Đón trẻ khuyết tật trở về sau Tết
Ngoài kia, khi mùa xuân đang làm lòng người ấm lên sau những đợt gió mùa lạnh buốt, thì nơi đây, trong căn phòng nhỏ của Trung tâm nhân đạo Hòa Bình, Hà Nội, không khí cũng đang được sưởi ấm bởi tình yêu thương. Sau thời gian nghỉ Tết tại quê nhà, 16 em nhỏ quay trở về Trung tâm, để tiếp tục sinh hoạt và học tập. Nhìn những khuôn mặt hồ hởi, những nụ cười rạng rỡ tinh nghịch, hồn nhiên, ít ai biết được các em đã trải qua những năm tháng khó khăn nhường nào.
Tới Trung tâm nhân đạo Hòa Bình, chúng tôi đã gặp em Lê Xuân Nam, khi em quay về thăm lại Trung tâm, ngôi nhà thứ hai đã nuôi nấng em từ nhỏ. Em Nam nhút nhát ngày nào khi mới vào Trung tâm, vậy mà bây giờ, Nam đã là sinh viên năm thứ hai, Trường cao đẳng Phát thanh và Truyền hình Hà Nội. Nam cho biết: “Bố bỏ nhà đi từ khi em còn bé. Mẹ một mình bươn chải kiếm sống lo cho em. Thế rồi, mẹ mắc phải căn bệnh hiểm nghèo, lại bỏ em mà đi. Những ngày đầu vào Trung tâm, em chỉ biết khóc. Mặc cảm nên em sống khép kín với các bạn. Nhưng các cô, các bác ở Trung tâm kể về những tấm gương sáng trong cuộc sống đã giúp em hòa đồng hơn”.
Cùng với Nam, có rất nhiều em có hoàn cảnh khó khăn khác được Trung tâm quan tâm, nuôi dưỡng. Đó là Chẻo Chẳn Đôi, dân tộc Dao, người nhỏ nhắn, đôi mắt đen lay láy kể: Khi được nhận vào Trung tâm, em không thể nói chuyện được vì không biết tiếng phổ thông. Ðược cô chú dạy chữ hằng ngày, em bây giờ đã được đến trường, có thêm nhiều bạn mới. Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, được đến trường là ước mơ quá lớn lao đối với em. Chính sự thấu hiểu nỗi khao khát tình yêu thương, đùm bọc của gia đình, ước mơ được học hành của các em, cán bộ của Trung tâm nhân đạo Hòa Bình đã tạo mọi điều kiện để các em thiệt thòi trong cuộc sống có môi trường học tập, vui chơi và rèn luyện. Những người cha, người mẹ thứ hai này còn kiên trì dạy các em trồng những mầm rau sạch hằng ngày.
Hiện nay, Trung tâm nhân đạo Hòa Bình nuôi dưỡng và bảo trợ cho 261 em có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật hay trẻ em bị nhiễm chất độc da cam ở 25 tỉnh, thành phía bắc, miền trung và Tây Nguyên. Với nguồn kinh phí không ổn định, cán bộ trong Trung tâm không nhiều, điều kiện vật chất còn hạn hẹp nhưng bằng tất cả tình thương, sự trìu mến, nhiệt huyết của các thành viên, bảy năm qua, Trung tâm đã trở thành mái nhà ấm áp nơi nuôi dưỡng những em nhỏ không may mắn trong cuộc sống.
Chị Phạm Thị An suốt bảy năm qua đã luôn gắn bó cuộc đời mình với Trung tâm. Có khi, chị là người đầu bếp khéo léo nấu cho các em những bữa ăn cơm dẻo, canh ngọt; có khi chị là người mẹ thứ hai, nuôi nấng, vỗ về, ru các em ngủ. Cũng có khi chị là cô giáo dạy các em học từng con chữ, giúp một số em có thể nói được tiếng phổ thông. Tình thương bao la, vô bờ bến của chị đã giúp các em biết yêu cuộc sống, biết ước mơ và hy vọng về một mái nhà ấm áp tình thương.
Chị An cho biết: “Hạnh phúc lắm khi các con gọi mình là má An. Vui lắm khi nhìn các con lớn lên khỏe mạnh từng ngày”. Bác Minh Khai, người cao tuổi nhất ở Trung tâm cũng là người gắn bó với Trung tâm từ khi thành lập, chia sẻ: “Để làm được ở đây, mỗi người cần có tâm trong sáng. Sức khỏe tôi cũng đã yếu, nhưng chứng kiến tận mắt những mảnh đời thiếu tình thương, những số phận chịu đau đớn về thể xác do hậu quả chiến tranh để lại, đã tiếp cho tôi thêm sức mạnh.
Bài và ảnh: Lê Minh Thúy