạy chuyên biệt. Tạo nguồn thu học phí theo yêu cầu giáo dục riêng biệt của cha mẹ học sinh.
– Lớp dạy ca múa nhạc: Dự tuyển học sinh là thiếu nhi khuyết tật nhẹ, thanh niên khuyết tật một phần cơ thể, hoặc trí tuệ chậm phát triển. Dự tuyển học sinh bình thường theo yêu cầu các môn học. Thu học phí với mức phù hợp. Tạo không khí, vui tươi, cải thiện mặc cảm, góp phần giáo dục tâm lý cho tất cả trẻ khuyết tật tại Trung tâm để các cháu tiến bộ về tật bệnh.
-Bộ phận tài vụ, văn thư, hành chính: Bộ phận tài vụ, văn thư, hành chính: Bám sát các bộ phận để thu đúng, thu đủ, thuận tiện cho bệnh nhân, học sinh. Hợp lý hóa phiếu thu, thẻ điều trị, thẻ học tập để các bộ phận triển khai nghiệp vụ.
Bác sỹ Nguyễn Bá Duyệt, Phó Chủ tịch thường trực,Tổng Thư ký vui mừng nhận xét: tổ chức cơ sở vật chất của Trung tâm đã được cải thiện, đàng hoàng, sạch sẽ, trật tự; lãnh đạo Trung tâm năng động cải tiến công tác điều hành hoạt động, tạo không khí làm việc mới tích cực và có trách nhiệm hơn nhờ thực hiện khoán việc, khoán chất lượng, hiệu quả và thực hiện chế độ thù lao theo khả năng, kết quả của công việc.
Bác sỹ Nguyễn Bá Duyệt cho rằng cùng với sự đổi mới điều hành hoạt động của Trung tâm tiển khai thực hiện chủ trương làm dịch vụ tạo nguồn thu, Trung tâm vẫn coi trọng công tác tuyên truyền vận động sự ủng hộ , tài trợ của tập thể, cá nhân, doanh nghiệp; tranh thủ sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền; sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể xã hội, nhờ vậy, đã bước đầu có thể đầu tư nâng cấp cơ sở phòng, lớp, trang thiết bị y tế, phục hồi chức năng, giáo cụ dạy nghề dạy trẻ bị bệnh tự kỷ và cải thiện đời sống cho cán bộ, thầy thuốc, lương y, điều dưỡng viên, thầy giáo dạy chữ, dạy nghề…
Thay mặt lãnh đạo Hội, Bác sỹ Nguyễn Bá Duyệt hoan nghênh những kết quả và sự tiến bộ trong quản lý hoạt động của Trung tâm và đề nghị lãnh đạo Trung tâm lưu ý công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ kế cận; phát huy tính năng động sáng tạo trong đổi mới phương thức hoạt động nhưng cần chú ý xây dựng đoàn kết nội bộ, tạo sự đồng lòng, hợp sức thực hiện nghiêm túc pháp luật quản lý tài chính, quản lý lao động và quy định, chủ trương của Trung ương Hội về công tác của Hội về công tác cứu trợ trẻ khuyết tật.
TÂN DÂN