Việt Nam trước nguy cơ đối diện với bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập và Cách phân biệt Đậu mùa và thủy đậu là 2 bệnh khác nhau

TTO – Các quốc gia cạnh Việt Nam như Thái Lan, Singapore, Trung Quốc đã ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ. Hiện Việt Nam được WHO xếp vào nhóm 1 – nhóm quốc gia chưa ghi nhận ca bệnh. Tuy nhiên, nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập vào nước ta là rất lớn.

 

Hàn Quốc tăng cường giám sát bệnh đậu mùa khỉ tại sân bay và các bệnh viện do có nhiều ca bệnh được ghi nhận ở các nước gần đây – Ảnh: YONHAP

Đây là thông tin ông Nguyễn Lương Tâm, phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cung cấp trong cuộc họp khẩn của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam chiều 24-7. Cuộc họp liên quan đến bệnh đậu mùa khỉ và kế hoạch ứng phó với dịch bệnh trong thời gian tới.

Trước đó, ngày 23-7, WHO đã ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đối với bệnh đậu mùa khỉ, mức cảnh báo cao nhất của WHO.

Ông Tâm cho biết: “Nguy cơ ghi nhận trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ tại Việt Nam là hoàn toàn có thể do bệnh dịch đã xuất hiện ở nhiều quốc gia, sự giao lưu đi lại thuận tiện và có xu hướng gia tăng giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, trong khu vực.

Trong khi đó, tại Việt Nam trong tháng 4 và tháng 5 đã bỏ tờ khai y tế đối với khách quốc tế. Vì vậy người dân ở các quốc gia khác vào Việt Nam thuận lợi, trong đó có các quốc gia đã ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ”.

Theo bác sĩ Đỗ Hồng Hiên, chuyên gia dịch tễ, Tổ chức WHO tại Việt Nam, Việt Nam hiện chưa có báo cáo ca bệnh nhưng chỉ là vấn đề thời gian, cũng có thể đã có sự lây truyền trong cộng đồng. “Chúng ta cần có các biện pháp ứng phó sàng lọc, ngăn chặn không gây lây nhiễm và bảo vệ nhân viên y tế – những người có nguy cơ cao”, ông Hiên cảnh báo.

Tại cuộc họp, đại diện WHO tại Việt Nam cũng thông tin, bệnh đậu mùa khỉ thường khỏi sau vài tuần tuy nhiên cũng có biến chứng. Biến chứng phần lớn từ các nốt phát ban nếu để nhiễm trùng có thể dẫn đến hoại tử, ảnh hưởng đến phổi, nhiễm trùng máu, mất nước, viêm não.

“Vì vậy Việt Nam phải chuẩn bị năng lực về chẩn đoán, cách ly cũng như quản lý ca bệnh để khi có ca bệnh sẽ hạn chế tối đa lây lan cũng như tử vong”, vị này khuyến cáo.

Tại cuộc họp, đại diện Viện Pasteur TP.HCM, PGS.TS Nguyễn Vũ Trung cho biết: “Chúng tôi mong muốn WHO, CDC Hoa Kỳ hỗ trợ một số đơn vị ở Việt Nam các hóa chất, sinh phẩm để dùng phát hiện trường hợp nghi ngờ và ca bệnh đậu mùa khỉ”.

PGS.TS Vũ Trung cũng đề xuất mong muốn Bộ Y tế, WHO, CDC Hoa Kỳ có khuyến cáo tạm thời dùng một số hóa chất sinh phẩm dùng trong nghiên cứu, phòng xét nghiệm trong tình huống cần khẩn cấp dùng tạm thời để sàng lọc ca nhiễm.

Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh đậu mùa khỉ sau:

1. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh.

3. Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng như đau đầu, sốt, nổi hạch, đau cơ, đau lưng, suy nhược… cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời, cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.

4. Tránh tiếp xúc gần gũi với người mắc bệnh đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh.

5. Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ, cần tránh tiếp xúc với động vật có vú bị bệnh như: động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng (chết và sống) có thể chứa virus đậu mùa khỉ.

6. Đảm bảo an toàn thực phẩm, chỉ sử dụng các thực phẩm đã được nấu chín. Không nên ăn, tiếp xúc với động vật hoang dã hoặc sản phẩm của động vật hoang dã, động vật bị nhiễm bệnh.

Đậu mùa và thủy đậu: 2 bệnh khác nhau

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Quốc Ánh – Bác sĩ Nhi khoa – Khoa Nhi – Sơ sinh – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ Ánh đã có kinh nghiệm gần 10 năm là bác sĩ nội trú và bác sĩ điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng. Thế mạnh của bác là chuẩn đoán và điều trị bệnh lý Nhi; hồi sức, cấp cứu Nhi.

Bệnh đậu mùa và thủy đậu đều xuất hiện các mụn nước, gây tổn thương trên da. Tuy nhiên, các nốt phát ban ở thủy đậu xuất hiện thành cụm ở mặt, bụng, lưng và rải rác ở tay. Bệnh đậu mùa lại tập trung nhiều ở các vùng tay, chân

1. Phân biệt bệnh đậu mùa và thủy đậu

1.1 Giống nhau

Bệnh đậu mùa và bệnh thủy đậu đều gây ra các triệu chứng thương tổn trên da, sốt, mệt mỏi, chán ăn cho người bệnh.

Bệnh có khả năng lây nhiễm nhanh chóng và tạo thành dịch cao.

Phòng ngừa bệnh đậu mùa và bệnh thủy đậu chỉ được thực hiện khi sử dụng vắc-xin ngừa bệnh từ trước đó.

Có nguy cơ gây ra các biến chứng do các loại virus ngoại lai tác động khi điều trị bệnh.

Có thể lây lan bằng cách tiếp xúc với phần dịch ở da bệnh nhân, áo quần, khăn, chăn chiếu chung cũng như các đồ dùng cá nhân khác.

1.2. Khác nhau

  • 2 loại bệnh do 2 loại virus khác nhau gây ra. Thủy đậu là do virus Varicella Zoster, đậu mùa là do Variola virus gây nên.
  • Các nốt đậu mùa nhỏ hơn, lượng dịch trong các nốt mụn ít hơn. Các nốt mụn nước thủy đậu trông giống như các bong bóng nước, dễ vỡ và gây nhiễm trùng nếu không giữ gìn vệ sinh.
  • Bệnh đậu mùa có khả năng gây nguy hiểm cho tính mạng cao hơn bệnh thủy đậu. Virus Variola có 2 chủng vi rút là Variola major gây bệnh đậu mùa nặng – tỷ lệ chết/mắc từ 20 – 50%; Variola minor gây bệnh đậu mùa nhẹ có tỷ lệ chết dưới 1%. Tuy nhiên, tính trung bình tỷ lệ gây chết người ở bệnh đậu mùa khoảng 15-20%. Theo thống kê của WHO, từ năm 1978 đến nay, bệnh đậu mùa không còn xuất hiện và sẽ không quay trở lại.
  • Thời gian ủ bệnh của thủy đậu là từ 10 – 21 ngày, trong khi bệnh đậu mùa chỉ có thời gian ủ bệnh từ 7-14 ngày.
  • Loại vắc-xin ngừa bệnh đậu mùa và thủy đậu cũng khác nhau, thời điểm và cách thức tiêm phòng khác nhau.
  • Về cách thức chuẩn đoán, bệnh thủy đậu được chẩn đoán lâm sàng dựa trên các triệu chứng và tiến hành xét nghiệm mụn nước để đưa ra kết quả. Trong khi bệnh đậu mùa được chẩn đoán qua việc xét nghiệm dịch mụn nước và sự gia tăng số lượng tế bào thông qua nuôi cấy mô.

 

Vị trí phát ban của bệnh đậu mùa và bệnh thủy đậu khác nhau

2. Phân biệt triệu chứng bệnh đậu mùa và bệnh thủy đậu

2.1 Giống nhau

  • Bệnh đậu mùa và bệnh thủy đậu đều làm bệnh nhân xuất hiện các nốt mủ, mụn nước, gây ra những tổn thương trên làn da kéo dài từ 2-4 ngày. Sau dần vỡ ra, khô lại và bóc vảy, có thể để lại sẹo thâm trên da.
  • Bệnh đậu mùa và bệnh thủy đậu đều tiềm ẩn từ trước đó 1-2 ngày rồi xuất hiện các dấu hiệu sốt cao, mệt mỏi, đau đầu.

2.2 Khác nhau

  • Bệnh đậu mùa còn có các dấu hiệu đau nhức cơ thể, cảm thấy khó khăn khi cử động.
  • Các nốt phát ban ở bệnh thủy đậu xuất hiện thành cụm, xuất hiện nhiều ở mặt, bụng, lưng và rải rác ở tay. Vị trí phát ban thường bắt đầu từ mặt, ngực rồi lan sang các phần còn lại trong cơ thể, kể cả ở mí mắt, miệng và vùng sinh dục.
  • Bệnh đậu mùa lại tập trung nhiều ở các vùng tay, chân. Ban đầu có những chấm nhỏ ở lưỡi và trong khoang miệng, có thể dẫn đến khả năng truyền một lượng virus lớn và cổ họng.
  • Bệnh thủy đậu vẫn có khả năng xuất hiện lại ở người đã mắc bệnh thủy đậu trước đó nhưng có thể miễn nhiễm hoàn toàn sau khi đã mắc bệnh. Còn bệnh đậu mùa hiện nay đã được xóa sổ hoàn toàn, hiện chỉ còn xuất hiện tại các kho lưu trữ dịch tế quốc gia, phục vụ cho công tác thí nghiệm.

Tóm lại, bệnh thủy đậu và bệnh đậu mùa dù ở người lớn hay trẻ em đều có thể gây ra biến chứng xấu, do đó, khi phát hiện nhiễm bệnh nên đến các bệnh viện uy tín để khám và điều trị. Đặc biệt, không nên ở nhà tự chữa vì có thể khiến bệnh nhân đặc biệt là trẻ em bị nhiễm trùng và bệnh nặng hơn.

 

Nguồn : Tuổi trẻ online và Vinmec

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *