NHẬN BIẾT ĐẦY ĐỦ ĐỀ PHÒNG BIẾN CHỨNG CỦA BỆNH THỦY ĐẬU
Mùa Đông Xuân là mùa dễ xuất hiện bệnh thủy đậu (trước đây dân gian thường gọi là bệnh “Đậu mùa”) bệnh do virut gây ra. Virut varicella – zoter – đây là loại virut có ái tính rất cao với da, niêm mạc và hệ thống thần kinh. Có thể gây bệnh ở mọi lứa tuổi, nhưng nhiều nhất vẫn là ở trẻ em; Thủy đậu là loại bệnh truyền nhiễm, lây lan thành dịch. Bệnh lây qua đường hô hấp từ hơi thở, ho, hắt hơi của trẻ bệnh hoặc lây gián tiếp qua chăn màn, quần áo, đồ chơi, dụng cụ sinh hoạt có dính các chất dịch tiết của trẻ bệnh. Bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm khó lường.
– Biểu hiện của bệnh thủy đậu
- Sau khi nhiễm virut khoảng 2 tuần (thời kỳ ủ bệnh) thì bệnh phát. Trong thời gian này nhiều trẻ vẫn ăn ngủ, chạy nhảy bình thường; có khi trẻ sốt nhẹ, sổ mũi, biếng ăn, bỏ chơi, ngứa, một số trẻ lớn kêu đau mỏi các khớp xương và 2 – 3 ngày sau thì ban thủy đậu mọc.
- Ban thủy đậu bắt đầu mọc (thời kỳ toàn phát), phát triển khá nhanh, mới đầu là các nốt sần đỏ (gần giống ban sởi) mọc khắp da đầu, trong các kẽ chân tóc, lan khắp vùng gáy, cổ, bụng, lưng, ngực. Sau vài giờ các ban phát triển thành nốt phỏng rải rác khắp thân mình và tứ chi (ít khi xuất hiện ở lòng bàn tay, bàn chân). Nốt phỏng thủy đậu rất nông (gần như nằm trên mặt da) tròn hay bầu dục, có vòng đỏ bao quanh, bên trong chứa dịch trong (nếu bị bội nhiễm thì dịch đục như mủ) mọc không theo lớp lang tuần tự. Các nốt thủy đậu mọc rất nhanh, nhiều đợt, mỗi đợt cách nhau 2 – 3 ngày do đó ở cùng một vùng da có thể gặp đủ loại nốt đậu (to, nhỏ, đỏ, thâm, có nốt đang phồng nước, có nốt đóng vảy, thậm chí có nốt đang làm mủ.)
Phân biệt Ban sởi với Ban thủy đậu – ảnh Internet
Nốt thủy đậu cũng có thể xuất hiện trong niêm mạc miệng, niêm mạc âm đạo (trẻ nữ), trong mắt…
Khi các nốt thủy đậu xuất hiện thường trẻ rất ngứa (đây là dấu hiệu điển hình, đồng thời cũng là triệu chứng dai dẳng và nguy hiểm nhất, bởi trẻ không chịu được, gãi tứ tung, gãi nhiều, gãi mạnh làm vỡ các nốt đậu, gây nhiễm trùng da toàn thân, gây nhiễm trùng máu, nguy cơ dẫn đến tử vong).
Ngoài các dấu hiệu trên, trẻ có thể nổi hạch ở cổ, ở nách, ở bẹn trong một thời gian ngắn.
- Sau khi xuất hiện các triệu chứng trên khoảng 3-4 ngày. Các nốt phỏng đậu sẽ ngả sang màu vàng và vỡ ra (đó là thời kỳ lui bệnh), thời kỳ này kéo dài khoảng 1 tuần, nếu không có biến chứng, các mụn dậu sẽ khô dần, long vẩy, thâm da, không để lại sẹo. Nếu bị nhiễm khuẩn, các nốt đậu sẽ làm mủ, gây lở loét toàn thân, rồi các biến chứng nguy hiểm bắt đầu xuất hiện.
Biến chứng của bệnh thủy đậu.
Nếu không được điều trị, chăm sóc tốt, bệnh thủy đậu có thể dẫn đến các biến chưngsau:
– Loét giác mạc gây mù mắt (nếu nốt đậu mọc trong mắt)
– Viêm da cấp toàn thân
– Nhiễm trùng máu
– Viêm phổi
– Viêm não…
– Biến chứng hay gặp nhất là nhiễm trùng da cấp (do ngứa, trẻ gãi gây vỡ các nốt đậu giải phóng dịch mủ đầy vi rút tràn khắp toàn thân cộng với các tế bào da chết chồng chất tạo ra một môi trường thuận lợi cho vi rút và vi khuẩn cộng sinh phát triển) dẫn đến các biến chứng nặng nề khác.
Những xử lý cần thiết
+ Phòng bệnh
– Phương pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là trẻ em chưa mắc bệnh thủy đậu,nên cho trẻ tới cơ sở y tế tiêm vacxim phòng bệnh thủy đậu. Vacximphong thủy đậu tạo được miễn dịch gần như suốt đời, tính an toàn cao, ít tác dụng phụ. Nên cho trẻ tiêm phòng ngay từ nhỏ : Mũi tiêm đầu tiên lúc trẻ được 12 tháng tuổi (1tuổi) – Mũi thứ 2 (tiêm nhắc lại) lúc trẻ 4 tuổi.
– Luôn chú ý không để trẻ tiếp xúc với người bệnh để không bị nhiễm bệnh vào trẻ. Mặt khác khi trẻ đã bị bệnh, cần cách ly trẻ để tránh lây lan bệnh từ trẻ sang trẻ em (người) khác.
+ Điều trị:
– Chưa có thuốc đặc trị, chủ yếu là chữa triệu chứng. Trước hết là phòng chống ngứa, chống nhiễm trùng da toàn thân. Tốt nhất khi trẻ bị thủy đậu nên cho tới bác sĩ khám, hướng dẫn và điều trị, không tự ý hoặc nghe theo chỉ dẫn của người không là thầy thuốc về việc dùng thuốc cũng như phương pháp điều trị cho trẻ.
– Khi nốt thủy đậu vỡ, có thể dùng tăm bông (bán ở hiệu thuốc) nhúng nước Oxy già (nếu có), dung dịch betadin hoặc xanh methylene chấm nhẹ vào nốt vỡ, sau đó dùng bông thấm khô.
– Khi trẻ sốt trên 38,50c cho dùng thuốc hạ nhiệt theo chỉ dẫn của bác sĩ.
– Khi có nhiều nốt phỏng vỡ, sốt tăng hoặc có các dấu hiệu bất thường khác cần cho trẻ tới bệnh viện để được khám, điều trị đề phòng tình trạng choáng (shock) mất nước, nhiễm độc, nhiễm trùng và đề phòng biến chứng nguy hiểm sảy ra.
+ Chăm sóc trong thời gian trẻ bị thủy đậu.
– Thường xuyên vệ sinh tai mũi họng cho trẻ bằng nước muối pha loãng (mua nước muối sinh lý 9% bán ở hiệu thuốc , hoặc tự pha), ít nhất ngày 2 lần (sáng và chiều).
– Tránh cho trẻ tiếp xúc với gió
– Giữ da trẻ thật sạch sẽ bằng cách lau bằng nước ấm ngày 2 lần. Phải lau bằng khăn vải bông mềm, mỏng, tránh làm vỡ các nốt đậu. Sau lau nước phải lau khô, giữ cho da trẻ luôn khô thoáng, hạn chế trẻ gãi vỡ các nốt đậu.
- Cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ, nhất là những thức ăn mềm, loãng dễ tiêu, mát, tránh các thức ăn nặng, nóng, các thực phẩm chế biến từ hải sản (nhất là cua, tôm, cá, những thức ăn dễ gây dị ứng) thịt gà, thịt bò..
- Phòng trẻ nằm phải sạch sẽ, thoáng mát, sử dụng các dụng cụ vật dụng riêng biệt, kể cả quần áo chăn màn, đồ dùng sinh hoạt, đồ chơi v.v… cần cách ly với mọi người nhất là người chưa bị thủy đậu lần nào.
- Mặc cho trẻ quần áo mềm mại, rộng rãi tránh cọ sát vào các nốt đậu.
- Tuyệt đối không dùng các loại nước đun từ lá thuốc để tắm cho trẻ, đề phòng nhiễm độc, nhiễm trùng da.
- Khi thấy có những biểu hiện bất thường như sốt cao liên tục, co giật, lơ mơ, nói nhảm… cần cho trẻ tới ngay cơ sở y tế để khám và điều trị.
Nhìn chung, nếu được phát hiện sớm, điều trị đúng, kịp thời, chăm sóc đúng cách, bệnh thủy đậu thường tiến triển lành tính, vài tuần vảy tại các nốt thủy đậu sẽ bong không để lại sẹo. Nhưng nếu không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời, chăm sóc đúng cách, bệnh sẽ tiến triển nặng, gây ra nhiều biến chứng nặng nề.
BS Nguyễn Bá Duyệt