Sẽ có luật để quản lý các cơ sở nuôi dưỡng trẻ mồ côi

Theo thống kê, hiện nay số lượng trẻ lang thang, cơ nhỡ trên toàn quốc là khoảng 1,5 triệu trẻ. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 20% trẻ trong số này được nuôi dưỡng tại các trung tâm do nhà nước quản lý còn lại tập trung tại các cơ sở nuôi dưỡng tư nhân, các cơ sở thiện nguyện, cơ sở tự phát…

Trước những thông tin liên quan đến việc chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ tại chùa Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội, chúng tôi đã tìm hiểu để làm rõ những quy định liên quan về quá trình nhận nuôi, chăm sóc trẻ tại các cơ sở này cũng như việc quản lý các cơ sở nuôi dưỡng trẻ mồ côi tự phát hiện nay như thế nào. Liên quan đến vấn đề này, ông Tô Đức, Trưởng phòng Công tác xã hội, Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết: Theo quy định của pháp luật, những cơ sở thiện nguyện như nhà chùa, nhà thờ… không có chức năng nhận nuôi và chăm sóc trẻ mồ côi.

Theo quy trình, khi phát hiện trẻ bị bỏ rơi trong cộng đồng, UBND phường, xã sẽ là đơn vị đứng ra tìm nơi trú ẩn an toàn và tạm thời cho trẻ. Sau đó, các cơ quan này sẽ liên hệ với những cơ sở nuôi dưỡng trẻ mồ côi như trung tâm bảo trợ xã hội để chăm sóc và nuôi dưỡng đứa trẻ. Trong quá trình nuôi dưỡng, các cơ sở này lại sẽ tìm kiếm các hình thức chăm sóc thay thế khác cho trẻ để trẻ có cơ hội sống trong cộng đồng và phát triển một cách tốt nhất. Như vậy, nhà chùa, nhà thờ…. chỉ là nơi trú ẩn an toàn và tạm thời cho các trẻ em bị bỏ rơi. Với môi trường của nhà Phật, của tôn giáo, việc trẻ được nuôi dưỡng một cách an toàn và nhân đạo chắc chắn sẽ mang đến những điều tốt đẹp nhất cho tâm hồn cũng như thể chất của đứa trẻ bị bỏ rơi.

Tuy nhiên, một thực tế đang diễn ra là không ít cơ sở thiện nguyện lại chưa đảm bảo các yêu cầu để chăm sóc trẻ em. Lý do là vì cơ sở vật chất còn chật chội, điều kiện vệ sinh kém, điều kiện dinh dưỡng không đầy đủ, người chăm sóc nhận nuôi đều là những người có tâm từ thiện nhưng lại không có kỹ năng chăm sóc trẻ. Nếu trẻ được chăm sóc trong một môi trường như vậy rất dễ bị những ảnh hưởng về tâm lý, trí tuệ, sức khỏe và phát triển một cách không toàn diện.

Để có cái nhìn tổng quan và cụ thể về việc quản lý các cơ sở nuôi dưỡng trẻ mồ côi tự phát đang diễn ra trên địa bàn cả nước thời gian vừa qua, PV đã có buổi trao đổi với bác sỹ Nguyễn Trọng An, nguyên Cục phó Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Chuyên gia cao cấp Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em, hiện là Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển Cộng đồng. PV: Thưa bác sỹ Nguyễn Trọng An, hiện nay các cơ sở nuôi dưỡng trẻ mồ côi được chia thành những hình thức như thế nào? Có nhiều hình thức chăm sóc trẻ em mồ côi như các trung tâm bảo trợ xã hội, nhà xã hội, cơ sở từ thiện của nhà chùa, nhà thờ; nhận làm con nuôi…

Hiện nay, 1 hình thức chăm sóc trẻ mồ côi đang được xây dựng và đưa vào dự thảo Luật Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em sửa đổi là hình thức chăm sóc thay thế (Foster Care). Đây là hình thức nhận nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ em thay thế gia đình ruột thịt của mình. Các em này vì lý do nào đó mà không thể sống cùng gia đình có thể được chăm nuôi bởi cá nhân, gia đình có mối quan hệ huyết thống hoặc không có quan hệ huyết thống nhưng gia đình sẽ nhận được hỗ trợ về các chi phí chăm sóc trẻ. Chăm sóc thay thế trẻ em dựa vào gia đình và cộng đồng nhằm mục đích góp phần tạo cơ hội cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt có một cuộc sống ổn định, bình đẳng như mọi trẻ em khác và được phát triển toàn diện về thể lực và trí tuệ.

 

PV: Theo ông, công tác quản lý nhà nước cũng như các quy định liên quan đến việc nhận nuôi, chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ mồ côi đang được thực hiện như thế nào?

Hiện nay, quy định cơ quan chịu trách nhiệm về công tác quản lý các trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi còn chồng chéo và chưa rõ ràng. Đặc biệt, những cơ sở từ thiện, thiện nguyện của tư nhân, tập thể, nhà chùa, nhà thờ lại chưa có bất kỳ quy định về quy trình nhận nuôi như nhận thế nào, chăm sóc ra sao, việc giám sát công tác chăm sóc và nuôi dưỡng sẽ triển khai thế nào, việc hỗ trợ dạy nghề đã có văn bản quy định nhưng chưa đầy đủ. Chính vì vậy đã xảy ra hiện tượng buôn bán, lạm dụng tình dục… trẻ em. Mặc dù Nhà nước đã có một số văn bản pháp luật, các quy định, nghị định, quyết định về chăm sóc trẻ em mồ côi, bỏ rơi, hỗ trợ gia đình chăm nuôi các em, hỗ trợ cho các em được học tập… tuy nhiên, việc thực hiện những văn bản pháp luật này lại chưa tới nơi tới chốn. Bên cạnh đó, các quy định, nghị định… vẫn ở tầm pháp luật thấp cho nên việc thực hiện chưa nghiêm túc. Một số các cơ sở từ thiện như nhà thờ, nhà chùa, công tác kiểm tra, giám sát việc chăm nuôi trẻ của cơ quan chính quyền là rất khó khăn và không có luật.

PV: Ông có kiến nghị gì về công tác quản lý đối với những trung tâm, cơ sở nuôi dưỡng trẻ tự phát?

Trước hết, những vấn đề chăm sóc trẻ em mồ côi, bỏ rơi, không nơi nương tựa như chăm sóc về y tế, sức khỏe dinh dưỡng, chăm sóc về sức khỏe tinh thần… phải được quy định trong luật pháp. Trên thực tế, Nhà nước đã nhận được vấn đề này và đã chỉ đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đưa những nội dung này vào dự thảo Luật Bảo vệ và chăm sóc trẻ em sửa đổi trình Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội lần thứ nhất vào tháng 6- 2014 và trình Quốc hội năm 2015. Bên cạnh đó, cũng cần phải quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu của các địa phương liên quan đến vấn đề này. Trong thời gian chưa có luật, nên phải vận dụng các văn bản, điều khoản nhằm phối hợp với các cơ quan chức năng như Công an, văn hóa, y tế… kiểm tra định kỳ và đột xuất nơi nuôi dưỡng trẻ với mục đích để bảo vệ đứa trẻ, phòng ngừa nạn xâm hại, bạo lực, duy dinh dưỡng, bệnh tật, buôn bán trẻ em… Cùng với đó, cần phải tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục về sức khỏe sinh sản, an toàn tình dục, biện pháp trách thai… cho thanh thiếu niên để giảm thiểu tình trạng mang thai ngoài ý muốn từ đó dẫn đến việc gia tăng trẻ mồ côi.

PV: Trong quá trình công tác từ trước đến nay, ông có nhận được nhiều phản ánh về tình trạng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ chưa đảm bảo điều kiện, chất lượng…?

Trong suốt quá trình công tác và thực tế của bản thân, tôi cũng nhận được nhiều thông tin chia sẻ trên qua mạng internet, điện thoại về hiện tượng các cơ sở chăm nuôi trẻ tự phát có những biểu hiện tiêu cực như đánh đập, ngược đãi trẻ hay trẻ được chăm sóc tại một số chùa không đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh khiến trẻ em ghẻ lở, tiêu chảy, ốm đau nhiều…

PV: Xin cảm ơn ông!

Nhóm PVPL

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *